Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Hoa của đá

       Ghi chép VĂN VIỆT

Mới đó mà đã hơn một mùa rẫy, cô gái trẻ Nguyễn Đoan Trang dấn thân nơi buôn sâu Đarahoa của Núi Voi. Hình ảnh một sơn nữ mảnh dẻ từ Bình Phước miền Đông đất đỏ trở nên thân thuộc bên nếp nhà sàn của làng đồng bào dân tộc thiểu số K’ Ho Lâm Đồng giữa những ngày nắng gắt mưa dầm; những đêm bập bùng ánh lửa hội làng… 

Một chiều lập xuân, Đoan Trang rủ tôi vào thăm làng Đarahoa nghe rộn lên tiếng con trẻ học bài vui lắm. Kỳ thực không vui sao được khi giữa rừng lại vang tiếng trẻ ê a từng con chữ, từng phép tính hay những bài toán đố râm ran những lời bàn giải. Thấy tôi ngạc nhiên vì đã lâu không vào khu du lịch sinh thái Núi Voi này, Đoan Trang nói rằng khi cô vào làng thì chưa có lớp học. Lớp mới vừa khai giảng hơn bốn tháng nay từ tấm lòng, công sức sáng lập của “Bố Phúc” ( “Bố Phúc” là lời xưng hô trìu mến của dân làng với ông Nguyễn Đức Phúc, giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam, Đà Lạt). Còn nhớ khi lần đầu tiếp xúc với tôi, ông Phúc tỏ ra thao thức nhiều về một phòng học cho con trẻ đồng bào K’Ho nơi đây. 
Hàng ngày những đứa trẻ không có điều kiện xuống trường học ở trung tâm xã Hiệp An, Đức Trọng với bạn bè cùng trang lứa; phải tất tả lên vườn xuống rẫy với cây xà gạc, với vài con bò, đàn gà… trông thấy mà thương. Nhưng rồi những quy trình của thủ tục khiến ông Phúc chưa thể thực hiện ngày một ngày hai được. Mãi đến cuối tháng 10/2006, cô gái trẻ Đoan Trang nhận việc phụ trách làng sinh thái Núi Voi đúng vào lúc cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng chính thức đồng ý cho Công ty Du lịch Phương Nam xây dựng lớp học tình thương. Đoan Trang có được cơ hội cùng ăn ở, sống chung với đồng bào K’Ho, sẻ chia, động viên từng gia đình đưa con em đến lớp học tình thương, đặt lên những bước chân đầu đời để đi vào miền trí thức.
Năm mới Đinh Hợi này cô gái trẻ Đoan Trang mới bước sang tuổi hai mươi bảy, đầy nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ. Cô kể rằng đã lớn lên từng ngày qua từng mùa cây, luống đất của trang trại trồng hồ tiêu, cà phê, chăn nuôi bò, dê… của xứ Bình Phước miền Đông ở quê. Rồi trưởng thành một thời làm sinh viên nông lâm ở Sài Gòn đô hội nhưng mỗi khi được đi thực tế dã ngoại là cô vui thích lắm. Rồi không biết từ lúc nào cái môi trường sinh thái rừng rú ấy bỗng như một phần đời của cô; cứ luôn thôi thúc bước chân cô kiếm tìm, khám phá, thử sức mình. Ở làng Darahoa, Đoan Trang càng hòa mình với đồng bào càng cảm nhận sâu sắc hơn sự gần gũi, chân chất của họ, đặc biệt là sự hồn nhiên của những đứa trẻ. Đó là bé gái Ka Sol đang học lớp 3 của lớp tình thương vẫn không biết mình năm nay bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ đã học lớp 3 ở trường học bên đường quốc lộ cách nhà hơn 5 cây số nhưng phải nghỉ học hơn 4 năm rồi. Vì sao lại sớm nghỉ học ? Trả lời: “Ba mẹ nói con phải ở nhà đi hái cà phê cùng với ba mẹ !” Còn đây là lời thỏ thẻ của bé gái Ka Guân cùng lớp với Ka Sol : “Con năm nay đã 13 tuổi. Nghỉ học hơn 5 năm giờ mới được đi học lại. Đi học ở đây được gần nhà, được đi chăn bò giúp đỡ ba mẹ…”
Tại làng Darahoa, tôi gặp cô giáo trực tiếp giảng dạy lớp học tình thương, Huyền Đông Sương (năm nay đã 57 tuổi ) nói rằng thời gian đầu vào lớp học với những con trẻ bước bỡ ngỡ đủ điều. Nào là lứa tuổi, trình độ không đồng đều; phòng học là một căn nhà dài khác lạ; rồi ngôn ngữ phổ thông lâu ngày mới giao tiếp trở lại; rồi giáo viên cũng…lạ quá. Với tấm lòng yêu thương con trẻ, cộng với hành trang hàng chục năm giảng dạy lớp học tình thương, cô Huyền Đông Sương đã sớm ổn định 3 lớp học với hơn 30 học sinh là lớp 1, lớp 2 và lớp 3 học chữ say sưa chung với nhau như người thân trong một gia đình và một mái nhà ấm áp. Hàng tuần vào các buổi chiều thứ hai, thứ tư và thứ sáu mở cửa lớp học suốt hơn hai tiếng đồng hồ. 
Chương trình giảng dạy theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục, chủ yếu là hai môn học Toán và Tiếng Việt. Nếu như bên trong lớp học, cô giáo Huyền Đông Sương tận tụy truyền con chữ cho con trẻ vượt khó thì bên ngoài lớp học cô gái trẻ Đoan Trang lại lên nương, xuống suối, thoăn thoắt vào từng gian nhà khuyên bảo con trẻ đi học đều đặn, đến lớp đúng giờ. Tan giờ học, Đoan Trang chờ đón đưa từng đám trẻ về nhà, sẵn chuyện trên đường đi chỉ bảo trực tiếp về những hành động bảo vệ, giữ vững môi trường sinh thái nơi bản làng.     
Bây giờ làng Đarahoa trong khu du lịch sinh thái Núi Voi đã quần tụ 46 hộ đồng bào K’Ho có đất, có rừng sinh sống. Bình quân mỗi hộ canh tác từ 5 sào đến 01 ha trồng bắp, đậu, chuối và cây công nghiệp cà phê. Có hệ thống nước chảy đầu nguồn dẫn về tưới tắm cho cây trồng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho từng mái nhà. Chuyện “Bố Phúc” đi tìm gọi 10 hộ đồng bào K’Ho đầu tiên về lại rừng Núi Voi từ năm 1994 đến nay vẫn râm ran kể lại trong cuộc sống mỗi ngày. Đó là việc bố trí đất ở, đất giữ rừng, đất sản xuất…cho từng hộ gia đình. Đó là mỗi căn nhà sàn gỗ, ván khi xây dựng được hỗ trợ thêm từ 300 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng. Đó là việc đầu tư giống, hướng dẫn kỷ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con. 
Hôm nay đi giữa làng, cô gái trẻ Đoan Trang càng cảm phục hơn khi hình dung những nhọc nhằn, chịu thương, chịu khó, chung tay tái lập làng của bà con. Đặc điểm của vùng đất này là đá chồng lên đá phủ một lớp dày lên bề mặt của đất. Để đưa một cây giống bám rễ vào đất, người dân phải bẩy đào đá lên, có khi phải mất nhiều ngày liền. Cứ thế trồng xong một cây phải đào hố cây mới lại phải bẩy đá mới, quần quật đêm ngày mới thành một sào đất mới, một rẫy đất mới, kết thành những trang trại mới. Để rồi đá đen, đá tảng, đá mồ côi…dần được xếp thành từng đống, từng hàng cách biệt ra xa, nhường môi trường cho đất nuôi hoa trái lên xanh. 
Thoáng chốc qua mười mấy năm, cây trái bốn mùa thu hoạch, tán lá phủ lên khuất lấp đằng sau những luống đá đã bạc màu rêu phong. Già làng Ha Hai năm nay đã 67 tuổi rất phấn khởi trước hoa lợi đã làm ra. Chia đất, dựng nhà cho tất thảy 9 người con ra riêng, vợ chồng Ha Hai giữ lại 01 ha cà phê để dưỡng già. Tận dụng ở khu đất thấp, Ha Hai đào ao thả cá. Quanh đồi vườn là chăn nuôi gà, bò, heo. Cuộc sống thật no đủ, không còn những ngày kham khổ, chật vật nữa. Tương tự với già làng Ha Tuyn giờ đã khá ổn định thu hoạch lúa, bắp quanh năm chất đầy nhà, mức sống sung túc cho 8 nhân khẩu trong gia đình…
Cuộc sống đồng bào K’Ho của làng Đarahoa đang đà đi lên. Cô gái trẻ Đoan Trang, một bông hoa giữa vùng đồi đá Núi Voi, lặng lẽ thiết lập một dự án phát triển nông – lâm - du lịch sinh thái mới cho làng trong 5 năm tới - tức là năm 2012. Những điều khả quan vẫn còn ở phía trước. Nhưng bước đầu hộ dân Ha Long được cô Đoan Trang hướng dẫn chuyển dần những diện tích cà phê “Rô” già cỗi sang trồng giống cà phê mới Môka và Katimo đang nảy lá, đâm cành, tôi lạc quan về một làng trang trại chuyển động giàu có, ngập tràn ánh sáng văn minh đang đến gần…

Đarahoa - Đà Lạt xuân Đinh Hợi 2007