Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

“Nhặt rác” nuôi trẻ mồ côi

VĂN VIỆT
( Giải Khuyến Khích của Hội Nhà báo Việt Nam- Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển năm 2003)
Chủ nhật nào cũng vậy, quanh hai khu phố Tùng Lâm, Thánh mẫu ( phường 7, Đà Lạt) và khu phố Thiện Lâm (phường 8, Đà Lạt), người ta thấy xuất hiện một nhóm “nam thanh, nữ tú” gần đến 10 người đi…lượm “chai bao”. Không phải là  “ chuyên nghiệp”, chỉ thương những đứa trẻ mồ côi vô gia cư nên họ bảo nhau đi kiếm tiền bằng “nghề” nhọc nhằn như thế. Đầu xuân này, tôi được hòa mình vào thế giới ấy, một thế giới lặng lẽ bắt nguồn từ sức mạnh của lòng nhân ái bao la…

TRƯỚC NHỮNG NỖI ĐAU
Để có những chủ nhật thấm đẫm nhân đạo, hãy nhắc đến người khởi xướng là anh Đỗ Quốc Thanh, 30 tuổi, ở số 116, khu phố Tùng Lâm, Đà Lạt. Thanh kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt thân yêu này. Chợt một ngày kia, tôi cám cảnh tận cùng nỗi đau bơ vơ của những đứa trẻ chui rúc đầu đường, xó chợ. Về tâm sự với ba, mẹ tôi, bỗng bất chợt nỗi đau càng chất lên nỗi đau thăm thẳm… ” Rồi sau khoảng lặng của Thanh là một mạch hồi ức tuôn về: Đến tuổi thành niên, Thanh mới được kể cho nghe biết rõ ngọn nguồn rằng, ba Thanh xuất thân từ những đứa trẻ mồ côi, gặp một người có lòng trắc ẩn ẵm bồng về nuôi nấng nên người. 
Vào đời, ba Thanh may mắn gặp người phụ nữ thấu hiểu, đồng cảm sẻ chia nên tương hợp kết ý trung nhân thành vợ, thành chồng. Thanh chào đời trong thời kỳ khốn khó. Học hết lớp chín rồi nghỉ hẳn để đỡ đần phần nào cho ba, mẹ một quãng đời khổ đau nhiều. Nhưng nghĩ mình còn được trưởng thành trong tuổi thơ dịu êm, có ba, có mẹ, nên Thanh không thể cầm lòng nổi mỗi khi trông thấy những mảnh đời vất vưởng như chiếc bóng chốn chợ đời. Đứa này đêm đêm nằm co ro trên những vỉa hè lạnh cóng. Đứa kia sống bằng sự bố thí của người đời, chẳng biết tháng ngày. Rồi đứa nọ bị giòng đời lưu manh hóa, không biết sẽ bị đẩy vào nơi trộm cắp, cướp giật, xì ke lúc nào đây…
Thời điểm đó, “Nhà mở” của tổ chức bảo trợ xã hội Lâm Đồng giải thể, bạn của Thanh là anh Văn Đình Cường đã “gom” trẻ về nuôi. Chuyển đi, chuyển lại chỗ ở bao nhiêu lần mới tìm thuê một căn nhà thuê 20 mét vuông, giá mỗi tháng 200 ngàn đồng, tại hẻm 3B, đường Triệu Việt Vương, Đà Lạt, nuôi 11 đứa trẻ mồ côi, từ 7 tuổi đến 16 tuổi. Mà Cường cũng quá khổ cực đi. Anh sống đơn thân, tất tả chăm lo các em ăn, ngủ, học hành nhưng chỉ gắng cầm hơi qua ngày. Hết ngày dài lại đêm thâu, Cường lang thang khắp nơi, tìm đến những người thân quen cũ để lo tài trợ cho các em kiếm cái nghề, cái chữ cho tương lai. Nhiều lần Cường tâm sự: Làm sao mỗi tháng phải có 1 tạ gạo,  mỗi ngày có 20 ngàn đi chợ, chưa kể các thứ nhu yếu phẩm khác mới gọi là “tương đối” được. Có lúc xoay xở không kịp, “thầy trò” chạy chợ với vài ngàn đồng trên tay; không đủ dinh dưỡng tối thiểu, phải vào nhà vườn xin rau về ăn. Lúc rủi ro khi các em bị đau, buộc lòng phải chạy đôn chạy đáo hết sức để lo tiền thuốc thang…
Ngày lại ngày đến thăm nhìn các em đang quên đi bất hạnh bên nỗi lo đau đáu của “thầy Cường”, nước mắt Thanh như cứ chực trào ra…Rồi một đêm bàn với vợ (đang nuôi con mọn), Thanh như muốn reo lên khi đã tìm ra cách: “Lượm chai bao giúp cho “thầy Cường” đỡ bớt cảnh ngặt nghèo nuôi trẻ!”
GOM NHẶT NHỮNG THỨ BỎ ĐI
Một ngày chủ nhật, theo anh Thanh đi nhặt “ve chai” thật giá trị. Chưa đầy 8 giờ sáng, gần 10 thanh niên nam, nữ đã đủ mặt tại nhà “116” của Thanh. Hồ hởi xuất phát đến căn hộ đầu tiên ở số 70, Tùng Lâm, đã “trúng”: Lon bia, lon nước ngọt, các loại thùng giấy…thải ra khá nhiều sau ngày đón tết, vui xuân, nhặt đến đầy bao vẫn còn. Chủ nhà là bà Say, 70 tuổi, đã chịu khó thu gom trong nhà và láng giềng suốt nửa tháng giêng mới “biếu” được ngần ấy “chai bao” cho nhóm của Thanh. Mừng rỡ hiện lên mặt, Thanh ước đoán : “Đợt này “kiếm” hơn 200 ngàn cho các em là chắc !”
Sát cánh với Thanh là chàng trai xứ Nghệ, tên Lê Hiền Lành, 35 tuổi, dắt díu vợ con vào làm thuê ở Lâm Đồng, tiện thể gia nhập tình nguyện “nhóm chai bao”. Được cái sốt sắng, không nề hà khó nhọc nên Lành được cả nhóm cứ nằng nặc “phong” làm “nhóm phó”, sau “nhóm trưởng” là Thanh. Cả hai “thủ lĩnh” cùng một sự tương đồng là “kéo” cả vợ vào làm “thành viên” của nhóm. Ngoài ra bên cạnh còn có các cô giáo, nữ sinh; những chàng trai Đà Lạt làm vườn thật thà như  đất, không bỏ sót một ngày “chủ nhật chai bao” nào. Nếu không thì làm sao hơn 5 tháng qua, tuần nào cũng đạt được “doanh số” bán “chai bao” tối thiểu là 200 ngàn đồng được. “Thầy Cường” nhờ khoản thu này có thêm mớ rau, mắm muối ba bữa cho 11 trẻ em mồ côi, bớt phải chạy bươn bả khắp nơi như trước nữa.
Gần gũi với Thanh và Lành mới biết để lượm được số phế liệu hàng tuần nuôi trẻ, cả nhóm nhiều phen phải chuốc lấy sự đắng cay. Mang bao ra đường, rất nhiều những ánh nhìn rẻ rúng, có cả cảnh giác luôn đổ dồn về phía họ. Không hiếm lần, cả nhóm tủa nhỏ ra đi rải rác khắp hang cùng, ngỏ hẻm xin những thứ bỏ đi ấy, lại bị chủ nhà quắc mắt xua đuổi. Có gia chủ vừa chạm mặt người của nhóm đã đóng sầm cửa lại vì nghi ngờ là những kẻ bất lương…Nhưng chịu đựng lâu rồi riết thành quen. Trên hết là vì cuộc sống ngày mai của lũ trẻ vỉa hè đang mong đợi. Bởi thế, họ lại tĩnh tâm lên đường đều đặn với ngày chủ nhật…nhặt “chai bao”!

VÌ THƯƠNG, HÃY GÓP SỨC!

Lần bước đến nhà số 100/9, Tùng Lâm, Đà Lạt gom phế liệu thật bất ngờ khi gặp chủ nhân, ông Nguyễn Trung Dũng đang giữ  chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 7. Ông Dũng thật lòng bộc bạch : “Cho đến bây giờ, tôi mới biết nhóm thanh niên ấy đi nhặt phế liệu là làm công tác xã hội. Tôi gọi mấy đứa con gom hết số chai, lon trong nhà để góp sức chút đỉnh. Nhà tôi tết không uống bia nên rất ít vỏ. Rồi cũng phải “tính” thôi…”
Ý “tính” của ông Dũng là “tính” hai lẽ: Thứ nhất là phải tổ chức những đầu mối thu gom tất thảy những phế liệu, giúp ích nhiều hơn cho trẻ mồ côi, lại vừa làm sạch môi trường nữa; thứ hai là phải bàn bạc để đưa nhóm này vào một tổ chức của Hội Chữ thập đỏ phường, hoạt động hiệu quả hơn.
Dẫu sao thì đến nay, nhóm “chai bao”của “thủ lĩnh” Thanh và Lành đã mở rộng phạm vi được “biếu” “chai bao” trên 650 hộ gia đình ở Tùng Lâm, Thánh Mẫu và Thiện Lâm, Đà Lạt. Mỗi tuần đến gom một lần vào ngày chủ nhật. Mừng vì số người góp sức cùng với nhóm ngày càng đông hơn, song đa phần là nông dân vùng ven nên lượng “chai bao” thải ra không sao bằng khu vực ở trung tâm thành phố, nhất là ở những nhà hàng, quán ăn luôn nườm nượp thực khách vào ra. Nhưng có muốn “đánh liều” vào nơi đây nài nỉ xin được 1 kg “chai bao” không phải là dễ. Bị thẳng thừng từ chối, bị nguây nguẩy bỏ đi sau lời chào hỏi, nên chỉ đôi lần đối diện, cả nhóm không giám lê bước đến thêm một lần nữa. Đến bãi rác thải khổng lồ của Đội Vệ sinh Đà Lạt ở khu Băng Bị-Cam Ly, người ta cũng “cát cứ” hết phần, không còn chỗ chen chân cho nhóm….
Trước mắt mơ ước của nhóm là “phấn đấu” lượm “chai bao” hàng tuần cho đủ “cơ số” nuôi 11 trẻ em mồ côi của “thầy Cường” được ăn no, mặc ấm. Nghĩ xa hơn, để các em được đến trường kiếm cái chữ, kiếm cái nghề mai này lập thân như bao đứa trẻ bình thường khác thì xin mỗi người trong xã hội hãy mở rộng hơn vòng tay giúp sức, trong đó có việc gom góp từng mẩu giấy vụn, lọ chai vỡ, vỏ lon nước uống đã bỏ đi…là đã thể hiện nghĩa cử cần thiết biết bao. Người đời nói: Nhiều tay vỗ nên kêu mà …
Tháng 02.2003