Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Tôn tạo đình làng

VĂN VIỆT
Qua giới thiệu của Chủ tịch xã Phú Hội, Đức Trọng ( Lâm Đồng), tôi được trò chuyện với cụ già 81 tuổi, người góp công tích tôn tạo đình làng Phú Hội. Đình làng cũng đã tồn tại hơn 80 năm, đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Cụ già tên là Trần Ngọc Bích; người gốc Quảng Ngãi, vào định cư trên đất Phú Hội, Lâm Đồng đã hơn nửa thế kỷ. Năm 2001, UBND xã Phú Hội ra quyết định thành lập Ban Hương tự ( quản lý nghĩa trang, đình làng) với gần 10 thành viên, cụ già Bích được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban. Theo tài liệu biên soạn của Ban Hương tự, đình làng Phú Hội ra đời vào năm 1928, do một người thợ  mộ thủ công đến từ Bình Định tên là Đinh Văn Kính lập nên. Bấy giờ núi rừng hoang vu, số dân trong nước di cư đến làng làm ăn chưa quá 30 hộ gia đình. 
Ban đầu trưởng làng Đinh Văn Kính quyết dựng lên đình làng bằng vách nứa lợp mái tranh, tọa lạc giữa rừng gỗ sao cổ thụ. Đến năm 1946, đình làng được nâng cấp thành ba gian thờ liên kế, kết cấu xây tường gạch, mái lợp ngói, cột trụ bằng gỗ sao. Giữa vùng đất lạ, đình làng ra đời là chỗ dựa tâm linh cho những người tứ xứ quây quần với người bản địa. Qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đình làng Phú Hội vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, vừa là nơi vận động, tập hợp quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng. Những người đầu tiên đến lập làng và đình Phú Hội đã trở thành cán bộ chiến sĩ cách mạng lập nhiều chiến công như Đinh Văn Hội ( con trai của người lập làng Đinh Văn Kính), Cao Kỳ Nguyên ( người vợ là liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân); Vũ Văn Tường, Võ Quang Sằn, Trương Công Phú, Đinh Văn Lợi…
Suốt bề dày chống giặc ngoại xâm gần 80 năm, dân làng Phú Hội luôn chọn ra một người trưởng làng gánh vác việc tu sửa giữ đình. Cụ già Trần Ngọc Bích là người trưởng đình thứ 6 của làng. Từ đó đến nay, sự nhiệt tình của cụ già Bích, đình làng Phú Hội không ngừng được đầu tư nâng cấp, tạo thêm không gian thuận lợi cho việc giáo dục lịch sử văn hóa gắn với sinh hoạt tín ngưỡng của làng. Với ý nghĩa ngưỡng vọng thiêng liêng, cụ già Bích cùng những thành viên trong ban hương tự vận động dân làng Phú Hội cùng công đức xây dựng đình làng. 
Tùy lòng hảo tâm, tùy khả năng của từng nhà, đình làng luôn được trùng tu, sửa sang khang trang hơn. Hàng năm huy động bình quân khoảng hàng chục triệu đồng; đặc biệt có năm huy động lên đến 200triệu đồng. Ước tính từ năm 2001 đến nay với nguồn vốn huy động hơn 500triệu đồng, đình làng đã nâng cấp, xây dựng mới hoàn chỉnh các công trình nhà thờ chánh điện thờ thần hoàng bổn xứ; nhà thờ tả- hữu thờ các bận tiền hiền khai khẩn lập làng; thờ anh linh các liệt sĩ đã hy sinh bên đình làng Phú Hội này…
Hiện nay đình làng Phú Hội đã được nhà nước cấp quyền sử dụng đất trên diện tích rộng gần 2.500 mét vuông. Hàng năm bên cạnh những ngày lễ, tết là một ngày giỗ chính- ngày giỗ tiền hiền của đình làng vào ngày 16 tháng 8 âm lịch. Hàng ngàn người Phú Hội đang sinh sống trong và ngoài địa phương tụ hội về đình dâng lễ. Cụ già Trần Ngọc Bích bảo rằng ngày giỗ tiền hiền ở đình làng là dịp thể hiện sự tri ân của người đi sau đối với người đi trước đã không tiếc mồ hôi, xương máu để dựng nên làng Phú Hội ngày nay.
Tháng 9.2008