Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Lập nghiệp nơi “sơn cùng thủy tận”

VĂN VIỆT
Xã Đồng Nai Thượng nằm phía thượng nguồn con sông Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Mùa khô vào xã bụi đất phủ kín đường đi; vào mùa mưa sình lầy ngập đến gối chân. Nơi buôn làng “sơn cùng thủy tận” này là nơi chọn lập nghiệp của một đôi vợ chồng y sĩ đã qua tuổi tứ tuần.

MỘT LẦN ĐẾN, VẠN LẦN THƯƠNG
Chiếc u oát đặc chủng lội rừng phải đánh vật cả giờ đồng hồ đường bụi đất từ ranh giới xã Tiên Hoàng mới đến được trung tâm xã Đồng Nai Thượng của huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Điểu K’Giá, một nam thanh niên người Châu Mạ bản địa và là Chủ tịch xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: “Bây giờ đã có đường san ủi lớn để đi. Chứ đầu những năm 2000 đi theo đường mòn nhỏ vào đây vất vả nhiều lần. Đường dốc cao cheo leo và hiểm trở, không ít khi lái xe máy cả buổi đường rừng- khoảng 20 cây số từ đầu xã mới đến được cuối xã Đồng Nai Thượng…” 
Giao thông chia cắt, đời sống gần 300 hộ dân ở đây hầu hết là đồng bào Châu Mạ, S’tiêng còn lắm khó khăn, nhiều tập tục sinh đẻ, chữa bệnh lạc hậu chưa được xóa bỏ hết. Mới năm ngoái đây vẫn còn sản phụ dựng một căn chòi riêng trong vườn nhà để sinh nở. Bởi còn mê tín rằng sinh nở trong nhà ở dễ gặp xui xẻo nữa nên cứ chấp nhận che gió, che mưa với bốn bức vách căn chòi lồ ô mỏng mảnh. Người mẹ trước giờ vượt cạn đã chuẩn bị sẵn mấy đoạn lạt lồ ô dài bằng ngón tay, một đầu vuốt bén nhọn để cắt rốn cho đứa bé chào đời. May mà cán bộ y tế xã đã đến kịp lúc cho uống thuốc và tiêm chích đủ cơ số thuốc đỡ đẻ được mẹ tròn con vuông. “Hiện 5 thôn trong xã chúng tôi đều có cán bộ y tế cắm chốt. Tất cả phụ nữ mang thai đều được  lên danh sách chăm sóc, quản lý chặt chẽ …” – Nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng, Nguyễn Thị Tâm nói.
Nhớ hồi nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm nhận công tác Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng vào năm 2002 đã gặp nhiều sản phụ tai biến thấy thương lắm. Do căn chòi nằm lạnh lẽo gần con suối, cách xa người thân trong nhà, sản phụ lại tự tay nấu nướng, tắm giặt nên đã ngã bệnh vì bị nhiễm nước, nhiễm gió. Lúc Tâm đến nơi thì tình trạng bệnh của sản phụ với mức nghiêm trọng, phải chuyển ra bệnh viện huyện Cát Tiên ngay trong đêm. Tâm cùng một đoàn gần mười người thay nhau khiêng sản phụ trên võng đi bộ quãng đường trên hai mươi cây số. Trời đêm đó mưa dầm, bùn lầy đặc quánh. Ai nấy chân đều mang ủng cao su, áo mưa trùm qua đầu vẫn không thể tránh khỏi những lần té ngã lấm lem và những con vắt rừng đậu lên cả vùng mặt để hút máu. Vì tính mạng của sản phụ, cả đoàn không ai dám dừng nghỉ chân dù chỉ đôi phút. Phần của Tâm có nhiệm vụ sơ cứu hồi sức sản phụ trong suốt sáu, bảy tiếng đồng hồ chuyển đi trên võng. Kết quả bệnh viện huyện Cát Tiên dẫu không thể cứu được thai nhi nhưng đã cứu được sản phụ dần dần tĩnh dưỡng lại sức khỏe.        
Lần khác giữa buôn làng đêm khuya vắng, ca trực của nữ hộ sinh Tâm bỗng đánh thức bởi một người mẹ bồng tới đứa con chưa tới hai tuổi với toàn thân xanh tái vì bị suy hô hấp nặng. Tâm nghĩ nếu khiêng võng suốt đêm chuyển viện thì  đứa trẻ khó qua khỏi cái chết nên quyết định cứu chữa tại trạm. Qua vận hành tốt chiếc máy thở ô xy mới trang bị và sử dụng hợp lý các loại thuốc điều trị dự phòng, Tâm cùng các đồng nghiệp trong trạm đã giúp hơi thở của đứa trẻ trở lại bình thường cho vào sáng ngày hôm sau. Hoặc không ít sản phụ quằn quại trong cơn đau đẻ ngược ở chòi vườn, nữ hộ sinh Tâm thường phải ướt đẫm mồ hôi trong người mới đỡ đẻ thành công. “Cứu được mạng sống cho trẻ sơ sinh, người nhà vui mừng bao nhiêu thì mình nhân lên niềm vui ấy bấy nhiêu. Thay lời cám ơn, bà con Châu Mạ, S’tiêng thường mang đến tận trạm cho mình nải chuối trồng trong vườn, bó măng lấy trên rừng...Mình vừa qúy trọng vừa xúc động vô cùng. Cái bản tính sống cộng đồng của đồng bào còn luôn thăm hỏi đối với mình hàng ngày như là người ruột thịt của buôn làng vậy…”- nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm tâm sự.    
ĐẤT ĐÃ HÓA TÂM HỒN
Cuối năm 2002, Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng là nam điều dưỡng viên Vũ Anh Cường bỗng đột quỵ chết khi mới vừa qua khỏi tuổi ba mươi. Cường đã bám trụ ở trạm này hơn mười năm. Thương và cảm phục người đồng nghiệp, người thủ trưởng của mình luôn hết lòng chăm sóc sức khỏe cho dân làng, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm nghĩ phải tiếp bước người trưởng trạm ở lại lâu dài. Đầu năm 2003, chồng của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm là nam y sĩ đa khoa Lê Văn Hùng đã được bổ nhiệm Trưởng trạm Y tế xã này.
Hết cảnh chồng một nơi, vợ một ngả, vợ chồng Hùng- Tâm dồn tâm sức giúp đồng bào Châu Mạ, Stiêng thay vì thỉnh thầy cúng về xua đuổi tà ma gây bệnh thì hãy đưa người bệnh đi khám chữa bệnh ở trạm y tế; thay vì sinh đẻ ở vườn chòi thì hãy lên sinh đẻ ở trạm y tế có đủ giường nằm, đủ thuốc men và có đủ cán bộ y sĩ đỡ đẻ an toàn. Tâm nói: “Tuyên truyền việc phòng chống bệnh tật đến đâu thường phải thực hành đến đó thì bà con mới hiểu ra được. Như thường xuyên hướng dẫn các bà mẹ trong buôn làng thực hành các bữa ăn không nhất thiết phải có đủ thịt heo hầm, khoai tây, cà rốt; mà có thể chế biến các món ăn từ cá suối, rau rừng, gà nuôi vườn…vẫn tạo ra đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em…” 
Hoặc như việc tẩm mùng hóa chất để phòng chống muỗi cắn gây bệnh sốt rét, trạm tổ chức vào ngày chủ nhật sau giờ tan lễ nhà thờ thường đông đủ hơn; chứ các ngày khác thì chủ hộ gia đình thường đi rẫy đến chạng vạng tối mới về. Từng hộ được chỉ dẫn cách treo mùng, lồng mùng vào giường để tránh muỗi hiệu quả nhất. Với việc kế hoạch hóa gia đình, trạm phân công từng y sĩ, y tá đến từng nhà hướng dẫn các biện pháp tránh thai, chỉ ra từng hộ gia đình quanh năm khổ nghèo vì sinh con nhiều, bà con thấy đó thấu hiểu hơn để thực hiện tốt hơn phương châm “Mỗi cặp vợ chồng nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt !”  
Giờ đây những con số giảm đáng kể về sinh con thứ ba, sinh con tại chòi vườn, trẻ em suy dinh dưỡng; hết cảnh cúng bái chữa bệnh, tập thể 10 y sĩ đông y, tây y, hộ sinh, y tá thôn bản của Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, đồng thời liên tục nhận nhiều khen thưởng từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh Lâm Đồng. Vợ chồng Hùng- Tâm cũng nhận được nhiều khen thưởng các cấp. 
Năm 2010, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 40 tuổi; chồng là y sĩ đa khoa Lê Văn Hùng đã 47 tuổi. Vợ chồng Hùng- Tâm đã mua được 2 ha đất vườn điều ở thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng, xây một ngôi nhà nho nhỏ để ổn định cuộc sống và công tác. Bên trong sự lặng lẽ cống hiến ấy ít ai ngờ rằng họ cưới nhau từ năm 1996 đến nay vẫn chưa hưởng hạnh phúc sinh được đứa con nào. Tâm chân tình: “Vợ chồng mình cũng tranh thủ đi chữa hiếm muộn ở nhiều bệnh viện trong nước mà vẫn chưa kết quả. Năm nay mình chuẩn bị đi học tiếp lên cử nhân sản khoa hệ 4 năm nữa…” Mới biết thêm, Tâm là người con gái chính gốc xứ hoa Đà Lạt. Hồi nhỏ cứ hay đau bệnh liên miên nên nuôi hy vọng lớn lên sẽ trở thành y sĩ, bác sĩ để giúp mình và giúp mọi người vượt qua đau bệnh. Tốt nghiệp Trung cấp y tế Lâm Đồng rồi nhận công tác ở Bệnh viện phố huyện Cát Tiên vào năm 1994. Rồi sau 8 năm, Tâm cùng “thủ trưởng chồng” gần như thân quen với hầu hết hơn 300 hộ gia đình người Châu Mạ, Stiêng ở xã Đồng Nai Thượng. Có lẽ sự gắn bó đó đã giữ chân vợ chồng Hùng- Tâm chưa thể trở về lại phố huyện hay phố tỉnh của Lâm Đồng.
Cát Tiên- Đà Lạt tháng 4.2010