Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Tiếng vọng biệt thự ma Đà Lạt

Phóng sự điều tra của Văn Việt

23 giờ đêm đầu xuân con rắn, tại biệt thự số 32A-đường 3 tháng 4 Đà Lạt nghe tiếng rì rầm gõ cửa từ bên ngoài, anh Trần Đức Trọng, người “gác gian” khẽ khàng bước ra. Một chiếc xe du lịch đời mới, biển số miền Nam hiện rõ. Trên cả chục người ăn mặc sang trọng xúm quanh xầm xì : “Cho chúng tôi được vào một đêm với …thế giới của người bên kia. Nghe lâu rồi, nay mới được dịp bạo gan đến đây…” “Được, mọi người cứ tự nhiên. Tôi sẽ hướng dẫn đi hết những gian phòng!”. Anh Trọng vui vẻ nhận lời…Là người Đà Lạt sống lâu năm, nhưng tôi phải tự trách tôi sao lại chậm chân hơn cả những du khách phương xa lần đầu tiên đến Đà Lạt ấy ? Không phải chỉ một biệt thự râm ran lời lan truyền có ma và còn nhiều biệt thự khác nữa cũng ở ngay thành phố thiên đường du lịch này. Muộn còn hơn không, sự xâm nhập của tôi vào những giờ “âm thịnh dương suy” theo tin đồn, đã nghe tất cả lời lên tiếng từ những “biệt thự ma” heo hút ấy…


*NHỮNG PHÁT SÚNG CỦA MA (?)
Biệt thự số 34 đường 3 tháng tư  Đà Lạt, trưa đứng bóng, một bậc phụ lão, tuổi gần 70 ra mời khách lạ vào trong. Tên ông là Lê Bá Minh, vợ ông không may mất sớm đã mấy chục năm rồi. Ông sống thui thủi một mình, làm nhiệm vụ trông coi biệt thự này ngót nghét đến mười năm. Không có điện, ông thắp đèn dầu riết rồi cũng thấy thích thích. Một chút ánh sáng vật vờ đêm hôm hoang lạnh không làm ông cảm thấy sợ hãi chút nào. Có lẽ, hiếm người ở được nơi này giống như ông. Biết tôi là nhà báo, ông ngần ngừ: “Có ma hay không, tôi làm sao biết được…”Khi bước vào phòng riêng của ông, thấy nguệch ngoạc những bức tranh lạ, kiên trì dò hỏi hồi lâu, ông mới lý giải“ý niệm”ấy. Giọng ông từ dè dặt chuyển sang đều đều vàsau cùng bỗng nhiên hứng khởi lên, cơ hồ như muốn “mê hồn”tôi vào chốn “ma âm cung” mà ông nói đã nghe, biết và…thậm chí thấy được (?!)…
Chuyện ma nghe kể lại thì nhiều lắm, ông bảo thế. Thời chiến tranh chống Mỹ-Diệm rồi đến Mỹ-Thiệu, những đám lính lì lợm khát máu, ác ôn nhất cũng phải kinh hoàng vì ma ở những biệt thự này. Ma thường hay xuất hiện vào trưa tròn bóng hoặc qua 0 giờ hàng đêm. Những phát súng nổ giòn tan vào đội hình trung đội, đại đội ngụy quân, ngụy quyền và lính Mỹ thường rất bất ngờ, giữa giấc ngủ và cả lúc bù khú, hoan lạc. Vẫn canh gác lớp trong, lớp ngoài, nhưng không chống trả được và không tìm thấy “Việt Cộng” phát hỏa ở đâu cả. Chỉ có ma mới có phép tàn hình, chứ “Việt Cộng” làm sao “xuất quỷ, nhập thần”, chẳng thấy dấu vết gì. Địch nghĩ thế, nên rất hoang mang, phải chuyển đi nơi khác để dựng trại “tiền chế”, “án binh bất động”. Hết sắc lính này đến sắc lính nọ của quân Mỹ, quân Sài Gòn thời đó luân phiên di chuyển đến đây, nhưng đều khiếp hãi, không giám chiếm cứ lâu dài. Bấy giờ, câu hỏi cứ ám ảnh bọn chúng : Ma đã phong tỏa, vây đánh quyết liệt thì có đội quân xâm lược tinh nhuệ nào, hung hãn bao nhiêu lại giám trụ lại ở đây?  Vâng, câu hỏi của thời chiến tranh; còn câu hỏi bây giờ thì sao ?

*NGƯỜI ĐẸP VÀ NHỮNG BÓNG ĐEN KINH DỊ…
Có lẽ những nghi vấn mang màu sắc huyền bí thời đấu tranh chống Mỹ quanh những khu biệt thự nói trên, hẳn giờ đây sẽ không làm mọi người ngạc nhiên đối với một thành phố Đà Lạt anh hùng. Nhưng không vì thế mà 26 năm sau hòa bình, những “biệt thư ma”này đã “im hơi lặng tiếng”. Nếu như vào giờ chập choạng tối, ai đó vào biệt thự của ông Lê Bá Minh canh giữ, nằm lọt thỏm giữa khu rừng thông    mờ mịt thì cảm giác rờn rợn bủa kín kia là có thật. Có tĩnh tâm một chút, mở cửa những căn phòng vắng hơi người thì ảo giác ma lại vùng dậy sau những “bút tích” viết vội trên tường, trên sàn nhà. Chỉ thoáng đọc dòng chữ:“…Ở đây từ ngày…đến ngày…thấy ma, sợ lắm”, cũng đủ để dịp kiểm soát lại thần kinh chính mình. Ông Minh lại thao thao rằng, dạo nọ một họa sĩ ở Sài Gòn, tên là Minh Phương lên xin ở để sáng tác. Đêm đêm, Ông ở tầng dưới, thường nghe tiếng hét mê sảng của họa sĩ Minh Phương từ tầng trên vọng xuống, thật hãi hùng ! Một tuần sau, họa sĩ phải cuốn gói ra đi…Lời ông kể, chưa kịp tin đã nhận ra những mâu thuẫn phơi bày. Bởi, bức tranh mà họa sĩ ký tặng lại cho ông Minh, phác họa góc nhìn về ngôi biệt thự này, trong mắt tôi, nó thật tươi tắn làm sao…
Cũng rất nhiều người đến tá túc ở đây lâu ngày, công nhân có, cặp vợ chồng có,  song chưa gặp ai như ông Minh này là “hạp tuổi, hạp mạng”-ông thầm thì, tự đắc(?) Còn khách tứ phương đã rậm rịch đến đây, dù lác đác, họ đã“gửi gắm”nhiều tâm sự ở “ngôi nhà ma”này. Không biết nghe tin từ đâu mà hiện tượng khách thập phương đến đây khấn cầu xin độ mạng, xin tìm hài cốt người thân…đã bắt đầu xuất hiện. Có đoàn khách nước ngoài vác cả camera đến đặt tự động và ghi hình…được ma(!) Ông Minh nói rằng, ông đã thấy hình ma là một bóng đen chiếu từ cuộn băng ấy. Người ta tặng ông cuốn băng chứ ? Không ! Làm sao ông khẳng định đó là ma, nhưng không là xảo thuật của phim ? Ông Minh ậm ờ, rồi dẫn tôi vào phòng trong để “nhận diện”bóng ma do…tự tay ông vẽ(!) Bức tranh ông gắn trên tường, bên cạnh giường ngủ là một bóng đen hình người nộm, thật kinh dị và quái gở. Đúng hơn là sự tưởng tượng của ông. Riêng tôi, bỗng sực nhớ đến một đoạn phim kinh dị đã xem đâu đó trên các phương tiện nghe nhìn…Một người bạn đồng nghiệp đi cùng tôi lúc đó không còn đủ kiên nhẫn để nghe, đã “phát” lên lời khô khốc:“Toàn là chuyện hoang đường, ông lại còn  thích “vẽ” ra nữa!” Hình như ông đang say sưa “thêu dệt”từ cái bóng đen ấy, nên chẳng màng nghe ai nói nữa…
 Ông Minh chỉ tay ra phía ngoài, nơi ông đã lập một cái am để “thỉnh” hết những bóng đen ấy ra ngoài sân, chứ thi thoảng chúng lại “hiện về” quấy rầy ông. Đã thế, ông kể thêm lời kể của người khác kể lại ông : Nhiều lần, trời nhá nhem, chạng vạng, có thiếu nữ đẹp lỡ đường xin quá giang trên đường đèo. Động lòng trước “liễu yếu, đào tơ”, một vài thanh niên phải nhiều phen hoảng vía. Có người đi được quãng đường ngắn, trò chuyện tâm tình; có người vừa cài số xe, bỗng thấy người đẹp biến mất (!) Ông nói, người đẹp và bóng đen ông vẽ ngoằn ngoèo mà tôi xem lúc nãy, chính là một…Nếu thế, Ông có thể “tiết lộ” cho biết tên, địa chỉ của một trong những “nạn nhân” của “người đẹp” đó? Tôi hỏi, bỗng nhiên ông gần như sực tỉnh ra điều gì đó không ổn. Ông luống cuống trả lời như lúc ban đầu: “Làm sao tôi biết được…” Thế là cũng đủ hiểu đến đây vì sao ông muốn lẩn tránh cuộc tiếp xúc của tôi, cho dù thêm vài phút đi nữa…

“BIỆT THỰ MA” VỌNG TIẾNG !
Trở lại lúc gặp Trần Đức Trọng, sống ở Đà Lạt 11 năm, vào ở biệt thự số 32A từ tháng 9 năm 2000, anh cho biết : Tin thổi phồng có ma, anh cũng nghe loáng thoáng xì xào, nhưng cả gia đình anh ở đây có muốn cũng chả thấy “mặt nào”. Ngay cả vợ anh, xem là “phái yếu” vẫn tỏ ra bất bình trước những lời nhảm nhí lan ra đến khách du lịch thập phương. Hôm ấy, một đoàn khách du lịch hiếu kỳ muốn đến tìm ma, anh Trọng mở cửa khắp mọi phòng tham quan. “Mục sở thị” đợi chờ mãi tín hiệu từ cõi âm vẫn im ắng, họ mới biết mình bị lừa phỉnh. Vợ chồng anh Trọng có 2 người con sống chung. Chúng vẫn học hành, vui chơi bình thường, chưa thấy khi nào bị ma trêu đùa như người ta dựng chuyện cả. Cách biệt thự nơi anh Trọng ở chừng vài trăm mét là một khu dân cư  gồm 16 hộ, có tên là tổ dân phố 78-khu phố 3-phường 3. Ông Ngô Ngọc Thảo, cán bộ hưu trí, tổ trưởng tổ dân phố này khẳng định lại : Ông sống khu vực này 10 năm rồi; người ta hay gọi biệt thự 32A là “biệt thự ma”vì từ xưa đến nay cứ để nó hoang phế, không được xây dựng, cải tạo mới. 
Cách đây lâu lắm, trên ngọn đồi đối diện với biệt thự 32A có đôi cặp trai gái người ngoài tỉnh, đã nông nổi đến đây tự vẫn; nhiều người “vin” vào đó “hư cấu” lên chuyện ma, thật là phù phiếm quá mức! Hoặc như hồi thời còn bao cấp, biệt thự không ai ở, nhiều tay buôn lậu chọn làm điểm tập kết hàng, bèn nghĩ đến “kịch bản ma” hòng tránh sự phát hiện của cơ quan pháp luật. Từ đây, “kịch bản” ấy cứ phóng đại lên mỗi ngày, gây nhiễu đến đời sống tinh thần trong một bộ phận dân địa phương và khách du lịch…Vậy là đã đến lúc những ngôi biệt thự bị khoác lên “chiếc áo ma quái” cần phải lên tiếng. 
Tôi tìm đến người có trách nhiệm và được biết, 3 biệt thự số 34, 32A, 32B nằm ở lưng chừng đèo Prenn hiện đang là sở hữu của công ty xây dựng và phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuối năm 1992, chuyển sở hữu xong, công ty này lập dự án xây dựng thành khu dịch vụ du lịch. Theo đó, mỗi khu biệt thự được xây dựng từ 5 đến 7 biệt thự mới, diện tích từ 3 đến 4 ngàn mét vuông. Dự án không thành công do rừng Đà Lạt được xếp vào loại rừng đặc dụng. Sau đó vài năm, ra đời tiếp theo dự án chiết nạp gas cung cấp cho toàn khu vực Ninh Thuận và Tây Nguyên, cũng không thể phê duyệt vì không đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ. Đến nay, việc khai thác khu biệt thự này vẫn đang ở tình trạng bế tắc. Muốn nâng cấp cho “ra vẻ”, mỗi biệt thự phải bỏ ra cả tỷ đồng. Nếu sửa sang chỉ để ở thì phí phạm quá, nhưng kinh doanh gì để thu hồi được vốn, tìm kiếm lợi nhuận thì chưa có nhà kinh doanh nào của công ty nghĩ ra được hướng khả dĩ. Lại tạm thời, biệt thự số 32A làm kho trung chuyển gas, hàng ngày lưu kho khoảng 8,4 tấn gas trước khi đưa đi tiêu thụ. Còn biệt thự 32B và biệt thự 34, công ty đang phân công người bảo vệ cả ngày lẫn đêm, lương quân bình khoảng 500 ngàn đồng một tháng. Và một trong hai người bảo vệ đã nói có ma là ông Lê Bá Minh như vừa kể ở trên…
Hẳn người Đà Lạt chưa quên ngôi biệt thự 34, ai cũng ngại có ma, đành bỏ phí thời gian dài. Lợi dụng lời đồn nhảm, một người “táng tận lương tâm” đã vào đây lập chòi trại, kinh doanh “phấn son”ở năm đầu thập kỷ 90. Báo chí phanh phui, cơ quan pháp luật triệt phá, lập lại môi trường. Nay “biệt thự ma” lại bùng phát mới, gồm cả những câu chuyện huyền hoặc xưa cũ được cường điệu thêm, trở thành cái “bẫy” dị đoan, cuồng tín, rình rập những người nhẹ dạ cả tin. Lời lên tiếng cấp báo từ những “biệt thự ma”ở khu đèo Prenn, ai là người giải đáp, nếu như các nhà quy hoạch xây dựng, các nhà du lịch Lâm Đồng và chính người chủ sở hữu của nó vẫn còn buông xuôi?! Kết thúc bài viết này, tôi chợt nghĩ về 10 biệt thự đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt đang um tùm cỏ dại…Có khi nào nơi đây mặc nhiên sẽ “gia nhập”vào “hạng” “biệt thự ma”như ở khu rừng cửa ngõ trước khi chạm chân đến thành phố Đà Lạt?!
Đà Lạt, tháng 02 năm 2001