Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Lênh đênh “miền nước hứa”

Phóng sự VĂN VIỆT

Công trình thủy điện Hàm Thuận - Đạ Mi chặn dòng từ các dòng suối hợp lưu thuộc địa  phận hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, tạo thành cái hồ rộng đến hai ngàn sáu trăm ha từ ba năm về trước. Nước mênh mông thăm thẳm. Những cư dân làng chài trên sông Mê Kông (Campuchia), La Ngà (Đồng Nai), Trị An…ngược lên đây, nối kiếp sống lênh đênh trên vùng “nước mới”. Mấy đời đã qua mấy miền sông nước, họ chưa hề dám mơ đến một ngày kia sẽ đủ sức “ngoi” lên bờ để được đổi đời. Hàm Thuận - Đạ Mi đang trở thành “miền nước hứa” của họ..

HẤP LỰC Ở “MIỀN NƯỚC HỨA”
Chớm sang giữa đông mà trời Hàm Thuận - Đạ Mi ngả về chiều đang còn gắt nắng. Tôi nhờ chiếc thuyền máy cọc cạch của anh Trần Phương Nam, Trưởng Trạm quản lý rừng lòng hồ thuộc lâm phận Lâm Đồng, đến thăm làng nổi trên hồ. Hồ rộng bao la tít tắp. Núi chồng lên núi; rừng thẫm xanh bao bọc tứ bề. Hiện lên giữa lòng hồ là một ngôi làng dập dềnh trên sóng nước với 20 hộ dân gồm 76 con người. Khu “quần cư” chính của “làng” có 18 hộ kết nối nhau, dựng nhà tre lá, che bởi tấm bạc tồi tàn trên những chiếc bè cá trên hồ. 2 hộ còn lại sống trôi nổi tương tự ở phần sông bên kia, cách xa nơi này chừng 30 phút đi xuồng máy. Phương tiện làm ăn mỗi hộ gia đình tối thiểu đều có 1 chiếc xuồng đạp, còn đa phần có thêm chiếc xuồng máy nữa. Tính cộng trung bình gia sản mỗi hộ chưa quá 5 triệu đồng. 
Tất cả họ đã đến đây từ nhiều “miền sông nước” khác nhau. Anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1965, từ Phước Long, Sông Bé lên đây từ khi hồ bắt đầu dâng nước. Hải thất học từ nhỏ, lấy vợ cùng cảnh ngộ trên sông nước, không biết gì về đăng ký kết hôn. Nay, hai vợ chồng đã có hai con và chúng đâu nghĩ ngày nào sẽ được đến trường. Thấy có chút lòng nhiệt tình với “việc làng” nên chính quyền xã Hòa Bắc (Lâm Đồng) tạm giao cho anh Hải làm “làng trưởng” của làng chài này. Tâm sự với “khách đất liền”, giọng anh Hải trầm buồn: “Người dân trên sông nước này biết đọc, biết viết rất ít. Nhưng biết tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia, đọc được số cân, nhận biết từng tờ giấy bạc thì ai cũng rành. Cần vậy thôi, cũng sống được rồi…”
Trên làng chài có một “bè chợ” duy nhất của chị Trần Thị Cơ, 35 tuổi. Chị Cơ cùng chồng tên là Huỳnh Văn Đàn, 36 tuổi với 4 người con  (lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi) từ sông La Ngà “di cư tự do” lên đây vào năm 2001. La Ngà cũng như các con sông, hồ khác ở miền đông, miền tây nam bộ, lúc ấy “nước chật, người đông” nên nhiều người duy nhất sống nghề chài lưới đã lần lượt ra đi tìm “miền nước hứa” khác. Đến hồ Hàm Thuận - Đạ Mi mấy năm nay, “nước mới”, cá tôm đang khá dồi dào, khiến chị Cơ và nhiều người khác có phần “dễ thở” hơn. Ngoại trừ bè cá nuôi nhà nào cũng có, người dân hồ này thường xuống thuyền vào lúc sáng sớm hoặc chạng vạng tối để “đánh vó đèn”, giăng lưới đánh bắt cá. Ngày nào “trời thanh, hồ lặng” kiếm được cả trăm ngàn đồng. Gặp khi mưa, gió thất thường cũng kiếm được ba, bốn chục ngàn đồng. Cộng với tiền bán cá nuôi từ các bè , cuộc sống lênh đênh nơi đây có mức thu nhập đắp đổi qua ngày dễ hơn nhiều nơi khác. Nhà chị Cơ có 2 chiếc xuồng. 
Chiếc xuồng đạp dùng vào việc đánh bắt cá của chồng chị. Chiếc xuồng máy dành riêng cho chị ra vào đất liền để tiêu thụ tôm, cá, đồng thời mua về các nhu yếu phẩm cần thiết để bán cho dân làng chài. “Bè chợ” của chị Cơ lúc nào cũng “bao tiêu” hết sản phẩm của làng chài, đồng thời đáp ứng tại chỗ đủ những mặt hàng cần thiết, từ gạo, dầu lửa, mắm muối, đến kể cả rượu cũng có sẵn thường xuyên.
Sinh hoạt của dân làng chài rất “tự nhiên” như bao đời nay họ vẫn sinh tồn trên sông nước. Mọi chất thải sinh hoạt, sản xuất ( cá bè) đều thải hết xuống hồ. Khi ăn, uống cũng lại múc nước từ dưới hồ lên. Mùa cháy nắng, thói quen của dân làng chài mỗi lần đi xuồng còn thích múc nước hồ lên uống ngay sẽ mát hơn là đun sôi để nguội. Tội nghiệp nhất là đám trẻ con. 
Trong làng chỉ có ông Nguyễn Hoàng Lân, 51 tuổi là ở một mình, còn 19 hộ gia đình đều sẵn “ biên chế” từ 3 đến 7 người con trẻ. Chúng hồn nhiên đùa giỡn đủ trò trên sóng nước, chỉ năm, sáu tuổi đã biết bơi và có thể xuống thuyền ngay cùng ba, mẹ giăng bắt con cá, con tôm. Sống cách biệt với bên ngoài, chúng rất ít được đăng ký, cấp giấy khai sinh. Và cái chữ đến với chúng vẫn bịt bùng ở nơi nào đó xa lắc…
Từ làng chài địa phận Lâm Đồng đi thêm 2 giờ đồng hồ xuồng máy nữa là đến làng chài thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Nơi đây, 17 hộ dân đang cư trú trên bè cá là 17 hộ dân di cư tự do từ các làng chài ngoài tỉnh đến từ khi đập Hàm Thuận - Đạ Mi hoàn thành đến nay. Tất cả họ đã quen với tập quán sống lênh đênh trên sóng nước, chưa biết bao giờ sẽ thay đổi.
NƠI ĐẤT LIỀN VỜI VỢI…
Ông Nguyễn Thành Sơn, 46 tuổi cùng vợ và 5 người con lên hồ Hàm Thuận-Đạ Mi từ năm 1999. Ông nối nghiệp kiếp sống sông, hồ từ cha, mẹ truyền lại trên đất bạn Campuchia. Về sống trên sông La Ngà năm 1993, ông cưới vợ cho trai, gả chồng cho con gái trên làng chài này. Của hồi môn cho mỗi đứa con lập gia đình riêng là một chiếc xuồng máy, vài tấm lưới trị giá chừng 6 triệu đồng. Nay ông đã có 3 đứa cháu nội, ngoại mà ba mẹ chúng đang gửi về  Hàm Thuận-Đạ Mi cho ông nuôi khôn lớn. Nếu ở đất liền, những đứa trẻ lên ba như thế sẽ được vào vào trường mẫu giáo, được học hát, học múa, nhận biết dần một thế giới tươi đẹp quanh mình. Đằng này cơ hồ như chúng đang thích nghi nhanh với nước, với con thuyền chòng chành ngày đêm vật lộn với cá tôm. Ông nói như chấp nhận số phận của “kẻ chài”: “Khi nào không nuôi được bè cá, đánh được cá ở đây nữa thì phải tiếp tục ra đi tìm miền sông, nước khác để sống. Còn ngày nào lên bờ ư ? Chuyện chắc còn xa vời vợi…”
Được định cư trên đất liền, đó là mơ ước nhiều đời của dân làng chài mà chưa thể nào trở thành hiện thực được, bởi luôn luôn nằm ngoài tầm tay với của họ. Còn giờ đây, nơi công trình Hàm Thuận-Đạ Mi này, một công trình thủy điện lớn của quốc gia đang đối mặt trước gánh nặng di cư tự do về lòng hồ sẽ khó dừng lại với số hộ như thế…
Tháng 12/2002