Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Lan tỏa mô hình làm giàu bền vững, quy mô lớn


Ghi nhanh VĂN VIỆT
Ngày 3/5, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã xuống đồng khảo sát tình hình sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt. Qua thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã nhấn mạnh về tiềm năng, thế mạnh của từng vùng thổ nhưỡng, khí hậu cần tiếp tục phát huy, tập trung đầu tư gắn với liên kết mở rộng thị trường, nhân rộng và lan tỏa ngày càng nhiều mô hình làm giàu bền vững, quy mô lớn hơn.

Vai trò nòng cốt của doanh nghiệp thành viên hợp tác xã
Đến thăm Hợp tác xã Thiện Thanh ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đánh giá cao các mô hình hộ gia đình thành liên kết trồng rau, hoa tiêu biểu ứng dụng công nghệ cao của các chủ nhân thế hệ 7X, 8X, 9X, thu nhập mỗi hecta từ một tỷ đồng trở lên mỗi năm. Đó là khu vườn của nông gia Phạm Đình Vũ ( sinh năm 1990) trồng ớt ngọt trên giá thể nhà kính tưới tự động, đạt năng suất 6 tấn/1.000m2/7 tháng, nhân với giá thị trường bình quân 30.000 đồng/kg, thành tổng doanh thu 180 triệu đồng. trừ mọi chí phí còn thực lãi 100 triệu đồng. Như vậy mỗi năm, nông gia Phạm Đình Vũ canh tác gần 2 lứa ớt ngọt, thực lãi 200 triệu đồng/1.000m2. Nhân thành 1ha lãi 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, nông gia Vũ còn đang thu hoạch mỗi tuần 5.000 cành hoa chuỗi ngọc trên diện tích 7.000m2  ngoài trời, đạt doanh thu 25 triệu đồng.
Cũng là thành viên HTX Thiện Thanh, chủ hộ Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1973) trồng dưa leo chất lượng cao trên 7.000m2 nhà kính đạt lợi nhuận gần 500 triệu đồng trong một năm vừa qua. Nhàn cho biết, toàn bộ dây chuyền tưới nước, bón phân, điều hòa nhiệt độ trong nhà kính dưa leo đều cài đặt tự động hoặc lập trình theo từng thời điểm sinh trưởng, nên năng suất và chất lượng dưa leo thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt nhờ sản xuất theo hợp đồng liên kết, giá bao tiêu ổn định từ 15- 18.000 đồng/kg, kết quả tính chung lãi ròng trồng dưa leo ít nhất hơn 700 triệu đồng/ha/năm.
Giám đốc HTX Thiện Thanh, anh Trần Thiện Thanh (sinh năm 1984) thống kê đến nay, toàn HTX có 40 hộ thành viên sản xuất rau trên 63ha khu vực xã Đạ Ròn, Đơn Dương. Trong đó lợi nhuận trung bình mỗi năm trên mỗi hecta rau nhà kính từ 1 tỷ đồng trở lên; lợi nhuận mỗi hecta rau ngoài trời trên dưới 500 triệu đồng. “Phần lớn sản lượng rau của hộ gia đình thành viên HTX Thiện Thanh đều được đối tác Vingroup tiêu thụ theo hợp đồng; phần nhỏ sản lượng còn lại, HTX cung ứng cho các chợ đầu mối ở TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu…”, Giám đốc Trần Thiện Thanh cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến gợi mở định hướng: “Nếu HTX Thiện Thanh tiếp tục phát triển sản xuất liên kết nhà doanh nghiệp và nhà nông với quy mô lớn hơn thì cần đề xuất những điều kiện như thế nào ? ” Giám đốc HTX Thiện Thanh nói: “Dạ, cần có mặt bằng xây kho lạnh, sơ chế, bảo quản rau sau thu hoạch. Vì HTX đang thiếu những điều kiện như vậy, nên chưa thể ký những hợp đồng cung cấp hàng tuần 40- 45 tấn rau cho các doanh nghiệp đối tác…” Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến nêu vấn đề này trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương cùng đi trong Đoàn công tác để nghiên cứu, bố trí các khu vực thu mua nông sản tập trung, bảo quản sau thu hoạch theo nhu cầu mở rộng thị trường của HTX Thiện Thanh trong thời gian tới.
Đến khảo sát HTX Bò sữa Đơn Dương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến ghi nhận đây là một mô hình mẫu trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong nước nói chung về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ, thân thiện với môi trường, thành lập từ tháng 7/2017 với 53 thành viên. Trong đó Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt ( Dalatmilk) là một thành viên nòng cốt. Đáng kể, thông qua các chuyên gia đến từ Canada hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, dây chuyền công nghệ, HTX đang xây dựng 3 trang trại mẫu chăn nuôi bò sữa cho hộ gia đình thành viên, bước đầu đạt những kết quả khả quan. Trong năm 2018, HTX dự kiến đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 4 trạm thu mua sữa, trung tâm chế biến các sản phẩm sữa, chế biến thức ăn tinh cho bò sữa, đạt sản lượng thu mua sữa tươi trung bình 20 tấn/ngày. “Cơ chế chinh sách của nhà nước luôn luôn khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển. HTX Bò sữa Đơn Dương cần phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Dalatmilk là thành viên HTX, nhất là trong việc cung cấp giống, công nghệ và liên kết chặt chẽ với hộ gia đình chăn nuôi địa phương để mở rộng quy mô trang trại, đạt hiệu quả kinh tế bền vững hơn nữa…”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh.   
Chủ động liên kết, giúp nhau làm giàu bền vững
Ở Đà Lạt với những mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ cùng với nhà nông, nhà doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh trên thương trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Như mô hình 7ha trồng hoa lily và các loại công nghệ cao khác của ông Nguyễn Hữu Trí ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến nhận định thành công ở đây bởi những yếu tố được phát huy tích cực, đó là đánh thức tiềm năng đất đai, tận dụng các điều kiện khí hậu thuận lợi; tiếp cận và nắm bắt làm chủ công nghệ sản xuất mới; không ngừng nâng cao trình độ sản xuất; kết nối thị trường ổn định để rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Với Công ty Dalat GAP, một trong những doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao toàn quốc, Giám đốc Lê Văn Cường nhìn lại 10 năm đi tiên phong sản xuất rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã đạt tổng diện tích 14ha/32ha. Theo đó, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất của Công ty Dalat GAP đạt mức ổn định khá cao mỗi năm: 1,8 tỷ đồng/ha cà chua; 1,4 tỷ đồng/ha/dâu tây…Công ty chúng tôi có rất nhiều đối tác từ các nước châu Á đặt hàng thu mua rau công nghệ cao với sản lượng lớn, nên rất cần mở rộng liên kết sản xuất với hộ nông dân. Tuy nhiên phần nhiều hộ nông dân thiếu nguồn vốn lớn để đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP… ”, Giám đốc Lê Văn Cường nói.
Bởi vậy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt cần rà soát, thống kê các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp liên kết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, từ đó đánh giá một cách toàn diện để nhân rộng quy mô trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận các nguồn vốn vay đối với hộ nông dân liên kết phát triển diện tích rau đạt tiêu chuẩn GlobalGap xuất khẩu, đạt giá trị cao hơn nữa.
Cũng như mô hình Công ty Dalat GAP, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khác như: Trang trại 1,5ha nhà kính trồng ớt ngọt của hộ gia đình anh Nguyễn Phú Thịnh ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương (thu nhập 2 tỷ đồng/ha/năm); vườn rau thủy canh Kiêm Hùng (sản xuất 1ha theo công nghệ châu Âu) ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương; Trang trại hoa lan Doly với 2 ha nhà kính hiện đại ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt (doanh thu 25 triệu đồng/ngày); Cầu Đất Farm ở xã Xuân Trường, Đà Lạt sản xuất các sản phẩm chè cổ; khoảng 1ha rau thủy canh, giá thể trong nhà kính công nghệ cao; 1ha hoa ngoài trời, kết hợp với liên kết 200 hộ nông dân địa phương phát triển du lịch canh nông…,Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến ghi nhận, bày tỏ mong muốn phát triển mở rộng thời gian tới, đồng thời chia sẻ tâm huyết chỉ đạo về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với chính quyền địa phương các cấp, các nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học: “phải tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất công nghệ cao mới cùng nhau phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại ở Lâm Đồng !”./.
THÁNG 5/2018