Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Bên kia dốc Tùng Lâm

VĂN VIỆT

 Giải Khuyến Khích của Báo Pháp luật- Bộ Tư pháp năm 2002)

Mục kích”mãi không được, tôi phải nhờ anh Cảnh sát khu vực bố trí thời gian mới gặp được ông-người đứng đầu khu phố bên kia dốc Tùng Lâm-phường 7-Đà Lạt từ sau ngày giải phóng đến nay. Ông là Nguyễn Nghiêu, 54 tuổi, gốc Quảng Nam “trung dũng kiên cường”, bị thực dân Pháp đày đi biệt xứ theo người Cha của mình từ thuở nhỏ. Trong ách kiềm kẹp đô hộ của thực dân và trong khói lửa chiến tranh chống đế quốc, tuổi thơ dữ dội của ông dần dần giác ngộ tinh thần yêu nước cách mạng. Thời kháng chiến, căn nhà 36-Đa Phú, nơi ông ở là một cơ sở cách mạng tuyệt đối bí mật. Sau ngày hòa bình đến nay trở thành nơi chốn bàn thảo xây dựng đời sống văn hóa pháp luật của 114 hộ dân trong vùng…

Theo bước chân ông, tôi vượt qua dốc Tùng Lâm rồi xuôi hướng Suối Vàng mới đến được một căn nhà xây nho nhỏ nằm ven sườn đồi. Phòng khách trang trọng gắn hai bằng huy chương kháng chiến chống Mỹ: một hạng nhì của thân phụ ông và một hạng nhất của ông. Cạnh đó là nhiều bằng khen thành tích bảo vệ an ninh của ông và của khu phố ông. Nhà ông mở hướng Đông Bắc nhìn ra một thung lũng rộng lớn, nồng nàn hương vị rau hoa quanh năm. Tôi không rành rẽ một chút gì về phong thủy, thế mà khi vừa bước lên trước sân nhà ông, đã có được một cảm giác thật tuyệt vời. Trước mắt tôi, những quả sú no tròn từ dưới lòng suối lần lượt chất đầy lên xe; những thửa “hoa công nghệ” khoe đủ sắc màu, dự báo thêm một mùa bội thu cho gia đình ông và cho người dân xứ này. Dù gì đi nữa, một khi đời sống kinh tế ổn định, phát triển, lúc đó muốn triển khai mọi phong trào sẽ dễ dàng hơn. Ông Nghiêu bảo thế. Nếu không thì chưa thể nói những thành công như mong muốn mà khu phố 7 của ông đã có được.
Đối với những khu dân cư nào trong thành phố Đà Lạt, trong tỉnh Lâm Đồng thì sao, ông không biết hết, chứ khu phố của ông, không còn ai gọi là nghèo đói nữa. Tính ra, với 24 ha chuyên canh rau, hoa và cây công nghiệp, năng suất hàng năm chia đều 614 nhân khẩu, một người cũng đạt thu nhập 400-500USD/năm. Điện sáng trưng. Đường rộng mở. Cả khu phố  đến chục xe khách du lịch, xe vận chuyển hàng hóa. Còn xe máy từ lâu 100% hộ gia đình đã sắm được. Và tỉ lệ điện thoại đã vươn đến 1/3 số hộ đăng ký thuê bao. Thế riêng gia đình ông? “Tôi đã lỡ cổ hũ rồi. Con đông quá, đến 10 đứa lận! Nghĩ lại mà rùng mình. Tôi và “nhà tôi” phải vật vã những ngày cơ cực mới có được bây giờ” - Ông Nghiêu thật lòng. Con cái ông, những người yên bề gia thất đã nhiều : người lập gia đình ra riêng, nhà cửa khang trang, đất vườn xanh ngát; người kia là nhà giáo, y sĩ; người sắp sửa lấy bằng kỷ sư…Những đứa còn lại đều say sưa đèn sách ở môi trường phổ thông. Rất mừng cho ông, nhưng cái quan trọng nhất là cả khu phố, ai ai cũng quý mến tấm lòng của ông dành cho họ. Có người vui miệng: “Ông Nghiêu đã đông con, lại kiêm nhiệm việc làng, chứ không thì cái sự giàu của ông chắc cao lên chất ngất, láng giềng khó bề theo kịp !”.
Quả vậy, từ sau giải phóng đến nay, ông Nghiêu luôn tận tâm, tận lực với vai trò “thủ lĩnh” của đất Lâm Thành Phú. Tiếp quản, tham gia Ủy Ban Quân quản; sau đó là Tập đoàn trưởng, rồi Chủ tịch Hội nông dân phường kiêm Khu phố trưởng, ông Nghiêu đã xây dựng đời sống khu phố mình vươn đến tầm văn hóa pháp luật. Hơn ai hết, ông hiểu thấu đặc điểm một vùng dân cư hội tụ văn hóa hai miền Bắc, Trung vào đây sinh cơ lập nghiệp những năm 50 của thế kỷ trước. Đa phần họ xuất thân từ tầng lớp công nhân nhà máy điện Suối Vàng và nông trường Đăng Kia thời Pháp thuộc, bị bóc lột thậm tệ. Đến thời kinh tế thị trường, ông Nghiêu đã biết khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc, một bản chất vốn có của giai cấp công nhân, nên đã ngăn chặn những tác động tiêu cực xâm nhập vào xóm giềng của ông. Cuộc họp nào cũng vậy, dân tranh thủ đến rất đông, từ 60-70% số hộ. 
Chuyện kể rằng, có hai hộ lân cận chỉ hiểu lầm nhau, cự cãi gay gắt, không ai chịu nhường nhịn ai. Ông Nghiêu tất tả đến. Hai gia đình được thuyết phục ngồi lại hai bên, chính giữa là ông. Ông Nghiêu nghe cả hai tai, rồi tìm ra nguyên nhân, phân tích kỹ cái đúng, cái sai, từ đó đưa ra một tiếng nói chung cho cả hai…Lần ấy, cả làng thở phào: “Suýt nữa đánh nhau sứt đầu, mẻ trán như chơi. Thật đáng quý “cái tài” hàn gắn của ông Nghiêu!” Với ông Nghiêu chuyện như thế ở xóm làng không thể coi chuyện nhỏ, bởi “cái sảy nảy cái ung”chẳng phải hiếm thấy ở những nơi khác. Ví như trường hợp cháu Nguyễn Bá Hải, 17 tuổi,  ngỗ ngược, hay gây sự đánh nhau trong làng, cha mẹ dùng nhiều biện pháp vẫn thiếu kết quả. Đến lượt ông Nghiêu gọi lên giáo dục nhẹ nhàng trước nhân dân, đồng thời vận động cháu Hải tham gia đội dân phòng. Chỉ có làm công việc  ích lợi cho gia đình, cho khu phố mới tránh xa sự lôi kéo chơi bời lêu lỏng, hàng xóm quở trách, bạn bè lánh mặt. Nghe lời ông Nghiêu thấm thía quá, cháu Hải ương bướng ngày nào, giờ đã là đội viên dân phòng tích cực của khu phố, trở thành tấm gương ảnh hưởng tốt đẹp đến nhiều thanh niên khác…
Bây giờ đến khu Đa Phú của ông Nghiêu, sự yên bình và thịnh vượng lại hiện rõ hơn. Không một mầm mống về hình sự hoặc tệ nạn xã hội. Nhưng không vì thế mà ông đã hoàn toàn yên tâm, dù công việc chung-riêng kể ra thật khó tưởng tượng nổi. Sáng, với tư cách Chủ tịch Hội nông dân phường, đến Ủy ban phường nắm tình hình chung, sau đó xuống địa bàn hướng dẫn, vận động bà con nông dân thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Chiều, làm vườn cùng vợ con, vừa ứng trực nhiệm vụ Khu phố trưởng. Tối, xây dựng thực lực cách mạng cơ sở, tuyên truyền pháp luật, giải quyết chuyện nội bộ dân cư. 
Ông nói : “Dân tin, giao việc, lương tâm nào bảo mình không làm đến nơi, đến chốn được. Quan trọng là biết sắp xếp công việc hợp lý, chứ đổ lỗi hết vì điều kiện bận rộn, khác chi cách kiếm cớ từ chối!”. Việc khu phố hiện tại, ông luôn xác định đâu là trọng tâm, đâu là lâu dài. Với phương châm “phòng hơn chống”, ông Nghiêu vẫn tiếp tục theo đuổi để xây dựng “lá chắn” vững chắc cho thế trận an ninh nhân dân. Thật khó thấy nơi nào được như nơi này. Xây dựng đời sống văn hóa pháp luật không đơn giản gặp đâu làm đó, mà phải cần sự thống nhất một cơ chế chặt chẽ từ trên xuống dưới. Lãnh đạo trực tiếp cao nhất ở khu phố là chi bộ Đảng, kế đến là Ban cán sự, Ban bảo vệ khu phố; tiếp theo là 4 tổ dân phố, đồng thời là tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải; cuối cùng là đội dân phòng gồm 12 người. Đoàn thể có đủ: Phụ lão, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ…, phối hợp thành một phòng tuyến vững chắc trong lòng dân…
Chuyện khu phố bên kia dốc Tùng Lâm, một ngày đến thăm mà kể mãi vẫn không sao hết được. Chỉ xin nói lời trân trọng người Khu phố trưởng Nguyễn Nghiêu lặng lẽ cùng với cộng đồng bền bỉ làm những công việc bình thường, nhưng hết sức ý nghĩa này. Chia tay, ông Nghiêu “tặng” một bản sao qui ước cơ sở đã được phê duyệt và mời tôi đến dự ngày ra mắt khu phố văn hóa sắp tới. Tôi nhận lời và mong ngày ấy đến thật nhanh hơn…
Đà Lạt tháng 6/2001