VĂN VIỆT
Đề
tài viết báo ở Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên vô cùng rộng lớn với những sự kiện
cuốn hút mỗi ngày. Bao năm hòa vào dòng chảy mạch ngầm ấy đã cho tôi những hành
trang vững bước hơn trong nghề báo của mình.
Có lẽ chuyến đi nhớ lâu nhất
trong nghề báo của mình là vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đam Rông cách đây
hơn mười năm. Bấy giờ đường đến từ Đà Lạt chạy theo Quốc lộ 27 chưa thảm nhựa;
qua huyện Lak của tỉnh Dak Lak rồi troang trành trên con đò tre vượt sông
K’rông Nô. Tôi đi với đoàn công tác trợ giúp pháp lý của tỉnh Lâm Đồng. Đúng
lúc mùa mưa trơn trợt và lầy lội, Đoàn đã “điều” được một chiếc xe công nông
chở “tăng bo” cả mấy chục người đến trung tâm Đạ Tông – cách bến sông K’Rông Nô
đến sáu, bảy cây số. Đêm Đam Rông chỉ có thủy điện nhỏ, không có vẻ náo nhiệt
của thị tứ; bù lại là một sự yên tĩnh hiện ra từ làng trên buôn dưới. Hôm sau
các “bàn” trợ giúp pháp lý lần đầu tiên đón tiếp người dân.
Mới đầu giờ buổi
sáng, số người dân tập trung đông đảo đến mức vượt ngoài dự kiến. Họ đến làm
giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh đến…người già; làm giấy kết hôn…cho những cặp vợ
chồng mới cưới cho đến những cặp đã đến tuổi ông, tuổi bà. Nhu cầu được thụ
hưởng pháp luật của đồng bào thật chính đáng. Sự trợ giúp pháp lý miễn phí của
cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng thật kịp thời. Nhưng với nghề
báo của mình, tôi cứ day dứt khi chưa tìm được câu lý giải vì sao…
Tôi về dưới buôn, chia sẻ cùng
những khoảng trống pháp lý của đồng bào. Biết được nhiều vụ ly hôn chia tài
sản, đồng bào lại nhờ đến già làng phân xử theo tập tục đã lỗi thời vì thiếu hiểu
biết pháp luật. Rằng người chồng sau khi ly hôn phải chịu nộp phạt chum chóe,
trâu bò; phải để lại tất cả con cái và toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn cho vợ. Hỏi
tại sao không lên tòa án để phân xử theo pháp luật, họ đều trả lời không biết.
Chợt lóe lên đề tài “vùng sâu chờ luật ở đâu ?”, tôi tự triển khai đề cương sau
một tuần lễ hòa nhập vào đời sống thiếu luật của đồng bào. Và câu trả lời không
nằm đâu xa việc tăng cường biên chế cán bộ tư pháp cơ sở, tăng cường công tác
tuyên truyền phồ biến giáo dục pháp luật đến từng già làng, trưởng bản, hòa
giải viên cơ sở đến tận mỗi gia đình. Và kết quả tôi đã gặt hái được bài phóng
sự “vùng sâu chờ luật ở đâu ?” đoạt giải nhất giải báo chí Lâm Đồng năm sau
đó.
Gần đây nhất, tác phẩm “về nơi
vàng trắng” đoạt giải khuyến khích giải báo chí Lâm Đồng của tôi là vùng “cận
nhiệt đới” của Nam Tây Nguyên. Đó là ranh giới hành chính của xã Đoàn Kết,
huyện Đạ Huoai, giáp với tỉnh Bình Thuận núi cát và tỉnh Đồng Nai công nghiệp
sôi động. Vùng rừng núi cao su xã Đoàn Kết ở đây đã bám rễ mười mấy năm qua.
Người chủ nhân là những nông dân chịu thương chịu khó, “thắt lưng buộc bụng”
giữ cho được cây cao su đến ngày nay. Gian nan, vất vả, một vài hộ nông dân đã
bắt đầu được hưởng thành quả, làm giàu từ những dòng “vàng trắng” chảy ra hàng
ngày từ “ruột gan” của cây cao su.
Phong trào trồng cây cao su lan rộng dần ở
các vùng của huyện Đạ Huoai đến nay. Những vẫn chỉ là phong trào tự phát của
nông dân. Bởi vậy, bên cạnh những dòng dữ liệu ghi nhận tín hiệu “đẹp” về thủ
phủ cao su của Nam Tây Nguyên trong tương lai, bài phóng sự của tôi cũng mong
muốn cơ quan nông nghiệp của huyện, của tỉnh sớm tập trung chuyển giao khoa học
kỷ thuật về nông dân trồng cây cao su…
Hai tác phẩm báo chí của tôi nêu
trên - một ở vùng cao xứ lạnh; một ở vùng “cận nhiệt đới” – nay đã hết tính
thời sự bởi cả hai vùng đất này đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Đam Rông bây
giờ đường nhựa bóng loáng đến nơi; điện, trường, trạm, thư viện, tủ sách pháp
luật…đã xây dựng mới, hoạt động ngày càng chất lượng cao. Vùng nông trang cao
su xã Đoàn Kết, Đạ Huoai nay đã xanh ngắt núi rừng, khuyến nông, khoa học kỷ
thuật đã cập nhật thường xuyên với nông dân. Và không biết bao nhiêu tác phẩm
báo chí khác của tôi và của những người làm nghề báo ở Lâm Đồng đang lưu giữ những
kỷ niệm nhớ lâu; những hành trang quý báu trong bước đường dài dấn thân cho
nghề báo…
Vậy đó, làm báo ở Lâm Đồng - tỉnh Nam Tây
Nguyên với nhiều ngừời có cảm nhận bề ngoài tưởng chừng chẳng tất bật nhiều;
nhưng đi vào bên trong luôn tiềm tàng những sự kiện vĩ mô, những vấn đề bức
thiết đòi hỏi phải thâm nhập thật sâu sát, nắm bắt, lý giải để hoàn thành tốt
hơn nhiệm vụ chính trị của mình. Lâm Đồng có miền ôn đới rộng lớn từ cao nguyên
B’Lao, Di Linh đến thiên đường du lịch Đà Lạt. Lâm Đồng còn gọi là miền đất Nam
Tây Nguyên nối dài xuống phương Nam ngập đầy nắng gió với vựa cây trái Đạ
Huoai; với vựa lúa Đạ Tẻh, Cát Tiên chạy dọc sông Đồng Nai mênh mông, tít tắp.
Được làm nghề báo tác nghiệp với Nam Tây Nguyên là luôn được đắm mình giữa một
vùng miền thông tin rộng lớn, đầy tiềm năng; đầy phì nhiêu và màu mỡ để thể
hiện những mảng đề tài hôi hổi sự vận động phát triển không ngừng.
Tháng 8/2007