Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Cô gái Nhật với hai lần tết Đà Lạt

VĂN VIỆT
“Đà Lạt thật đẹp. Thiên nhiên và con người Đà Lạt đã cho tôi hai cái tết với những kỷ niệm khó quên… ” – Cô gái Nhật có tên Saito Atsuko tâm sự.

Bước vào Tết Mậu Tý 2008, Saito Atsuko tròn hai mưới chín tuổi, kết thúc hai cái tết làm tình nguyện viên về giáo dục môi trường ở phố núi Đà Lạt. Nhắc lại, Atsuko vẫn còn cảm giác mới lạ khi lần đầu bắt gặp tấm biển dưới chân đèo Prenn “welcom to Da Lat” ( Đà Lạt kính chào quý khách). Đó là bức tranh của một thành phố trong rừng và rừng trong thành phố. Những đồi thông nhấp nhô trùng điệp. Những cái nắng dìu dịu và những làn gió mát rượi đã cuốn hút đặc biệt cô gái Nhật ngay ngày đầu làm “sứ giả môi trường”. 
Atsuko bộc bạch rằng, cô cũng đã có nhiều thông tin về đất nước Việt Nam khi còn là sinh viên Khoa Môi trường của Trường Đại học Kinh tế Fukushima, thành phố miền Đông Bắc Nhật Bản, nơi cô sinh ra. Ay vậy mà khi đặt chân đến phố cao nguyên Đà Lạt với quang cảnh khiến cô phải ngỡ ngàng. Trước mắt là một miền không gian xứ lạnh mênh mông giữa mây trời; những miền suy tưởng của cô gái xứ hoa đào Nhật Bản có thể chắp cánh xa hơn đến tận chân trời. 
Đà Lạt tạo bất ngờ nhất với cô gái Nhật là một thành phố có không khí mát lạnh của đất nước nhiệt đới. Nhận công việc,  phố núi Đà Lạt giao cho Atsuko cùng lúc “biên chế” vào hai cơ quan quản lý rừng là Bedoup Núi Bà và đặc dụng Lâm Viên. Sự thân thiện và cởi mở của những “cán bộ rừng” nơi đây đã giúp cô gái Nhật Bản hòa nhập khá nhanh với môi trường làm việc mới. Một tổ tuyên truyền giáo dục môi trường của cô gái Nhật và những cộng sự người Việt nhanh chóng được ổn định và bắt tay vào chuyên môn. 
Hàng tuần với các ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư làm việc tại cơ quan rừng đặc dụng Lâm Viên. Thứ năm và thứ sáu làm việc tại cơ quan rừng Bedoup- Núi Bà. Atsuko rất thích thú những cánh rừng nguyên sinh của Đà Lạt. Và bài giáo án tự biên soạn của cô là vai trò của rừng trong tự nhiên. Giáo án ngắn gọn, dạng hỏi - đáp theo lối trắc nghiệm, có kèm ảnh minh họa. 
Atsuko chọn địa phương đi “dã ngoại” giảng bài đầu tiên là xã Tà Nung của Đà Lạt. Khoảng ba chục em học sinh một lớp tiểu học được tập trung nghe “cô giáo” người Nhật giảng bài bằng tiếng Việt. “Xin chào các em ! Chị bắt đầu buổi học hôm nay nhé ! Vai trò của rừng trong tự nhiên có ba phương án…Một là bảo vệ nước và đất. Hai là vai trò quang hợp. Ba là cung cấp nơi ở và thức ăn cho động vật…Xin mời em...Đúng rồi…phương án một ! Rừng có vai trò bảo vệ đất và nước…” Giọng chậm rãi phát âm khá chuẩn tiếng Việt từng từ từng câu một, “cô giáo” Nhật với tác phong hoạt bát, cử chỉ thân mật từng học trò nhỏ người Việt đã luôn tạo nên không khí hào hứng, sôi nổi trên từng tiêu đề, nội dung bài giảng. 
Kế tiếp xã Tà Nung là xã Xuân Trường, cũng với phương pháp truyền đạt trực quan, Atsuko đã chuyển tải một lượng kiến thức quan trọng cho học sinh cấp tiểu học về bảo vệ cây rừng, trồng cây xanh, giảm thiểu tối đa về hiệu ứng nhà kính. Sau hai năm, cô giáo Atsuko đã xây dựng hai câu lạc bộ “trẻ em với thiên nhiên” ở hai trường tiểu học ở xã Xuân Trường và xã Tà Nung với hơn 60 hội viên. Đây là những “tuyên truyền viên” nòng cốt về môi trường của thiếu nhi ở vùng ven rừng của thành phố Đà Lạt.
Vui với cái tết Mậu Tý năm 2008 này, cô gái Nhật Bản – Saito Atsuko đã hoàn tất hai năm làm tình nguyện viên tuyên truyền về môi trường trên phố hoa Đà Lạt. Chính thức là tháng 3/2008, Atsuko sẽ về lại quê hương Nhật Bản của mình. Cô đã cùng với các cộng sự Việt Nam hình thành một bộ phận chuyên trách về giáo dục môi trường tại cơ quan rừng Bedoup Núi Bà và cơ quan rừng đặc dụng Lâm Viên. Một thanh niên trẻ khác cũng từ Nhật Bản sẽ đến đây tiếp tục hành trình “sứ giả môi trường” của Saito Atsuko. Nói chuyện chia tay Đà Lạt vào tháng 3/2008, Saito Atsuko nói lời cám ơn Đà Lạt đã giúp cô hiểu biết thêm về văn hóa, lịch sử và đã trực tiếp khám phá nhiều điều kỳ thú vùng đất thiên đường du lịch nơi này. “Chắc chắn là tôi phải thường xuyên quay lại Đà Lạt trong những dịp thuận lợi nhất. Đà Lạt với những cánh rừng; những góc phố; những bạn bè thân quen…là một phần ký ức tuổi trẻ của tôi…” -Saito Atsuko nói.
Đà Lạt Xuân Mậu Tý 2008