Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Rực hồng bếp lửa bánh chưng xanh

VĂN VIỆT
Ngày tết truyền thống người Việt không có gia đình nào lại không có bánh chưng, bánh tét trong nhà. Với cuộc sống đô thị ngày càng bức chật, gấp gáp, nếu có được một đêm cuối năm ngồi quanh bếp lửa hồng, nghe nồi bánh chưng reo sôi thì thật ý nghĩa, giá trị biết nhường nào. 

Tôi xa gốc rạ, bờ tre ngoảnh lại đã tròn hai mươi năm. Bếp lửa hồng, quanh nồi bánh chưng, bánh tét trong thời khắc giao thừa gia đình sum họp, hàn huyên giờ chỉ lưu lại với hoài niệm, ký ức. Rồi tất bật với vòng xoáy công việc, năm nào cũng phải đến những ngày cận tết mới nhẩn nha cùng vợ con ra chợ mua gom một lần là đủ loại bánh mứt, ngũ quả và cả bánh chưng, bánh tét được sản xuất theo “kiểu công nghiệp”  cho một cái tết của mình. Kể ra thời buổi hiện đại, tân tiến có tất tần tật mọi thứ bán sẵn ở thương trường thật rất tiện lợi đối với nhu cầu người dân thị thành. Năm nay bất chợt không hiểu “ngọn gió nào đưa đến” mà anh hàng xóm ở tổ dân phố liền kề lại cứ háo hức mách nhỏ tôi cùng “góp nếp” nấu bánh chưng, bánh tét. Ban đầu, tôi cười giã lã theo cái tính cách bộc phát ngờ ngợ “lai căng” của người thị dân, ai dè sau những lời tỉ tê lôi cuốn  của anh ta, cuối cùng tôi chuyển sang trạng thái…gật gù nhận lời.
Phải chạy tìm khắp nơi ở vùng ven đô mới mượn được một chiếc thùng đủ nấu cho hai mươi ký nếp. Lá chuối, lá dong ra chợ mua hơn cả chục bó. Chợ Đà Lạt tháng chạp rộn rịp kẻ mua, người bán nhưng xem ra mặt hàng lá chuối, lá dong là bán chậm nhất. Nguyên liệu đâu vào đó cơ bản, tôi cũng ngồi vào “tham gia” gói bánh. Gọi là tham gia song tôi chỉ là người xếp lá, vớt nếp và…tròn xoe mắt ngồi xem. Hóa ra anh hàng xóm của tôi cũng chưa một lần “tự biên tự diễn” được một nồi bánh. Anh hăm hở nấu cho bằng được một nồi bánh năm nay bởi đơn giản một lẽ là…anh mường tượng sẽ cảm khoái làm sao ấy. Anh kể: Hồi còn ở chung với gia đình năm nào, anh cũng phụ mẹ anh nấu bánh, nhóm lửa trong đêm trừ tịch. 
Cả gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, những câu chuyện hay, chuyện vui của năm cũ được đưa ra cười nói rôm rả. Mỗi thành viên trong nhà nhìn thấy đó để tự thân thắp lên ngọn lửa cho năm mới những điều tốt đẹp hơn. Những chuyện chưa vừa lòng, chưa được hoàn thiện với truyền thống nếp nhà cũng được luận bàn nhẹ nhàng, bao dung cho năm sau được tiến bộ hơn. Cứ thế, những khoảnh khắc thiêng liêng dần qua, bếp lửa càng rực hồng lên và không khí gia đình thêm gắn kết vào nhau, nồng ấm đến tận cùng…
Bây giờ phố phường Đà Lạt rất hiếm tìm thấy mỗi nhà tự nhóm lên một bếp lửa với nồi bánh chưng, bánh tét riêng cho năm mới. Tôi không cố làm phép thống kê nhưng đoán chắc số người “góp nếp” nấu bánh tết như tôi và anh bạn hàng xóm kia cũng vẫn là chiếm thiểu số của thị dân. Như khu phố tôi ở xấp xỉ đến bảy tám chục hộ dân, ấy mà những “bếp tập thể” nấu bánh chưng qua nhiều cái tết rồi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi người có một suy nghiệm riêng trong một thời đại mà cả thế giới ngày càng thu gọn trong hệ thống kênh thông tin mỗi gia đình. Và lối sống văn minh, công nghiệp đi liền “cơm hộp”, “thức ăn nhanh”…đã ngày càng thâm nhập ăn sâu vào đời sống thị dân ví như một lẽ tất nhiên vậy.
Dẫu sao tôi cũng bắt gặp được một gia đình ở một đường phố nhỏ Đà Lạt trong lúc họ đang xúm xít quanh một “dây chuyền” tỉa tót lá, gói bánh chưng xanh. Đây là một gia đình ba đời chung sống bên nhau. Bà cụ già tuổi ngoài thất thập, miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay đang chẻ từng sợi dây lạt, nói: “Ngoài chợ giá một cặp bánh chưng là 35 ngàn đồng. Tôi không ăn được thứ “bánh chợ”, có lẽ không “vừa miệng” thì phải ?! Năm nào gia đình tôi phải “nhóm bếp” là vậy.” Qua câu chuyện, tôi được biết, không có tết năm nào, bà và các con, dâu, rể và các cháu của bà không nấu bánh chưng cả. Kỷ thuật ngâm, tẩm, ướp; tỉ lệ “pha chế” nhân và bánh bà đều truyền “nghề” lại cho con cháu nhưng cứ đến tết là bà chẳng chịu được nếu như không cùng với cả nhà trông chờ chiếc bánh chưng vớt lên khi trời vừa chớm sáng. Năm nào gia đình bà cũng nấu bánh chưng vào những đêm mà gia đình chọn là dịp tất niên để chiêm nghiệm lại một năm đã qua. Đêm, cả nhà nhóm lên một bếp lửa chuyện trò hướng đến những việc làm tốt đẹp, viên mãn trong năm mới. Để đến giao thừa, cả nhà cùng chúc nhau những lời nguyện ước chan chứa, đầm ấm tình cốt nhục…
Trở lại câu chuyện nấu bánh chưng của tôi và anh bạn hàng xóm một đêm đầu tiên ở thành phố này nhưng chắc sẽ nhớ lâu. Sáng hôm ngày áp tết, tôi đem mấy đòn bánh tét, cặp bánh chưng về nhà, hai đứa con tôi đón mừng rối rít. Chúng nó trách tôi sao không cho theo để tập gói bánh, được sưởi lửa, nghe chuyện kể của người lớn. Tôi cậy quyền làm ba mắng chúng là con nít tò mò làm gì, nhưng rốt cuộc rồi cũng phải thất lý với đứa con gái mười ba tuổi của tôi khi nó hồn nhiên hỏi : “Ngày xưa ba có được ngồi với ông bà Nội quanh nồi bánh tét, bánh chưng trong ngày tết không ba ?”.
Đà Lạt tháng 01.2004