Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Đưa đương quy về phía chân trời


Ghi chép VĂN VIỆT
Từ vùng đất Nam Ban, Lâm Hà, hành trình xây dựng vùng dược liệu đương quy mênh mông về phía chân trời không may gián đoạn giữa chừng vì chủ nhân Lê Văn Biết đột ngột rời xa cõi trần. Phải mất sau đó vài tháng thời gian mới trở thành phương thuốc nâng đỡ tinh thần, giúp những cộng sự và người thân thuộc của nông gia quá cố Lê Văn Biết vượt qua nỗi đau sinh ly tử biệt, vững tâm tiếp bước đưa cây dược liệu đương quy theo hướng về phía chân trời nơi ấy bao la …

Bài 1, Thông thương đương quy ra phố
Dẫu ít nhiều cũng đã quen thuộc, nhưng khi đứng trước gian hàng của ông Biết thưởng thức những giọt rượu đương quy “cây nhà lá vườn” được nâng tầm đạt mức chất lượng sản phẩm hàng hóa mang lợi thế cạnh tranh so sánh của vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng, trong nghề phóng viên của tôi lại dâng dâng lên những niềm hy vọng mới.
Không chỉ là “nhân sâm” của phái đẹp
 Những ngày cuối năm 2017 diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ   VII, tôi đến hội chợ triển lãm thành tựu nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung tại Công viên Văn hóa đô thị Đà Lạt để theo lời hẹn gặp ông Lê Văn Biết, Giám đốc HTX Dược liệu Biết Lộc Thành ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà. Trước đó mấy ngày, ông Biết điện thoại cho tôi biết đã đăng ký tham gia một gian hàng trưng bày các sản phẩm dược liệu sản xuất và chế biến tại các vùng sinh thái đặc trưng của cao nguyên Lâm Đồng, trong đó chiếm phần lớn các sản phẩm “nhân sâm” đương quy.
Với diện tích gian hàng khoảng 10m2 do Ban Tổ chức hội chợ bố trí không thu tiền trong gần một tuần lễ diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII, Giám đốc Biết cùng với một vài nhân viên HTX Biết Lộc Thành giới thiệu và bán sản phẩm đương quy trực tiếp cho khách hàng gần xa với một mức giá chung 350.000 đồng/kg sấy khô và 180.000 đồng/kg tươi. Trưng bày và chào bán qua 2 ngày đầu hội chợ đã vơi hết lượng hàng tập kết lần đầu, Giám đốc Biết nhanh nhạy điều hành  cho người chở lên từ khu vườn vừa mới thu hoạch và chế biến tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh các khu vườn của hộ gia đình thành viên HTX tọa lạc trên cùng huyện Lâm Hà. Một khách hàng đến từ phương Nam lên du lịch Đà Lạt sau khi mua mấy ký sâm đương quy Lâm Đồng về sử dụng, đã chia sẻ cảm nhận với tôi: “ Đương quy trồng trên đất Lâm Đồng có nhiều đặc trưng khác biệt so với đương quy trồng các vùng miền khác trong nước và kể cả đương quy nhập khẩu…Cụ thể đương quy vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng với mùi thơm bốc lên rất đượm và nồng; hình dáng củ sâm đương quy đặc ruột, bộ rễ cuồn cuộn phủ đều quanh thân củ rất bắt mắt. Củ sâm đương quy ngâm hòa tan vào bình rượu dậy lên màu sóng sánh vàng ươm; phần lớn kích thước củ sâm đương quy bằng chiếc chai thủy tinh lớn, đồng đều vừa vặn một nắm tay… ”
Tôi cầm mấy củ sâm đương quy của Giám đốc Biết đem cân tại chỗ, ngay tức khắc mặt đồng hồ hiển thị từng củ nặng trên dưới 1,5 kg; cá biệt có củ nặng đến 2kg. Giám đốc Biết nói thêm: “ Sản phẩm sâm đương quy của HTX Dược liệu Biết Lộc Thành chúng tôi đã được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định các chỉ tiêu chất lượng dược tính đều đạt và vượt; khách hàng nhiều nơi trong nước thường xuyên đặt hàng mua về số lượng lớn để chế biến và phân phối đến người tiêu dùng sử dụng, đã phản hồi tích cực vì cảm nhận có tác dụng kích thích khả năng tiêu hóa, tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt nổi trội có tính ôn như theo ghi nhận trong đông y bổ huyết cho trẻ em và phụ nữ với mệnh danh là vị thuốc “nhân sâm” của phái đẹp…”
Hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đương quy
Thời điểm diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành đang vào mùa thu hoạch 7/15 ha đương quy của gần 25 hộ gia đình thành viên sản xuất trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Lạc Dương. Ước sản lượng đạt hơn 280 tấn đương quy tươi/năm. Tất cả sản phẩm đương quy của hộ gia đình thành viên thu hoạch, rửa sạch bằng máy bơm nước áp lực cao, hong khô vài ngày trong bóng mát rồi vận chuyển về cơ sở chế biến sấy bằng củi đốt của HTX Biết Lộc Thành trước khi cung cấp cho đối tác thu mua theo hợp đồng. Tỷ lệ chế biến thành phẩm đương quy hàng hóa trung bình từ 5- 6 sản phẩm tươi cho ra 1 sản phẩm khô.
Vào khoảng 3 tháng trước khi khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, tôi đến thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà ngồi bên Giám đốc Lê Văn Biết để nghe giới thiệu về hệ thống lò sấy khô thành phẩm đương quy khá khác biệt của HTX Dược liệu Biết Lộc Thành. Lò này do Giám đốc Biết lên thiết kế; người con trai Lê Văn Chiến thi công xây dựng bằng vật liệu cát, gạch, đất… hoàn thành dây chuyền đồng bộ từ khoang đốt lửa đến đường ống dẫn hơi nóng lên khay sấy và đường ống thải khói lên trời, cân đối với bài toán tương ứng giữa lượng củi đốt nóng trong khoang lò với từng khối lượng sản phẩm đương quy tươi lần lượt sắp lớp đưa vào chế biến. Khi đó lò đạt công suất đạt trung bình 200kg đương quy thành phẩm/48 giờ sấy. Giám đốc Biết chia sẻ “ Tôi và người con trai cùng tìm tòi nghiên cứu sửa chữa, bổ sung thiết kế và xây lại nhiều lần mới hoàn chỉnh một chiếc lò sấy đương quy thành phẩm bằng vật liệu trấu, củi tạp…chi phí thấp, nhưng vận hành đạt hiệu quả kinh tế đáng kể như vậy…”
Nối tiếp chuyện kể chiếc lò sấy đương quy lúc đó, Giám đốc Biết mở cửa nhà kho lạnh mát vừa mới khánh thành bên cạnh phòng khách căn nhà ở cho tôi tham quan. Đây là một căn nhà lạnh diện tích 24m2 với tường xây kiên cố, mái lợp tôn bên ngoài; bên trong lắp đặt áp tường, áp trần bằng các vật liệu giữ lạnh với công suất danh định khoảng 40 tấn đương quy sấy khô (tương đương khoảng 240 tấn nguyên liệu tươi); tổng kinh phí xây dựng khoảng hơn 220 triệu đồng, gồm 50% hỗ trợ khuyến khích phát triển cây dược liệu địa phương từ ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà; còn lại 50% nguồn vốn do HTX Biết Lộc Thành đầu tư. Thời gian bảo quản sản phẩm đương quy khô giữ nguyên chất lượng lên đến hơn 18 tháng.
Giám đốc Biết nêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mang tính chiến lược hàng năm đối với sản phẩm đương quy của HTX Biết Lộc Thành là: “Bây giờ giống đương quy được HTX chúng tôi đã chọn ra quy trình sản xuất, gieo ươm tại chỗ đạt các tiêu chuẩn quy định. Sau 3 tháng chăm sóc trên luống đất gieo ươm, HTX sẽ xuất vườn cung cấp cho hộ gia đình thành viên trồng mới mỗi vụ mùa từ 14- 15 tháng. Quy cách trồng cây cách cây và hàng cách hàng từ 25- 30cm. Thành ra 1.000m2 trồng từ 9- 10.000 cây. Thu hoạch và sơ chế, phân loại ban đầu thì đưa về khu vực chế biến sấy khô tập trung và bảo quản lạnh tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, Lâm Hà rồi đóng gói, dán nhãn hiệu HTX Dược liệu Biết Lộc Thành đưa ra thị trường. Với khối lượng hợp đồng ký kết tiêu thụ đương quy hiện tại đến cuối năm 2017, HTX chúng tôi có đủ khả năng mở rộng thêm ít nhất 5 ha trồng đương quy nữa, thành tổng cộng diện tích 20 ha… ”
THÁNG 4/2018