Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Vật lộn với "Ma rừng"

VĂN VIỆT
Nơi buôn sâu Láng tranh thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vốn yên ả, thanh bình bỗng xao động lên bởi chuyện “ma rừng” suốt thời điểm trước tết giáp thân. Tất nhiên một tấn tuồng nào cũng đều có “tích” của nó. Người này đinh ninh “ma rừng” chính là một người đàn ông bằng xương, bằng thịt trong làng hay đột nhiên tàng hình thành một con vượn già vồ bắt người ăn thịt. Người kia nói đó là ác quỷ hiện hồn về rừng gây hoang mang dân làng bắt đầu từ chạng vạng tối về đêm. Nghe mà sởn cả gai ốc. Nhưng điều đó lại càng câu thúc bước chân những làm người báo chúng tôi bất kể mọi trở ngại để xuyên thủng rừng sâu, vật lộn với “ma rừng”…

BÍ HIỂM NƠI RỪNG GIÀ

Khu vực huyện lỵ huyện Lạc Dương chỉ cách trung tâm thành phố Đà Lạt non 20 cây số; nhưng buôn Láng Tranh của huyện này lại xa thẳm đến gần 50 cây số đường rừng heo hút. Những cơn mưa cuối đông không ngớt trút sầm sập xuống rừng già khiến cho đèo núi hiểm trở lại chia cắt hàng trăm hố bùn ngập sâu quá nửa đầu gối. Chiếc xe máy độc hành của tôi phải vắt kiệt sức, đánh vật với từng ki-lô-mét “rừng lộ”. Vắng hoe bóng người, chỉ có tiếng xì xào của rừng lá xanh thẫm, tiếng chim réo rắt lọt thỏm giữa đại ngàn. Vời vợi, mênh mông chợt gợi nhớ lại câu chuyện về chàng anh hùng bưu tá Ha K’Riêng với đôi chân trần huyền thoại ngày đêm in đậm quanh đây. Vâng, tại nơi Dốc Trời này, Ha K’riêng đã từng giải cứu đồng đội của mình là Hà Sú thoát khỏi tử thần trong gang tấc. 
Chiều mưa hôm ấy-hơn hai mươi năm về trước-Ha K’riêng cùng Hà Sú gùi thư đến bản Đam Rông cách huyện lỵ Lạc Dương hơn trăm cây số. Đang tất tả trên đường thì một “ông” gấu xám nhảy phộc ra cấu xé Hà Sú. Ha K’riêng kịp phản xạ gập người xuống bụi cây gần đó. Và không chân chừ, Ha K’riêng đốn chặt cành cây rừng lao vào ứng cứu Hà Sú. “Cuộc chiến” kéo dài khoảng 10 phút, “ông” gấu bị trúng quá nhiều đòn đánh hiểm nên đã buông Hà Sú ra, chạy ngất ngưởng trở lại rừng. Đến giờ, Ha K’riêng vẫn nói rằng, anh sinh ra lớn lên ở làng buôn, khá “quen thuộc” với nhiều loài thú hoang nhưng con gấu xám này nó to lớn và hung dữ đến mức không tưởng tượng nổi. Không biết có phải là “ông” gấu “chúa tể” bầy đàn hay không; chỉ biết lần đầu tiên “chiến đấu” với nó để bảo vệ sinh mạng mình và đồng đội thật gian nguy, khốc liệt.
Chuyện xưa là thế. Chuyện nay thì một dải rừng nguyên sinh lá rộng từ Dốc Trời đến Láng Tranh đã được giao trách nhiệm quản lý, giữ rừng của một đơn vị nhà nước có tên là Ban Quản lý rừng đầu nguồn Serépốk. Trưởng ban này, ông Nguyễn Lâm Thảo cũng vừa “bật mí” với tôi trước khi vào đây: Đây là một thảm thực vật, động vật hết sức đa dạng và phong phú với vài hàng chục ngàn ha rừng lá rộng gần như còn nguyên vẹn. Điều này đã minh chứng trước mắt tôi trong sự thâm u và khắc nghiệt giữa đại ngàn. Mấy năm trở lại đây, lực lượng “lính” chốt chặn tại rừng của ông chưa phát hiện được dấu vết của voi, cọp quay về nhưng các loài bò rừng, gấu, vượn, nai…thì không phải là hiếm. Được cái, họ biết cách lánh xa hoặc dùng “nghiệp vụ” thân thiện lúc cần thiết với chúng nên xung đột hoặc “ẩu đả” giữa cánh lâm nghiệp với thú dữ chưa một lần đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên với người dân đến ngụ cư trong vùng thượng nguồn Serépốk lại mang những tâm trạng khác. 
Chị Xuân từ ngoài phố thị vào đây làm ăn lâu nay đã tạo lập được cuộc sống tương đối. Đất nơi bìa rừng buôn Láng Tranh lập vườn hộ thật tươi tốt, chăn nuôi thuận tiện như níu giữ chân chị không muốn quay về. Đồng bào người Chill định cư bao đời với bản chất thật thà, chất phát, đoàn kết giúp đỡ nhau, láng giềng khuya sớm càng làm cho chị Xuân yêu hơn vùng đất mới. Cuộc sống tinh thần sẽ không gì phải băn khoăn, lo lắng nếu như chị không biết được một đứa trẻ đồng bào Chill trong làng đột nhiên trở thành người rừng, cử chỉ hành vi như một loài thú hoang. Đó là đứa trẻ có tên Ha K’Lãi, mới bảy tuổi đầu bỗng dựng bị rừng sâu “gọi về”, không còn tìm ra tung tích. Chiều hôm đó, Ha K’Lãi theo ông nội ra rẫy chơi rồi thình lính “lặn mất tăm ”không tìm thấy đâu nữa. Ông nội cứ tưởng cháu chạy về nhà nhưng không phải. Cả họ hàng, cà làng buôn lần dò khắp chốn đến ngày thứ mười lăm mới may mắn nhát trông thấy cháu trong khu rừng bên dòng sông Krông Nô. 
Khi ấy không hiểu sao vừa thấy dáng người, cháu K’Lãi cứ cắm đầu hoảng hốt chui lủi, chạy trốn bạt mạng. Khó khăn lắm mới “vây ráp” bắt đưa được Ha K’Lãi về lại buôn làng. Định thần sau khi trở về gia đình, cháu K’Lãi dần dần kể lại những ngày sống giữa rừng sâu nhưng câu chuyện đầu-đuôi rối rắm, đan xen; lúc mang nhiều màu sắc huyền bí, lúc không  hiểu nổi, tựa hồ như cháu vừa đi qua những cơn ác mộng. Đại loại như: Giữa rừng, tối vẫn ngủ; ngày mải miết đi. Lúc thì được một ông già tóc trắng, da nhăn nheo, râu ria xồm xoàm dắt tay bập bềnh trên dđèo cao xuống suối sâu; lúc thì thản nhiên được ngồi trên lưng con cọp, lưng con heo rừng…cho đỡ mỏi chân. Ăn bằng trái cây rừng nhưng đều được ông già hoặc thú rừng hái giùm, nếm thử trước mới được ăn. Vị ngọt-ăn. Vị chát, đắng- bỏ. Có khi mệt lả người lại gặp một đôi vợ chồng vượn già “tốt bụng” xúm tay bẻ từng cành lá rừng, sắp từng lớp thành một chỗ nằm thật ấm, hôm sau người khỏe hẳn, lại đi …
BÓNG MA VÀ CÁI CHẾT OAN KHIÊN
Bây giờ thì “người rừng” Ha K’Lãi vẫn lớn lên bình thường, đang học lớp 7 ở Trường Trung học cơ sở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương. Trở về sau khi bị sự cố rừng “bắt sống”, gia đình đưa Ha K’Lãi về “phố xã” Đưng K’Nớ cho đến trường đi học, trông nom, “bảo vệ” được sát sao, “cẩn mật” hơn. Chẳng ngờ, thay vì rừng không dám cả gan bắt Ha K’Lãi lần nữa thì lại chuyển sang “mục tiêu” là đứa em trai của cậu bé tên là Ha Tông. Ha Tông ở chung với ông bà nội cách “phố xã” nơi ba mẹ ruột đang ở và công tác đến hai mươi cây số. Số phận không còn chút may mắn bằng người anh trai, Ha Tông bị rừng bắt rồi vĩnh viễn tử thần cướp đi thân xác thơ trẻ, không kịp trở về với gia đình, làng buôn. Gặp chúng tôi, ông Ha Đông, ông nội của anh em Ha K’Lãi và Ha Tông ủ rũ, buồn thương nói: “ Gia đình tôi có phá phách gì nơi rừng thiêng đâu mà con ma rừng ở Láng Tranh đã bắt lần lượt hai đứa cháu nội tôi vào rừng ám hại. Đứa bị hành xác; đứa bị giết chết. Oan cho gia đình tôi quá rừng ơi!… ”
Buôn Láng Tranh với đơn vị hành chính là thôn Láng Tranh thuộc xã Đưng K’Nớ ( huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) chỉ có 3 hộ người kinh bên cạnh 76 hộ đồng bào người Chill, đời sống nhiều mặt nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Buôn làng định cư nằm dọc trục đường chính lầy lội trên 40 cây số nối dài với khu du lịch Dan Kia-Suối Vàng có đường nhựa thẳng tươm. Khu dân cư lọt thỏm bốn bề bao phủ bởi những cánh rừng thông, rừng lá rộng bạt ngàn, dày đặc. Từ khi xảy ra cái chết của đứa trẻ giữa rừng này, tình cảnh tang tóc như còn váng vất đến nhiều ngõ xóm làng buôn. Nhà ở của hai đứa trẻ “đi hoang” tọa lạc ở khu trung tâm thôn trở nên quạnh quẽ những trò nghịch đùa thơ dại thường ngày. Bà Ka Bơ, tuổi hơn sáu mươi, chùng giọng: “Đó là đứa cháu nội của tôi. Lên 8 tuổi rồi mà nó chỉ mới tập nói được từng tiếng một, mới vừa mừng, cháu đã chết. Tôi đau ốm nằm bệnh viện trở về thì….gặp cảnh này đây!”
Ha Tông lên 8 tuổi vẫn chưa đến trường được vì chậm nói. Trong khi những đứa trẻ  người Chill khác khác trong làng khi lên ba đã nói được nhiều từ mẹ đẻ, lon ton đi học trường mẫu giáo nhưng cháu Ha Tông thì gần như khả năng nhận biết những gì diễn ra xung quanh rất vô cùng khiếm khuyết. Ông Ha Đông-ông nội của cháu kể lại: Mấy ngày trước khi mất tích trong rừng, thỉnh thoảng cháu cố ráng ra hiệu, nói khó khăn từng tiếng kêu nhức đầu. Gia đình có xoa dầu, sau đó thấy cháu vẫn hiếu động chơi bình thường nên nghĩ là không sao. Chiều hôm đó, chừng lúc 16 giờ, ông Ha Đông dạo ra sau vườn trong lúc cháu vẫn mải đùa giỡn quanh sân nhà. Bất ngờ đến chạng vạng tối, không thấy bóng dáng cháu đâu nữa. Cả nhà, cả dòng họ hớt hải đi tìm mà cháu cứ biệt tăm. Rồi cả buôn làng ngày đêm thay phiên nhau vào khắp rừng sâu dò kiếm cũng vô phương. Tìm mãi, luồn suối, lội đèo ròng rã đến hơn một tháng sau thì nghe tin có một người “hái lượm” phong lan đã phát hiện một xác chết nằm khuất giữa rừng Màng Pu (địa phận Đưng K’Nớ) mới sinh nghi. 
Theo chỉ dẫn của người báo tin, hàng chục người trong buôn tức tốc bủa chạy đến nơi thì hỡi ôi! Thi thể của cháu bé trong tình trạng thối rữa nhiều nơi. Cháu Ha Tông đã chết đói và khát từ rất lâu vì không tìm được đường trở về nhà. Bàng hoàng đưa xác cháu về tới nhà an táng mất hơn 3 giờ đi bộ, nỗi đau từ người thân, gia đình cứ ám ảnh lan tỏa sang làng buôn và đeo đẳng mông lung…
Bàng hoàng hết nhà này đến nhà nọ lan truyền những lời lầm rầm bàn tán: “Con ma rừng đã hiện hồn về, lẩn quất đâu đây để bắt người, nhất là trẻ con để ăn thịt?!” Nhiều người khác còn xì xầm thêm: “Khu rừng Đưng K’Nớ có một cặp “vợ chồng” vượn già, sống rất lâu đã thành “tinh ma” và rất thích tìm ăn thịt người (?!). Am ảnh hàng ngày khi trời sập tối, gia đình nào cũng hoảng hốt giữ chân con trẻ trong nhà, không dám cho ra đường nếu không có người lớn đi cùng. Người khác nữa trong khi quẫn bách tinh thần còn nói đã thấy bóng con ma lởn vởn nhiều nơi quanh buôn làng (?!)
Đúng thời điểm này, trường hợp một người kinh từ phố huyện đi trên 1 chiếc xe máy té ngã chết giữa đường chở hàng bách hóa tổng hợp vào Láng Tranh buôn bán, khiến cho lời đồn đoán về “ma rừng” ăn thịt người càng tăng thêm phần…kinh dị, hoang đường. Trong khi đây là một tai nạn giao thông đang được điều tra làm rõ nguyên nhân. Đáng sợ hơn, người bên phía ngoại của hai đứa trẻ bắt đầu công khai nghi ngờ ông Ha Hai, người ở cùng thôn Láng Tranh đã dùng phép thuật “thư ếm” “gọi ma lai” về để gây ra tang tóc này. Bằng cớ để nghi là sau một đêm nằm…chiêm bao trông thấy rất rõ ông Ha Hai có thể biến thành con ma hoặc gọi những con ma khác về ám hại anh em đứa trẻ Ha K’Lãi và Ha Tông. 
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Ha Hai đang trong nỗi phập phồng lo: “Tôi đã cùng đi đưa xác chết đứa trẻ Ha Tông từ rừng sâu về mà sao tôi vừa bị nghi là con ma lại vừa nói tôi dẫn con ma về buôn hại con người?! Tôi là người sao lại thành ma được chứ ?! Hai thanh niên họ hàng của người mẹ hai đứa trẻ thường hay uống rượu đến nhà đe nạt, xung đột với tôi, buộc tôi phải nhận là ma. Tôi sợ người ta sẽ giết tôi mất. Tôi buồn tức lắm. Xin pháp luật nhà nước giúp đỡ giùm cho…”
Chúng tôi đem chuyện “gọi ma lai” đề cập với ông Rơ Ông Tham, Thôn phó thôn Láng Tranh, được biết nhân thân của ông Ha Hai là một con người hiền lành như đất, chưa một lần mất lòng ai trong xóm giềng.  Vậy cơ sự này do đâu? giải quyết sao đây? Ông thôn phó nói rằng, thôn đã tổ chức một cuộc họp đông đảo nhân dân tham dự  để giải tỏa sự nghi oan bởi hủ tục lạc hậu, nhưng xem ra hai bên đang lúc căng thẳng lắm, khó lòng ngày một ngày hai hòa giải được.Bên gia đình phía ngoại của nạn nhân đang thách đố ông Ha Hai bỏ tiền ra cùng đi tìm thầy cúng nhằm xác định cho ra lẽ (?!) Nếu bên nghi sai phải đền trâu, bò, chum, chóe…Và nếu bên bị nghi đúng có ó ma lai sẽ phải sẵn sàng chết. Để tránh những xô xát có thể bùng phát, gây những hậu quả khôn lường nên tạm thời thôn đã giải quyết hai bên không được giáp mặt chửi rủa nhau nữa; trong lúc chờ kiếm gom đủ tiền thỏa thuận cùng nhau đến chốn linh thiêng gặp thầy cúng phân xử (?)
Dẫu sao cũng phải chia xẻ xung quanh một “giải pháp tình thế” mà ông Thôn phó Láng Tranh vừa nêu, chúng tôi đã liên lạc trao đổi với ông Phạm Viết Hội, Trưởng Công an huyện Lạc Dương. Ông Hội khẳng định: Đứa trẻ Ha Tông có tâm trí và tinh thần phát triển không bình thường. Trước đây cháu đã đi lạc mấy lần, nhờ sớm được phát hiện nên không dẫn đến kết cục bi thảm như lần cuối cùng này. Bây giờ trong buôn lại mê tín, dị đoan nghi kỵ có người gọi ma lai, cho rằng ma quỷ ở rừng làm chết người. Công an huyện đang rất tích cực tăng cường phối hợp với các ban ngành đoàn thể của huyện Lạc Dương và của xã Đưng K’Nớ về thôn Láng Tranh “đóng chốt” dài ngày để kiên trì giải thích, tuyên truyền cho từng người dân thông hiểu, loại bỏ ngay những quan niệm mông muội, lạc hậu đang “phục sinh” quay về.
Vậy là sau nhiều ngày vật lộn với câu chuyện “ma rừng”, những người làm báo chúng tôi cũng đã tìm ra sự thật về hai đứa trẻ mất tích ở Láng Tranh. Cả hai cùng do nguyên nhân đi lạc; đứa ham chơi; đứa có tâm thần thiếu ổn định. Bài học đau lòng này còn gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các bậc ông-bà, cha-mẹ ở vùng sâu, vùng xa về sự theo dõi, chăm sóc trẻ con không nên lơi lỏng, chủ quan mà nhất nhất cần phải theo sát mọi sự biểu hiện, sinh hoạt, vui đùa của đứa trẻ thật chu đáo hơn. Dẫu vậy, cho đến giờ người ta vẫn chưa dễ dàng giải tỏa những ngờ vực với giả thiết rằng, đứa trẻ Ha K’Lãi lạc vào rừng sâu đến nửa tháng trời ròng rã mà lại sống được bằng thức ăn hoa quả, lá cây ở rừng; chưa kể Ha K’Lãi đi tay không, một thân, một mình, một bộ quần áo mà khả năng chống chọi, vượt qua với thời tiết, môi trường rét buốt để sinh tồn là điều phi thường, rất hiếm thấy. Điều này có lẽ cơ quan điều tra và các cơ quan chuyên môn khác cần sớm có lời lý giải thỏa đáng hơn, nhằm góp phần lập lại một môi trường đời sống tinh thần lành mạnh, hướng đến văn minh nơi buôn làng sâu thẳm còn nhiều trắc trở này
Láng Tranh- Đà Lạt tháng 02.2004