Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Bỗng dưng thành người hảo hán

VĂN VIỆT
Thời loạn ly ở Trung Quốc xưa, một đấng nam nhi chưa thể gọi là anh hùng hảo hán nếu chưa xuất chinh nơi miền biên ải Vạn Lý Trường Thành. Thời thế giới phẳng ngày nay, từ nam thanh nữ tú đến các bậc bách niên giai lão đến du lịch từ khắp nơi trên thế giới đều tự do chinh phục Vạn Lý Trường Thành để tự cảm nhận mình bỗng dưng thành người hảo hán.

Gần hai ngàn năm trăm năm trước khi Vạn Lý Trường Thành bắt đầu hình thành, chân dung người anh hùng hảo hán trên đất Trung Hoa được khắc họa là những trang nam nhi trẻ trung, oai dũng, lưng đeo gươm báu, tay rung cương chiến mã, sẵn sàng đợi lệnh giáp chiến xung phong, chặn đứng những vó ngựa xâm lăng từ chiến binh đối phương ngoại bang. Sách cũ còn lưu lại tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, được Đoàn Thị Điểm dịch nghĩa mô tả không khí binh đao bủa vây miền Vạn Lý : “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt. Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây. Chín tầng gươm báu trao tay. Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh….
 Khởi sự từ năm 214 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước xưng vương riêng rẽ để thống nhất thành một nước Trung Hoa. Đất Trung Hoa liền một dải, việc đầu tiên vua Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng nối liền các bức tường thành dài hàng vạn dặm với nhau từ các nước chia cách cũ, đồng thời xây mới thành những dãy thành dài vạn dặm, khai sinh tên gọi Vạn Lý Trường Thành. Trước đó các bức tường thành của nhiều nước thời Xuân Thu ( năm 770- 474 trước Công Nguyên) đã xây dựng thành tuyến phóng thủ của từng nước nhằm chống lại những cuộc tấn công mãnh liệt của người Mông Cổ và các bộ tộc du mục khác từ bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa. 
Lịch sử biến động, các triều đại Trung Hoa thay đổi nhau trị vì, Vạn Lý Trường vẫn liên tục xây dựng đến thế kỷ 16 đã nối dài hơn 6.700 km từ Đông sang Tây, băng qua nhiều vùng rừng núi hiểm trở, đồng bằng, sa mạc... Trên Vạn Lý bố trí xây những đồn ải cho binh lính với giáo giươm canh giữ trên từng chiến địa để luôn xứng danh xưng tụng là những anh hùng hảo hán của thiên hạ. Có lẽ vậy nên từ thuở ấy đã có câu khắc trên tấm bia đá sừng sững giữa trời Vạn Lý “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (Không đến Trường Thành không phải là anh hùng).
Tuổi đời Vạn Lý Trường Thành đến nay đã là 25 thế kỷ. được người hướng dẫn viên du lịch người Trung Hoa lược kể vắn tắt trên hành trình 80 cây số đi từ thủ đô Bắc Kinh đến. Đứng dưới chân núi nhìn lên hình Vạn Lý Trường Thành oằn mình kết nối những đỉnh dãy núi trập trùng, hùng vĩ. Đầu xuân Vạn Lý ẩn hiện giữa làn sương trắng và rừng hoa trắng như còn nguyên nét hoang sơ ban đầu. 
Bước lên bậc cấp đầu tiên của Trường Thành, người hướng dẫn viên giới thiệu “… Chúng ta đang bước vào đoạn Vạn Lý Trường Thành được xây dựng vào đời nhà Minh vào thế kỷ 16. Dọc theo Trường Thành phia trước là những cửa ải có các tên gọi như Sơn Hải Quan, Cư Dụng Quan, Gia Dục Quan. Bên cạnh đó là những vị trí đồn trú của binh lính giữ thành như Kế Phủ Trấn, Tuyên Phủ Trấn, Đại Đồng Trấn, Diên Tuy Trấn, Ninh Hạ Trấn, Cam Túc Trấn… ” 
Những tên ải, tên trấn chỉ có thể nhớ được trong sổ tay lữ hành du lịch. Trước mắt bước lên từng bậc cấp, lữ khách có thể ước đoán được các số đo của Vạn Lý Trường Thành: Tường thành hai bên cao trung bình 7 mét, khoảng cách giữa hai bức tường thành rộng từ 5 mét đến 6 mét. Vật liệu xây dựng là đá núi kết dính từng viên, từng hàng với nhau. Trong dòng người chen vai thích cánh đặt chân lên từng bậc đá, tựa lưng, áp tay vào vách đá…của Vạn Lý Trường Thành…là những cảm giác làm người hảo hán đặc biệt của du khách giữa đất trời Trung Hoa rộng lớn, yên bình.
Năm 1987, Vạn Lý Trường Thành được Unesco công nhận ghi tên vào danh mục Di sản thế giới. Kể từ đó đến giờ ngành du lịch Trung Quốc mở cửa đón khách du lịch với hàng triệu triệu lượt người du lịch trong và ngoài nước hàng năm đến ngoạn cảnh, tìm hiểu lịch sử theo chiều dài Vạn Lý. Những cặp đôi trẻ trước khi chính thức se duyên kết tóc vợ chồng thường chọn nơi đến Vạn Lý Trường Thành để gửi gắm lời nguyện ước trăm năm vững bền. Tất cả đều lưu lại riêng mình những khuôn hình bỗng dưng thành người hảo hán du lịch trước công trình Vạn Lý Trường Thành xuyên thiên niên kỷ của đất trời phương Đông nói riêng, của cả nhân loại trên khắp bốn phương trời nói chung.
Vạn Lý- Đà Lạt tháng 4/2010