Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Về Đơn Dương trồng atisô

VĂN VIỆT
Anh Lê Bảo Chấn, Giám đốc Công ty TNHH Atiso Đà Lạt Lâm Viên đã nghiên cứu, tìm mua các giống atisô mới từ châu Âu, châu Mỹ về trồng ở các vùng nông nghiệp huyện Đơn Dương, mang lại những kết quả khả quan bước đầu. Dù không trổ bông như các giống atisô trồng phổ biến ở Đà Lạt, nhưng bù lại, các giống atisô mới trồng ở Đơn Dương đều đạt năng suất thu hoạch lá, thân, rễ tăng cao hơn khoảng 1,5 lần.  

Khảo sát thị trường để chọn giống atisô mới
Năm nay vừa tròn 30 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Atiso Đà Lạt Lâm Viên ( xã Ka Đơn, Đơn Dương), anh Lê Bảo Chấn sau khi tốt nghiệp cử nhân tài chính - marketing đã có nhiều năm làm công việc quản lý, kết nối hàng ngàn khách hàng thường xuyên của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành dệt may và viễn thông với quy mô lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. “Qua một thời gian phụ trách việc xây dựng, phát triển thị trường cho từng sản phẩm hàng hóa cạnh tranh của doanh nghiệp với mức lương được nhận hàng tháng khá cao, bản thân cảm thấy đã đến lúc cần trở về quê hương Đơn Dương của mình để tiếp tục trải nghiệm trên lĩnh vực trồng trọt gắn với chế biến và tiêu thụ. May mắn được nhiều đồng nghiệp, khách hàng khích lệ, hỗ trợ bằng nhiều cách thức khác nhau, đến giữa năm 2014, công ty của mình đã chính thức đi vào hoạt động, hợp tác với nông dân Đơn Dương xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu atisô chế biến theo hướng ổn định, lâu dài…”, Chấn chia sẻ.
Theo đó, trước khi quyết định nghỉ hẳn công việc quản lý, phát triển đại lý khách hàng của các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Chấn đã tìm thấy những nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mới trong từng phân khúc thị trường cần được đáp ứng, trong đó có sản phẩm atisô có thể định canh mở rộng từ Đà Lạt về các vùng phụ cận nói chung, vùng quê Đơn Dương nói riêng. Ở đây với độ cao trên dưới 1.000m so với mặt biển ( thấp hơn Đà Lạt 500m), Chấn chủ động gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia trong nước để nghiên cứu, chọn tạo một loại hạt giống atisô nhập từ châu Âu, châu Mỹ về trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng. 
Đó là giống atisô trồng, thu hoạch lấy lá, thân, rễ, không lấy bông, nên đã rút ngắn thời vụ chính từ 9 tháng xuống còn 8 tháng so với giống atisô thông thường hiện đang trồng ở Đà Lạt. Vụ mùa atisô năm 2014- 2015, sau khi khánh thành các hạng mục nhà xưởng sản xuất, lắp đặt hoàn chỉnh dây chuyền chế biến khép kín với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, công ty của Chấn bắt tay triển khai hợp đồng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu atisô với hàng chục hộ nông dân ở các xã Tu Tra, Ka Đơn, Ka Đô, Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ, thuộc huyện Đơn Dương. Mỗi hộ sản xuất atisô liên kết với công ty từ 0,2 đến 0,7ha được chuyển đổi từ các diện tích trồng cây ngắn ngày ngoài trời.          
Trồng luân canh, thu “lợi kép”
“Khi đi vào sản xuất liên kết, thuận lợi là được ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương hỗ trợ 100% nguồn giống atisô mới cho nông dân”, Giám đốc Lê Bảo Chấn nói. Và những bước tuần tự trong suốt vụ mùa, công ty của Chấn tiến hành các phần việc thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng như: cung cấp đủ nguồn giống cây con, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thỏa thuận ngay từ khi xuống giống trồng mới. Phần trách nhiệm người nông dân cần bố trí diện tích đất sản xuất phù hợp, đảm bảo số lượng lao động theo yêu cầu, được mua phân bón hữu cơ theo hình thức trả chậm của công ty…Cụ thể, hàng tuần trên đồng atisô đều phân công kỹ sư nông nghiệp của công ty hướng dẫn trực tiếp từng hộ nông dân chăm sóc, nhận biết các triệu chứng bệnh hại và các áp dụng biện pháp phòng trừ, sau đó ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký để làm cơ sở thực hành sản xuất trong tuần tiếp theo. Kết quả thu hoạch vụ atisô liên kết đầu tiên trên địa bàn huyện Đơn Dương, nhà nông đạt năng suất trên mỗi hecta từ 130 – 150 tấn lá tươi và hơn 10 tấn thân, rễ. Qua giá bao tiêu ổn định của nhà doanh nghiệp ( công ty của Chấn), ước số lãi người nông dân đạt được khoảng 200 triệu đồng/ha. Nếu tính thời gian sản xuất cả năm thì sau vụ atisô này, nông dân có thể trồng luân canh để thu hoạch các loại rau ngắn ngày khác, tăng thêm một khoản thu nhập đáng kể nữa.
Thống kê trong năm thứ nhất hoạt động, nhà máy của Chấn đã chế biến gần 1.500 tấn nguyên liệu atisô tươi ở Đơn Dương, cho ra đa dạng dòng sản phẩm cao atisô dạng lỏng, loại 10ml, 50ml, 70ml... Đối tác tiêu thụ tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng hệ thống khách 3 sao trở lên ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Nói về mục tiêu phía trước, Giám đốc Lê Bảo Chấn cho biết: “Đến tháng 6/2016, công ty sẽ khai trương 2 chi nhánh phân phối sản phẩm atisô chế biến ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đồng thời hợp tác với nông dân Đơn Dương tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng rau, màu ngoài trời đạt hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây atisô giống mới, chỉ thu hoạch lá, thân và rễ, cố gắng đến đầu năm 2017 ổn định tổng diện tích vùng nguyên liệu atisô chế biến tại địa phương từ 12- 15ha…”./.
THÁNG 4/2016