Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Cà phê không đỏ đất

VĂN VIỆT
Hộ gia đình ông Phạm Văn Hoán ở thị trấn Nam Ban, Lâm Hà đã và đang thực hành các biện pháp canh tác cà phê hạn chế các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Đặc biệt, dưới mỗi hàng cây cà phê đều không để sạch cỏ, đỏ đất, nhằm giữ độ ẩm và tránh xói mòn.

“Đổi màu đất” bằng lá cây
Giữa tháng 4/2016, vùng nông nghiệp Nam Ban, Lâm đang trong thời điểm nhiệt độ nắng nóng lên cao, nhưng vườn cà phê gần 1ha của chủ nhân Phạm Văn Hoán vẫn xanh mướt, từng chùm trái đậu san sát trên cành. Vườn cà phê trải dài theo địa hình thoai thoải, phân bổ thành 5 lô kết nối với nhau bằng đường đất giao thông nội bộ rộng khoảng 1m, thuận lợi cho xe máy hai chiều vào - ra vườn chăm bón mỗi ngày. Trong vườn có hai màu đất tương phản. Màu nâu đỏ bazan “nguyên bản” của đất đường đi và màu nâu đen “trải thảm” dưới tán cây cà phê. Tôi thắc mắc trước “hiện tượng” này, ông Hoán chia sẻ: “ Hộ gia đình tôi được Dự án Biến đổi khí hậu Việt Nam chọn sản xuất cà phê theo mô hình điểm cho cả vùng Tây Nguyên. Đến nay đã qua hơn 2 năm thực hành đầy đủ theo quy trình của Dự án. Trong đó thay vì diệt cỏ dại bằng thuốc hóa học cực mạnh hoặc bằng máy cày, máy băm như trước đây, thì hàng ngày, hộ gia đình chúng tôi gom lá khô rơi tự nhiên để trải sắp lớp trên từng luống đất bám rễ cây cà phê. Tầng trên cao nhất có tán cây muồng, cây lúc lắc, các loại cây ăn quả, cây tiêu…che mưa che nắng cho cây cà phê. Nhờ vậy đất vườn cà phê chúng tôi trong mùa hạn nghiêm trọng năm nay không hề bị khô cháy; còn những tháng mùa mưa trước đó thì gần như mặt đất không bị rửa trôi, xói mòn…”
Hiện vườn cà phê của ông Hoán đã bước sang năm tuổi thứ 13, tất cả đều trồng cùng giống cà phê chè catimor, mật độ trung bình 850 cây/ha. Tuân thủ kỹ thuật chuyển giao của Dự án nói trên, bên cạnh việc “đổi màu đất” bằng cách thường xuyên phủ thực bì lá khô, thì cứ sau một vụ thu hoạch, ông Hoán còn tiến hành tỉa cành, tạo tán thông thoáng, giữ chiều cao trung bình của cây cà phê khoảng 1,2m. Những cành nhánh phát triển yếu ớt, ra hoa, đậu trái năng suất thấp của mùa trước đều nhanh chóng chặt bỏ, dành lại dinh dưỡng để nuôi những cành nhánh phát triển khỏe mạnh hơn. Tiếp theo dùng cuốc “khơi” hết lớp thực bì bên trên rồi đào thành đường rãnh sâu dưới mặt đất khoảng 20cm, sau đó rải đều phân bón xuống trước khi san lấp lại bằng phẳng như nguyên trạng ban đầu. Đến công đoạn bơm nước lên từ giếng khoan rồi tưới trực tiếp lên luống cây, nhằm hòa tan phân bón ngấm vào toàn bộ bộ rễ, giúp cà phê nở hoa đều khắp và đậu trái đồng loạt. 
Trong 2 tháng mùa khô vừa qua, ông Hoán chỉ tưới 2 lần cho vườn cà phê, tổng lượng nước khoảng hơn 200- 300lít nước/cây. Trong khi đó, những hộ nông dân canh tác theo biện pháp thông thường ( không trồng cây che bóng, dùng thuốc diệt sạch cỏ, giữ nguyên màu đất đỏ) ở vùng Tây Nguyên nói chung phải tưới lượng nước nhiều hơn vườn của ông Hoán tưới từ gấp 3- 4 lần mới giữ được cây cà phê không bị khô héo.   
Thích ứng với 2 tầng sinh thái
Cách đây 7- 8 năm, ông Hoán đã chủ động gieo ươm, trồng 40 cây bơ xen canh trên diện tích gần 1 ha cà phê của mình. Sau này, khi thực hiện theo mô hình Dự án Biến đổi khí hậu Việt Nam, ông Hoán được hỗ trợ trồng thêm 60 cây bơ nữa, nâng tổng số lên thành 100 cây. Mỗi cây bơ đang phát triển chiều cao trung bình từ 3,5- 4m, phủ rộng cành tán che bóng, chắn gió cho cây cà phê với đường kính từ 3- 4m. Hai năm qua, số cây bơ cho quả kinh doanh chiếm tỷ lệ 50%, ước doanh thu mỗi năm hàng chục triệu đồng. Riêng cây muồng, cấy lúc lắc, ông Hoán trồng 30 cây với chiều cao đạt hơn 3m, cành tán “xòe” ra 4 bên rộng cũng hơn 3m. Mỗi cây rừng này cũng có “chức năng kép”. Đó là vừa che bóng cho cây cà phê và vừa làm trụ cho 2 cây tiêu bám dây leo lên, đâm cành nẩy lá, đến kỳ sẽ cho hoa, kết trái cho chủ vườn tăng thêm thu nhập.
Như vậy, tính riêng hơn 2 năm thực hiện Dự án vừa qua, hộ gia đình ông Hoán đã và đang cải tạo hoàn thành 2 tầng sinh thái giúp cây cà phê giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Cụ thể là tầng cây ăn trái, cây rừng để che bóng, chắn gió phía trên cao; cùng tầng phủ lá, tủ gốc cây phía bên dưới mặt đất. Kết quả tạo ra môi trường sinh thái phù hợp, giúp cây cà phê của ông Hoán ngăn chặn đáng kể tác hại của sương muối, đề kháng hữu hiệu các loại bệnh “trầm kha” nhất như ve sầu, tuyến trùng phá hoại rễ; sâu đục thân…Ngoài ra còn bổ sung dinh dưỡng chất hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất, hàng năm tiết kiệm lượng phân bón, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính vì hầu như không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nồng độ cao…
Đối chứng với sản lượng cà phê chè catimor của ông Hoán trước và sau khi thực hiện Dự án đã tăng từ 17tấn tươi/ha/năm lên khoảng 23- 24 tấn tươi/ha/năm (quy đổi tỷ lệ 5kg trái tươi bằng 1kg hạt nhân khô). Tại hội thảo “sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa tổ chức tại Đà Lạt, nông dân Phạm Văn Hoán được “đăng đàn” cho biết, vườn cà phê canh tác theo quy trình bền vững của ông, đã tiếp đón khoảng 50 hộ gia đình nông dân trồng cà phê ở khu vực Nam Ban, Lâm Hà đến tham quan, tìm hiểu. Mỗi hộ gia đình đang sản xuất từ 0,3- 2 ha cà phê chè và cà phê vối các loại trong thời kỳ kinh doanh. Tại vườn mô hình, ông Hoán đã nhiệt tình giới thiệu, chuyển giao đến từng người sản xuất cà phê về kỹ thuật mới kết hợp với kinh nghiệm thực tế của mình./.  
THANG 4/2016