Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Thiết thực bảo tồn và phát triển làng nghề

VĂN VIỆT
Hơn hai năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều thức bảo tồn gắn với phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn, bước đầu đạt được những kết quả thiết thực.

Theo đó, với  tổng nguồn vốn hơn 3,4 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 1,1 tỷ đồng), Chi cục đã mở 03 lớp đào tạo nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Chu Ru ở huyện Đơn Dương gồm nghề đúc nhẫn bạc thôn Ha Wai, xã Tu Tranghề gốm ở thôn Grăng Gọ, xã Pró. Sau đó với hơn 30 học viên ra nghề đều được hỗ trợ nguyên liệu bạc để tiếp tục phát triển sản xuất, tăng thu nhập gấp 2 - 4 lần so với lao động thuần nông, cá biệt có hộ ông Ya Tuất mang về thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Chi cục còn tổ chức 05 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ các loại bệnh gây hại con tằm giống mới cho các làng nghề huyện Đạ Tẻh. Tương tự như làng hoa Thái Phiên, phường 12 ( Đà Lạt) và làng nghề dâu tằm tơ tại thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), các làng nghề nuôi tằm ở huyện Đạ Tẻh cũng  được Chi cục hỗ trợ để phát triển theo các tuyến du lịch tại địa phương.  
Trong cùng thời gian trên, Chi cục còn thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ đáng kể cho việc bảo tồn gắn với phát triển các làng nghề ở các vùng nông thôn Lâm Đồng. Đó là tư vấn thành lập mới và công nhận các làng nghề làm rượu cần Bon Langbiang, thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương); trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ ở khu phố Đông Anh 3 và Đông Anh 5, thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) và ở thôn 1, 2, xã Đạ Kho (Đạ Tẻh); dệt thổ cẩm thôn 3, xã Lộc Tân ( Bảo Lâm)… Ngoài ra, Chi cục đã hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất hoa công nghệ cao gồm: 04 kho lạnh, màng lợp ni lông chất lượng capo, bao bì sơ chế, bảo quản giống hoa cắt cành tại 03 làng hoa Thái Phiên, Hà Đông và Vạn Thành ở Đà Lạt. Đặc biệt đã tổ chức 02 đợt tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh đối với  các sản phẩm như: nhẫn bạc đúc của người đồng bào dân tộc Chu Ru tại xã Tu Tra (Đơn Dương), tranh cưa lọng, bút lửa (Đà Lạt), rượu cần Bon Lang Biang ở thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương), tranh bướm Ánh Kim tại xã Lộc Châu (Bảo Lộc)...
Từ những kết quả đạt được nêu trên, ông Nguyễn Văn Châu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, minh họa thêm: “ Chi cục đã thực hiện bảo tồn và khôi phục 01 nghề truyền thống, đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn phát triển mới 05 làng nghề, nâng tổng số lên 28 làng nghề trong toàn tỉnh Lâm Đồng; hỗ trợ phát triển 08 làng nghề gắn với các điểm và tuyến du lịch... ’’
THANG 4/2016