VĂN VIỆT
Nông dân
Nguyễn Văn Sáu ở thôn 3, xã Quốc Oai (Đạ Tẻh) đã vượt khó nghiên cứu, nhân
giống thành công cây điều ghép khá thích nghi với hai mùa mưa - nắng trên các
vùng đất đồi cao ở các huyện phía Nam Lâm Đồng. Kết quả này giúp ông Sáu bước
lên vị trí là một trong những người sản xuất điều giỏi toàn quốc do Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Từ việc chọn cây điều năng suất vượt
trội
Qua Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng “làm cầu nối”,
tôi được tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Sáu, một nông dân sản xuất điều giỏi cả
nước, hiện định cư tại thôn 3, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh. Ông Sáu nguyên là bộ
đội tình nguyện ở chiến trường Campuchia xuất ngũ về nước từ năm 1981, chuyển
ngành làm nghề sản xuất cây cao su ở Nông trường Phú Riềng, tỉnh Sông Bé ( Bình
Dương ngày nay). Đến năm 1987, cơ chế thị trường bắt đầu thâm nhập, phát huy
tính tự chủ của kinh tế hộ gia đình nói riêng, của các thành phần kinh tế nói
chung, ông Sáu được nhiều mối quan hệ quen biết “dẫn đường” tìm về địa bàn xã
Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh để chuyển đổi cây trồng mới. “Bấy giờ địa bàn xã Quốc
Oai cách thị trấn Đạ Tẻh ( trung tâm huyện Đạ Tẻh) chỉ hơn 10 cây số, nhưng chỉ
theo vết xe ben mà đi vì chưa có đường. Để tự cung tự cấp được lương thực tại
chỗ, gia đình tôi được phép khai phá một khu vực đất đồi cao, dày đặc những bụi
cỏ tranh nối liền với.. cỏ tranh. Hết ngày này qua ngày khác, gia đình tôi tay cuốc,
tay dao rựa phát dọn, đào đắp từng luống đất chờ mưa xuống để gieo hạt trồng
lúa rẫy. Rồi nghĩ đến cây dài ngày ở vùng đất mới này, nhiều người chọn cây cà
phê, cây keo lá tràm…thì gia đình tôi quyết định chọn cây điều. Tôi qua tỉnh
Bình Phước nhờ người quen mua hơn 200 hạt giống điều về trồng đồng loạt trên
1ha xen với cây lúa rẫy…”- ông Sáu kể lại.
Dù toàn bộ 1 ha cây điều được hộ gia đình ông Sáu tích
cực chăm sóc bằng việc học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nhiều năm của những hộ gia
đình đi trước làm mô hình ở tỉnh Bình Phước, nhưng chỉ thu hoạch được 2 vụ đầu
tiên chưa thể thu hồi đủ vốn, cộng với công sức lao động bỏ ra thì gặp tình
trạng mất mùa. Ông Sáu nhận định, do địa hình đất đồi cao khoảng hơn 50m so với
mặt đất bằng phẳng trồng lúa nước, nên khi gặp trời mưa cuốn theo sức với gió
trên cao, khiến phần lớn số cây điều trong thời kỳ ra hoa đậu trái đều rơi rụng
xuống đất. Nhưng rất may, ông Sáu phát hiện trong không gian 200 cây điều bỗng còn
lại một cây đột biến nổi trội, gặp nắng cũng ưa mà gặp mưa cũng chịu, đạt năng
suất từ 20- 25 kg hạt/năm. Không bỏ lỡ cơ hội, ông Sáu tự phân tích về từng đặc
tính sinh thái của cây điều thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tập trung
mày mò để chọn ra cách “nhân bản” đạt kết quả cao nhất.
Đến ghép tế bào và ghép đọt cây
Ông Sáu vận dụng kỹ thuật ghép cải tạo cây cao su (
tiếp cận từ hồi làm việc ở Nông trường Phú Riềng) để ghép cải tạo thử nghiệm
cho cây điều. Theo đó, vào năm 1993, ông Sáu tuyển lựa các mắt chồi của cây
điều thích mưa, ưa nắng nói trên để ghép vào phần thân gốc cây điều kém năng
suất trong vườn đất đồi cao của mình. Cách ghép này thường gọi là ghép tế bào. Mấy
tháng sau, ông Sáu mới hoàn chỉnh các công đoạn ghép tế bào với 10 cây thành
công. Đến các quy trình chăm sóc cây điều ghép mới này, ông Sáu chú trọng đến
các kích thước về chiều cao của đọt cây, chiều rộng của tán cây, khoảng cách
giữa cành với cành để đón lấy ánh nắng, đồng thời tiếp nhận đủ lượng nước trong
mùa mưa để nuôi bộ rễ…tương tự như cây thích mưa, ưa nắng làm mô hình duy nhất
trong vườn. Kết quả sinh trưởng đến năm thứ 4, thứ 5, lần lượt những cây điều
ghép mới đạt năng suất thu hoạch trái bói từ 5- 7 kg/cây/năm.
Chưa dừng lại, năm 1998, ông Sáu chuyển sang hình thức
ghép đọt để tiếp tục cải tạo vườn điều của mình. Cụ thể là ghép phần đọt mầm
của cây điều thích mưa, ưa nắng với phần
thân mầm của cây điều rụng hoa, rơi quả. Với cách tỉa cành, tạo tán như cây
điều ghép tế bào, đến 3 năm sau, tất cả 20 cây điều ghép đọt đã vào thời kỳ thu
trái bói, năng suất tăng lên từ 8- 10kg hạt/cây/năm. So với điều ghép bằng tế
bào thì thời gian chăm sóc, thu hoạch của cây điều ghép đọt ngắn hơn 1 năm. Tức
là từ năm thứ 4 trở đi, tính chung năng suất thu hoạch vườn điều ghép đọt của
ông Sáu sẽ tiếp tục tăng nhanh, trở thành vụ mùa chính hàng năm đạt trung bình
từ 2,5- 3 tấn hạt/ha. Vụ mùa điều năm 2016, ông Sáu ước tính với giá điều thị
trường 34.000đồng/kg thì trên diện tích 3ha đất đồi cao đã “nhân bản” trồng điều
ghép của mình, mang về thu nhập gấp nhiều lần so với trồng cây cà phê hoặc
trồng cây ăn quả khác. “Cây điều ghép của hộ gia đình trồng trên đồi cao, sinh
trưởng bằng nước trời và nắng trời, nên không tốn chi phí nhiên liệu bơm tưới,
ít tốn công lao động, có thể trồng xen thêm hoa màu ngắn ngày khác… ”-ông Sáu
nói.
Hiện nay, vườn điều của ông Sáu đã được Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Lâm Đồng bình tuyển 02 cây đầu dòng được đầu tư chăm
sóc với các biện pháp đặc biệt để nhân giống trên địa bàn 3 huyện phía Nam. Đánh
giá về việc chọn tạo giống điều ghép của ông Sáu, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm
Đồng cho biết: “ Giống điều ghép mới của ông Sáu sản xuất hàng năm cung cấp cho
bà con nông dân chuyển đổi các giống điều cũ, kém năng suất ở 3 huyện phía Nam
Lâm Đồng từ 3.000- 5.000 cây, kết quả thu hoạch sản phẩm hạt điều đều đạt năng
suất và đảm bảo chất lượng…” Được biết, để mua cây giống điều ghép thích mưa,
ưa nắng phải đặt hàng trước từ 4- 5 tháng, ông Sáu mới có đủ thời gian thực
hành chuẩn xác với các công đoạn ươm hạt, ghép chồi, chăm sóc bộ rễ khỏe mạnh,
thân và cành phát triển cân đối.../.
THANG 4/201