Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Chủ động ứng phó trong mùa mưa bão

VĂN VIỆT
Dự báo trong mùa mưa bão năm 2018 sẽ diễn biến phức tạp, đặt ra những khó khăn và thách thức mới, đòi hỏi các cấp, ngành, toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn Lâm Đồng tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc “ chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả ” …
 
Nhân 72 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam (22/5/1946- 22/5/2018), Chủ tịch Nước Trần Đại Quang gửi thư biểu dương đồng bào và chiến sĩ cả nước đã không quản hy sinh gian khổ, nỗ lực làm tốt công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2017 vừa qua. Đây là năm các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tại địa phận tỉnh Lâm Đồng, tính riêng vào đầu tháng 11/2017, tâm bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại ở huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông giá trị khoảng 255 tỷ đồng, làm 3 người chết. Trước đó vào giữa thàng 10/2017, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, gây ra tình trạng lũ quét, ngập cục bộ tại các xã Đà Loan, Đa Quyn (huyện Đức Trọng), ngập úng các vùng lúa tại huyện Cát Tiên.
Đáng kể thời gian vào đầu tháng 8 đến tháng 10/2017, “tình trạng sạt lở diễn ra ở nhiều vị trí sông, suối, bờ đất ta luy, các tuyến đường đèo - đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn trên Quốc lộ 20, 27, 28…Ở huyện Lâm Hà xảy ra nứt đất các khu vực thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn; thôn Tân Hiệp, xã Tân Văn; Tổ Dân phố Đống Đa, thị trấn Nam Ban…đã vùi lấp cây trồng, gây mất an toàn nhà cửa của nhiều hộ dân và công trình giao thông…”, báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Theo đó, Ban cũng đã thống kê những thiệt hại cụ thể trong mùa mưa bão năm 2017 trên địa bàn Lâm Đồng gồm: 24 đợt mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, sét đánh, lũ quét, sạt lở đất…ước tổng giá trị thiệt hại 291 tỷ đồng, làm 5 người chết. Đáng kể những thiệt hại gồm: hơn 280 căn nhà, gần 260ha lúa, 565ha rau, màu và cây trồng hàng năm, gần 50ha nhà kính trồng rau và hoa, 300 tấn cá tầm, hơn 1.300con gia súc, gia cầm…
Đến thời điểm các tháng đầu năm 2018, thiên tai tiếp tục gây hại trên các khu vực của tỉnh Lâm Đồng với 3 đợt lốc xoáy tại huyện Đạ Huoai, Đam Rông làm gần 60 căn nhà tốc mái, 30 ha điều, sầu riêng, các loại cây ăn quả khác bị ngã đổ; 01 đợt mưa lớn ngập úng hơn 130ha lúa tại huyện Cát Tiên; 01 vụ sạt lở đất tại huyện Lâm Hà vùi lấp 10 ha cà phê, ách tắc 1,8km đường giao thông…ước tổng thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Khi thiên tai xảy ra- tính riêng năm 2017, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng đã huy động gần 500 lượt bộ đội và 1.340 dân quân tự vệ triển khai kịp thời các giải pháp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Đặc biệt việc xả lũ hồ thủy điện Đa Nhim đã được điều tiết lưu lượng nhỏ từ nhiều ngày trước khi đón cơn bão số 12 đổ bộ về, nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Và cùng thời gian này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ hơn 18 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương sử dụng để nạo vét hồ chứa, kênh dẫn, đào hơn 500 ao, hồ nhỏ, sửa chữa một số công trình thủy lợi…,tăng diện tích phục vụ tưới tiêu sản xuất lên hơn 2.400ha. Về thiệt hại riêng trong cơn bão số 12 xảy ra (vào đầu tháng 11/2017), UBND tỉnh Lâm Đồng còn hỗ trợ hơn 14,5tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả.
       Trong thư của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai nêu trên, đã lưu ý trong thời gian tới, tình hình thiên tai sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hợp đồng chặt chẽ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nâng cao năng lực chủ động ứng phó của người dân, nhằm giảm đến mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo nội dung thư của Chủ tịch Nước, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiệm vụ trong mùa mưa bão năm 2018 với việc kiện toàn và phân công trách nhiệm từng thành viên; thực hiện nghiêm túc trực ban 24/24 giờ; phối hợp với các địa phương, đơn vị xử lý trước những công trình, điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; triển khai hiệu quả việc thu quỹ phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Ban còn tích cực phối hợp với các địa phương và cơ quan chuyên ngành tiếp tục hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình diễn biến thời tiết, đặc biệt tập trung sử dụng các giống lúa ngắn ngày để canh tác trong vụ Hè Thu. Đồng thời, Ban đẩy mạnh việc thực hiện các Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai”; “Hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020” theo hình thức “Nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy”…./.
THÁNG 5/2018