VĂN VIỆT
Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam
đã và đang hoàn thành quy trình sản xuất lúa giống lai đầu tiên ở xã Đạ Đờn và
xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, mở ra những triển vọng mới về nâng cao thu nhập gấp
nhiều lần cho người nông dân.
Vừa tập huấn vừa sản xuất
Lâm Đồng là một trong 11 tỉnh, thành của cả nước được
chọn xây dựng mô hình theo Dự án “Duy
trì và sản xuất hạt giống bố, mẹ của một số giống lúa lai 2 và 3 dòng phổ biến
cho năng suất và chất lượng cao” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì. Bước
vào vụ sản xuất đông xuân năm 2015- 2016 tại tỉnh Lâm Đồng, Dự án giao cho Chi
nhánh Trại Giống cây trồng Lâm Hà (Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam)
thực hiện trên 7 ha mô hình với 7 hộ nông dân ở xã Đạ Đờn và xã Tân Văn tham
gia. Có 3 giống lúa lai được đưa vào sản xuất mô hình ở đây gồm giống mẹ Nhị
II32A, BoA và giống bố R 182 NC. Thời điểm gieo cấy sớm nhất vào ngày
03/11/2015. gieo cấy sau cùng vào ngày 10/12/2015. Trong quá trình sản xuất,
đội ngũ kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, tay nghề cao của Chi nhánh gồm 4 người được
phân công trực tiếp tập huấn, hướng dẫn toàn bộ quy trình kỹ thuật cho nông dân
thực hành trên đồng. Nông dân được chọn tham gia mô hình đều là những người có
trình độ thâm canh cao, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất hạt giống lúa lai, khả
năng tiếp cận nhanh và thực hiện hiệu quả các công đoạn canh tác do đội ngũ kỹ
sư của Chi nhánh hướng dẫn, chuyển giao. Không chỉ riêng 7 hộ nông dân thực
hiện mô hình, mà còn có hơn 120 lượt người nông dân ngoài mô hình đã cùng tham
gia 2 đợt tập huấn của Chi nhánh tổ chức với các nội dung: về điều kiện cách
ly, kỹ thuật gieo mạ, cấy giống, chăm sóc, tưới tiêu, phòng chống bệnh
hại...trước khi gieo mạ; và cách phân hóa đòng, kỹ thuật phun GA3, gạt phấn,
khử lẫn, thu hoạch, giao nhận…trong thời kỳ lúa bắt đầu trổ đòng.
Vừa tập huấn vừa canh tác trên đồng ruộng mô hình của
mình, từng hộ nông dân ở xã Tân Văn và xã Đạ Đờn đã nhanh chóng nắm bắt, thực
hành đầy đủ quy trình kỹ thuật của Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam,
đạt những kết quả khả quan. Đó là giai đoạn ngâm ủ giống lúa bố 10kg/ha từ
24-32 giờ và giống lúa mẹ 30kg/ha từ 12- 14 giờ. Sau đó gieo hạt nẩy mầm với
mật độ 1kg lúa giống/2,5-3m². Thường xuyên tưới nước để giữ ẩm. Pha loãng phân
DAP tưới mạ từ 5- 6 ngày tuổi và phân NPK tưới mạ 10 ngày tuổi. Tiến hành cấy
xuống ruộng khi mạ được 15- 17 ngày tuổi. 1 ngày trước khi cấy, trung bình trên
mỗi hecta, bón 500kg phân lân và 500kg vôi. Trong các giai đoạn chăm sóc lúa
phân hóa đòng, sau khi gạt phấn, nuôi hạt…, bón thêm tất cả 300kg phân urê và
270kg phân kali. Đặc biệt, nông dân đã chủ động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
đạt hiệu quả cao như: rải thuốc toxbait và phun thuốc dioto đề phòng trừ dịch
vụ ốc bươu vàng; phun thuốc sofit 300SC diệt trừ cỏ nẩy mầm; phòng trừ bệnh đạo
ôn, lép hạt bằng thuốc amistar top 325SC…Ngoài ra, nông dân còn thực hiện thụ
phấn bổ sung đúng kỹ thuật giữa từng hàng cây lúa giống bố và từng hàng cây lúa
giống mẹ bằng cách kéo dây gạt 5-6 lần/ngày…
Lợi nhuận lúa giống lai gấp 3-4 lần lúa
lương thực
Trên 7 ha mô hình sản xuất lúa giống lai ở Lâm Hà tuân
thủ đầy đủ quy trình nêu trên, nông dân được thu hoạch đợt đầu tiên vào cuối
tháng 3/2016; dự kiến 2 đợt thu hoạch còn lại sẽ kết thúc trong trung tuần tháng
4/2016. Chi nhánh Trại Giống cây trồng Lâm Hà ước tính năng suất đạt từ 1,8- 2
tấn/ha đối với giống lúa mẹ nhị II32A,
mẹ BoA và khoảng 5 tấn/ha đối với giống lúa bố R 182 NC. Chi nhánh bao tiêu
toàn bộ sản lượng lúa giống lai của nông dân xã Đạ Đờn và xã Lâm Hà với “quy
đổi” 1 kg lúa bố R 182 NC, giống mẹ BoA và
giống mẹ nhị II32A lần lượt bằng
2kg, 6kg và 8 kg lúa lương thực, kết quả
hạch toán mức lợi nhuận sản xuất lúa lai 3 dòng này cao hơn sản xuất lúa lương
thực từ 3- 4 lần.
Chi nhánh Trại Giống cây trồng Lâm Hà phân tích những
yếu tố đưa đến kết quả trong vụ đông xuân 2015- 2016 sản xuất giống lúa lai ở
xã Đạ Đờn và xã Tân Văn là đã chủ động bố trí thời điểm gieo cấy để cách ly
thời gian, không gian đúng quy định; ruộng giống, hạt giống được kiểm định,
kiểm nghiệm, đạt chất lượng cao; vật tư được phân phối đúng số lượng, đảm bảo
tiến độ sản xuất. Với cán bộ kỹ thuật của Chi nhánh luôn theo sát diễn biến
trên đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn nông dân xử lý tình huống phù hợp. Với
người nông dân được tập huấn đầy đủ kỹ thuật chăm sóc ở các khâu quan trọng như
khử lẫn, xử lý trùng khớp, phun GA3, gạt phấn…
Hiện tại, Chi nhánh đang đề xuất Trung tâm Khuyến nông
Quốc gia mở rộng diện tích sản xuất lúa giống lai trong những vụ mùa tới trên
đất Lâm Hà với những lợi thế về “thiên thời, địa lợi…” đã cho thấy trong vụ mùa
vừa qua, nhằm tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người nông dân địa phương,
góp phần chủ động nguồn giống lúa lai sản xuất trong nước đạt chất lượng và giá
trị cao, đủ khả năng cạnh tranh với các nguồn giống lúa lai nhập khẩu từ các
nước có nền nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới./.
THANG 4/2016