Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Hướng đến chất lượng đàn bò thịt cao sản ở Lâm Đồng

VĂN VIỆT
Hướng đến việc nâng cao chất lượng đàn bò thịt cao sản địa phương có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm bò thịt nhập khẩu, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần nhanh chóng triển khai các biện pháp kỹ thuật lai tạo giống mới, mở rộng đồng cỏ và nhân rộng mô hình chăn nuôi công nghiệp…

Phát triển đàn bò thịt theo chiều sâu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, vùng cao nguyên Lâm Đồng có nhiều lợi thế về điều kiện đất đai tự nhiên, khí hậu phù hợp để phát triển đàn bò thịt, nhất là đàn bò thịt cao sản, tập trung ở địa bàn 9 huyện trong tỉnh là: Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Trong 5 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng bình quân gần 19%, trong đó chăn nuôi đàn trâu, bò chiếm tỷ trọng 20%. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu phát triển đàn bò sữa tăng nhanh thì diện tích đồng cỏ thức ăn cho đàn bò thịt giảm dần, người nông dân đầu tư máy móc cơ giới thay cho sức kéo trâu, bò phục vụ sản xuất và vận chuyển sản phẩm nông nghiệp ngày càng phổ biến, dẫn đến số lượng đàn bò thịt liên tục giảm bình quân mỗi năm 2,4%. Như năm 2011, đàn bò thịt ở Lâm Đồng với 70.000con, tổng sản lượng 5.521tấn thì đến hết năm 2015 giảm xuống còn 63.276 con với 4.554tấn thịt.
Qua đánh giá, mặc dù tình hình chăn nuôi bò thịt Lâm Đồng giảm đáng kể về số lượng, nhưng bên trong đó, người nông dân đang tập trung phát triển sản xuất theo hướng “chiều sâu chất lượng”, thực tế đã đạt tỷ lệ khoảng 60% giống bò lai cao sản Zêbu trên tổng đàn. Điều này còn cho thấy, đàn bò lai Zêbu đã chứng tỏ khả năng thích nghi với các môi trường sinh thái khác nhau của Lâm Đồng, và là nguồn “giống nền” mở ra triển vọng lai tạo với nhiều giống bò thịt cao sản khác như: Blanc Blue Begium (BBB), Red Angus, Droughmaster…Đến nay, quy mô chăn nuôi bò thịt cao sản ở Lâm Đồng đạt tiêu chí trang trại có 06 cơ sở; chiếm phần lớn số hộ gia đình nuôi từ 4- 6 con; còn lại chiếm phần nhỏ số hộ gia đình nuôi phân tán, nhỏ lẻ …
Mục tiêu 100.000 con bò thịt cao sản
Mục tiêu của Lâm Đồng đến năm 2020 nâng quy mô tổng đàn bò thịt lên 100.000 con, trong đó chiếm 75% đàn bò lai cao sản Zêbu và 25% đàn bò lai cao sản các giống Red Angus, Droughmaster, Blanc Blue Begium (BBB)…Bước đi đầu tiên, từ nay đến tháng 12/2016, Lâm Đồng xây dựng 15 mô hình chăn nuôi với quy mô 10 con bò cái lai Zêbu/mô hình, triển khai thí điểm ở 4 huyện Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà và Cát Tiên. Đến năm 2017 trở đi sẽ tổ chức đánh giá sơ kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trên 5 huyện còn lại gồm: Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Bên cạnh đó, để đáp ứng đủ nhu cầu về thức ăn thô xanh tương đương 1triệu tấn/năm cho đàn bò thịt cao sản trên địa bàn, cũng trong cùng thời gian vừa nêu, Lâm Đồng sẽ tăng tổng diện tích trồng cỏ, cây thức ăn thô xanh lên 4.000ha ( trong đó vận động nông dân phát triển mới 2.500ha chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả tại các khu vực bãi bồi, ven suối…), đồng thời tích cực tận dụng thêm các nguồn thức ăn hiện có tại chỗ như: cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp…Riêng những hộ gia đình cận nghèo và nghèo, được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua 155 con bò cái lai Zêbu từ 12 tháng tuổi trở lên, nhằm tạo bước đột phá về thu nhập. 
Về việc lai tạo bò thịt cao sản trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng là đơn vị tổ chức thực hiện giám định, bình tuyển bò cái nền lai Zêbu để thụ tinh nhân tạo qua hệ thống trang thiết bị, dụng cụ được đầu tư mới. Kết quả đàn bò sẽ lai tạo mới gồm các giống Droughmaster, Red Angus và Blanc Blue Begium (BBB) với trọng lượng đạt hơn 280kg/con chọn nuôi lấy thịt hoặc chọn nuôi làm giống. Dự kiến nguồn nhân lực ( làm nhiệm vụ hướng dẫn người sản xuất áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, tiến hành thụ tinh nhân tạo các giống bò cao sản…), được tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề với 55 kỹ thuật viên trong tỉnh Lâm Đồng; “cử tuyển” 2 cán bộ chuyên trách sang Vương quốc Bỉ đào tạo; ngoài ra còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn khác cho 65 lượt “tiểu giáo viên” và khoảng 40 người nông dân/lớp với các nội dung về công tác quản lý giống bò, chuyển giao thực hành quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cao sản đến từng hộ gia đình.
Đồng hành với những giải pháp kỹ thuật nêu trên, Lâm Đồng cũng đã thống nhất triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định sản phẩm bò thịt. Theo đó, trước hết sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, xác định rõ các vùng khuyến khích chăn nuôi bò thịt tập trung theo quy mô trang trại hoặc bán thâm canh để hộ gia đình cùng các tổ chức kinh tế căn cứ thực hiện. 
Tiếp theo cần tạo mọi cơ chế thuận lợi nhất để tập hợp những hộ chăn nuôi với nhau thành các đầu mối tổ, nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã… liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bò thịt chất lượng cao từ khâu áp dụng quy trình sản xuất mới đến khâu phân phối ổn định đầu ra…
THÁNG 4/2016