Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Hoa đổi màu của "phù thủy hoa"

VĂN VIỆT

“Phù thủy hoa” Nguyễn Công Hóa ở Vạn Thành, Đà Lạt đang hoàn tất hàng chục bức tranh hoa đổi màu theo ý muốn để kịp trưng bày trong dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2012, góp thêm những sản phẩm hoa độc đáo mới trong mắt người thưởng lãm hoa gần xa.

Năm 2009, ông Nguyễn Công Hóa ở Vạn Thành, Đà Lạt thực sự nổi tiếng là “phù thủy hoa” khi được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi”. Tiếp tục miệt mài tự nghiên cứu với vườn hoa hồng trong nhà, đến cuối tháng 10 năm 2011, ông Hóa gặt hái thành công mới với kỹ thuật đổi màu hoa theo ý muốn. Và cả hai sản phẩm hoa ướp và hoa đổi màu này, ông Hóa ghép lên thành những sản phẩm tranh hoa đa chiều trên nền vải, bố cục chặt chẽ, thu nhỏ những phong cảnh của phố hoa Đà Lạt và phong cảnh của những vùng quê lúa của đồng bằng Việt Nam.
“Phù thủy hoa” Nguyễn Công Hóa cho biết, trong năm 2011, tự mình ông đã bất kể sớm tối, lặng lẽ ghép từng cánh hoa, đóa hoa đổi màu, hoa ướp tươi lên thành hơn 60 bức tranh hoàn chỉnh, bán bức tranh cao nhất có giá 25 triệu đồng, kích thước 2m x 1,8m; bức tranh bán thấp nhất có giá gần 01 triệu đồng, kích thước 0,6m x 0,4m. Trong hơn 60 bức tranh bán hết trong năm 2011 này, chiếm hơn 70% người mua là khách hàng Đà Lạt và các vùng miền trong nước; 30% người mua còn lại là khách du lịch nước ngoài. Tranh bán không có treo ở cửa hàng, cửa hiệu ở phố chợ hay ở khu du lịch nào, nên người mua tranh thường đặt hàng trước hoặc trực tiếp tìm đến nhà riêng của ông Hóa (nằm giữa rừng hoa hồng Vạn Thành, Đà Lạt) để chọn mua.  
Trước đó trong năm 2010 với giá bán tương đương như trong năm 2011, ông Hóa đã bán tại nhà hơn 200 bức tranh hoa ướp tươi nguyên màu. Lý giải năm 2011, có thêm số tranh hoa đổi màu, nhưng doah số bán chưa bằng 1/3 số tranh bán năm 2010, ông Hóa nói rằng do ông tập trung nhiều thời gian để thử nghiệm, đối chứng kỹ thuật đổi màu hoa theo ý muốn đối với các loài hoa hồng nói riêng và tất cả những loài hoa Đà Lạt nói chung.
Bên cạnh sản phẩm ướp hoa giữ tươi lâu bền đã đưa vào kỷ lục Việt Nam nói trên, sản phẩm đổi màu hoa theo ý muốn đã chứng tỏ một bước đột phá mới của “phù thủy hoa” Nguyễn Công Hóa. Ông Hóa tiết lộ đây là kỹ thuật tạo sự đột biến phần sống còn lại của hoa sau khi cắt cành mà ông đã phát hiện ra. Theo đó, bất kỳ loài hoa nào cắt cành từ vườn đưa vào nhà, qua bàn tay “phù thủy” của ông đều thay đổi hoàn toàn thành sắc màu khác hoặc pha trộn với nhiều sắc màu mới theo ý muốn của người chơi hoa. Sau đó, tùy từng sở thích của khách hàng, có thể đưa hoa đổi màu về nhà cắm trong bình nước bình thường hoặc đặt hàng thêm một gian ngắn nữa để ông Hóa ướp tươi lâu dài rồi ghép lên phối cảnh tranh hoa đa chiều. “Ghép lên tranh, không chỉ có hơn mười loài hoa ướp tươi nguyên màu hoặc ướp tươi đổi màu, còn có nhiều chất liệu khác như mảnh vỏ cây, mảnh gỗ thông nhỏ bằng đầu đũa, cùng ép tươi với những loài lá cỏ dại khác của Đà Lạt…”- “phù thủy hoa”  Nguyễn Công Hóa cho biết thêm.
Cũng theo “phù thủy hoa”  Nguyễn Công Hóa, có những bức tranh hoa khổ lớn, khá nhiều đường nét phoối cảnh đất trời, ông Hóa vừa ướp hoa vừa ghép lên tranh đến mấy tháng trời mới xong. Nhưng với những tranh hoa khổ nhỏ và vừa, “bàn tay vàng” của ông Hóa chỉ ghép hoa mấy ngày là xong. Nền tranh bằng chất liệu vải may mặc loại tốt, ghép lên trên với hơn chục loài hoa ướp tươi nguyên màu hoặc đa sắc màu mới, nên tranh vừa có hình thức đẹp sống động, lạ mắt, vừa có thể giữ độ bền đến hàng chục năm sau.  Nhớ lại hồi dịp Festival hoa năm 2007, “phù thủy hoa”  Nguyễn Công Hóa trưng bày 3 bức tranh hoa ép tươi đầu tiên, đã gặp khách hàng nước ngoài lên đặt liền giá mua mỗi bức hơn 20 triệu đồng. Đó là bức tranh vườn hoa hồng, hoa sứ, hoa cẩm chướng, phủ lên một căn gác gỗ nho nhỏ, thấp thoáng phía sau, ước tính mỗi bức tranh ghép lên hơn 300 cành hoa các loại này. 

Đến năm 2009, ông Hóa ghép một bức tranh mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với 1.000 đóa hoa ướp tươi các loại ở làng hoa Vạn Thành, Đà Lạt, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là bức tranh với số lượng hoa nhiều nhất Việt Nam. Phong cảnh của bức tranh kỷ lục này là toàn cảnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt năm 60 của thế kỷ trước.
Dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2012 tới, dù chưa có đủ điều kiện thời gian chuẩn bị để làm bức tranh hoa xác lập kỷ lục về số lượng hoa mới, nhưng “phù thủy hoa”  Nguyễn Công Hóa sẽ “trình làng” khoảng 300 bức tranh hoa đổi màu ướp tươi cùng 300 sản phẩm hoa đổi màu nguyên cành, tiếp tục thể hiện sự say mê của ông đối với nghề trồng hoa và giữ hương sắc lâu bền cho hoa Đà Lạt.
Đà Lạt tháng 10/2011