Ghi
chép VĂN VIỆT
Giám đốc Lê Văn Biết qua đời, HTX
Dược liệu Biết Lộc Thành vào những ngày cuối tháng 4/2018 phân chia khu vực các
huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh thành HTX dược liệu mới, mang tên HTX Dược
liệu Như Ý, tọa lạc trên địa bàn xã Đạ Ròn, Đơn Dương. Giám đốc HTX Như Ý bây
giờ nguyên là Phó Giám đốc HTX Biết Lộc Thành trước đây. Chia tách ra là để tập
trung thâm canh trở lại từng diện tích đương quy gắn với thị trường, hy vọng chọn
một thời gian thích hợp để cùng với “HTX tiền thân” Dược liệu Biết Lộc Thành liên
canh mở rộng về phía chân trời…
Đương quy trao phận sự cho “Biết Lộc
Thành”
Tôi
bắt đầu tiếp xúc với Phó Giám đốc HTX Dược liệu Biết Lộc Thành, nông gia Đinh
Thị Thi ( sinh năm 1967) từ cuối tháng 9/2017. Khi ấy người đàn bà Đinh Thị Thi
điển hình một hộ gia đình thành viên trồng đương quy nhiều diện tích nhất của
HTX Biết Lộc Thành với 4ha tại vùng nông nghiệp xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Nếu
ước tính khoảng cách từ khu vườn trồng đương quy tập trung của Giám đốc Lê Văn
Biết lúc đó tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà với khu vườn đương quy vừa nêu của
Phó Giám đốc Đinh Thị Thi thì dễ đến gần 40 cây số. Cái duyên gặp cây dược liệu
đương quy đối với ông Biết, bà Thi như có sự sắp đặt nào đó từ trước. Khi ông Biết
lặng lẽ vừa đưa cây đương quy về đất Đông Thanh, Lâm Hà thì bà Thi cũng đang bắt
tay vào cải tạo diện tích đất từ trồng cà chua và các loại rau màu ngoài trời để
chuẩn bị chuyển sang trồng đương quy ở Đạ Ròn, Đơn Dương. Nhanh chóng sau đó,
ông Biết, bà Thi đã kết nối trao đổi, bổ sung cho nhau cách thức sản xuất cây
đương quy theo nhu cầu thị trường với mô hình khởi động là Tổ Hợp tác Dược liệu
Biết Lộc Thành vào đầu năm 2016. Tổ Hợp tác do ông Biết làm Tổ trưởng sản xuất
1ha, bà Thi làm Tổ phó sản xuất 5.000m2.
Bà
Thi nhớ lại: “ Khi hái xuống những trái cà chua, nhổ lên những bó rau trong vụ
mùa cuối cùng trên diện tích 5.000m2 ở xã Đạ Ròn, Đơn Dương, hộ gia
đình tôi đưa ngay cơ giới vào cày xới đất, đắp luống, rải gieo đều hạt giống
đương quy như gieo hạt cà rốt, phủ lớp rơm rạ mỏng bên trên. Và cũng rải vôi xử
lý đất, đổ xuống phân chuồng bón lót trộn đều trong đất, nên cứ yên tâm chờ
ngày hạt đương quy nẩy mầm lên lá, lên cây để tiếp tục bón thúc các lứa phân hữu
cơ để tạo củ sâm, háo hức hẹn ngày thu hoạch. Nhưng thật thất vọng khi chờ đến
10 ngày, 15 ngày rồi đến 30 ngày, diện tích 5.000m2 gieo hạt đương
quy ở xã Đạ Ròn, Đơn Dương chi mọc lên lác đác số cây yếu ớt rồi chết héo rũ từng
giờ, từng phút… ”
Trồng
đương quy “đầu tay” gần như thất bại trắng, nhiều người khuyên nên trở lại trồng
các loại cây quen thuộc như cà chua, hành tây, cải bắp…,nhưng nông gia Đinh Thị
Thi vẫn trăn trở nhiều biện pháp chuyển đổi cho bằng được. “ Không thể quay lại
với hình thức trồng các loại cây tiêu thụ bấp bênh, được mùa mất giá, được giá
mất mùa vì không theo hợp đồng, bởi vậy chỉ còn cách duy nhất là phải lấy cây
đương quy bù lỗ lại cây đương quy”, bà Thi sau những ngày suy nghiệm và quyết định
như vậy. Theo đó, bà Thi đã không quản thời gian vượt khó tự nghiên cứu phân
tích, xác định rõ ràng các nguyên nhân dẫn đến trắng tay của vụ xuống giống trồng
đương quy đầu tiên trên đất Đạ Ròn, Đơn Dương là không hội đủ các yêu cầu kỹ
thuật về làm sạch tàn dư bệnh hại trong đất trồng các loại rau ngắn ngày vụ trước,
cũng như việc tưới nước, bón phân cho thấy thiếu cân đối và không đúng thời điểm.
Thì
ra việc chuyển đổi trồng cây đương quy cách nhau 40 cây số cũng phải áp dụng
các biện pháp cải tạo đất khác nhau, bởi vì nguyên thủy đất Đông Thanh, Lâm Hà
trồng cây cà phê, một loại cây công nghiệp dài ngày; còn đất Đạ Ròn, Đơn Dương
đất trồng các loại cây rau ngắn ngày. Mất mùa học được bài học kinh nghiệm quý
báu cho mùa vụ đương quy lần thứ 2, việc đầu tiên bà Thi dùng máy móc cày xới đất
để phơi ải đến gần nửa năm sau mới xuống giống trồng. Đến giai đoạn chăm sóc phải
tuân thủ theo khuyến cáo về lượng phân bón, nước tưới của đơn vị nghiên cứu dược
liệu trung ương khi đến kiểm tra, phân tích chất đất của vùng Đạ Ròn, Đơn
Dương. Đáp số sau 12 tháng gieo trồng, vườn đương quy 5.000m2 của Phó
Giám đốc Đinh Thị Thi chính thức thu hoạch liên tục trong 3 tháng sau đó, năng
suất đạt từ 3- 4 tấn/1.000m2.
Kỳ vọng về một cánh đồng đương quy
rộng lớn hơn
Cùng
thời vụ đương quy lần thứ 2 thành công ở Đạ Ròn, Đơn Dương, Tổ Hợp tác Dược liệu
Biết Lộc Thành được nâng tầm hoạt động lên thành HTX Dược liệu Biết Lộc Thành. Ông
Lê Văn Biết làm Giám đốc điều hành chung; bà Đinh Thị Thi làm Phó Giám đốc phụ
trách việc xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu đương quy trên các huyện Đơn
Dương, Đức Trọng, Di Linh. Với mong muốn thực hành mô hình mẫu để nhân lên đại
trà và thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình nông dân tham gia thành viên HTX, Phó
Giám đốc Đinh Thị Thi tiên phong chuyển đổi đồng loạt thành tổng diện tích 4ha
từ rau màu sang trồng đương quy ở một khu vực cách trung tâm xã Đạ Ròn, huyện
Đơn Dương khoảng 5km. Chừng vài tháng kế tiếp có 8 hộ nông dân tự nguyện gia nhập
HTX rồi lần lượt trồng mới thêm 4ha nguồn giống đương quy với quy trình kỹ thuật
được cung cấp, hướng dẫn tại vườn bởi Phó Giám đốc Đinh Thị Thi. “Trồng theo mô
hình cuốn chiếu, mỗi tháng ở các cánh đồng đương quy do tôi phụ trách thu hoạch
và chế biến sản phẩm từ 10 tấn khô trở lên (tương đương 50- 60 tấn tươi). Chế
biến xong thì tập trung vận chuyển sang cơ sở chính của HTX Biết Lộc Thành tại
xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà để đóng thùng cung ứng đến đối tác theo hợp đồng
bao tiêu hàng năm…”, bà Thi kể.
Nhưng
thật buồn khi sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đương quy thông suốt qua 2
cơ sở đầu mối từ huyện Đơn Dương qua huyện Lâm Hà bỗng phải dừng lại vội vàng vào
ngày 30/12/2017, ngày Giám đốc Lê Văn Biết từ trần vì tai nạn lao động. Kế nghiệp
Giám đốc Lê Văn Biết là người con trai Lê Văn Chiến (sinh năm 1984) đến tháng
4/2018 vẫn trong thời gian củng cố, rà soát và thiết lập mới, thiết lập lại những
hợp đồng sản xuất và tiêu thụ đương quy trong chức năng HTX Dược liệu Biết Lộc
Thành đã chia đôi còn lại khoảng 7ha tập trung hầu hết ở vùng Lâm Hà, Lạc Dương
của tỉnh Lâm Đồng. Một ngày gần cuối tháng 4/2018, Giám đốc “kế nghiệp” HTX Dược
liệu Biết Lộc Thành Lê Văn Chiến tâm sự với tôi: “Tháng đầu tiên nhận việc Giám
đốc HTX Dược liệu Biết Lộc Thành, cháu và mẹ cùng tập trung khôi phục thâm canh
diện tích đương quy trong gia đình; bên cạnh việc động viên các hộ gia đỉnh
thành viên duy trì đầu tư diện tích đương quy hiện có. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch
đương quy của hộ gia đình thành viên vẫn tiếp tục tập kết về HTX sấy khô và
tiêu thụ. Từ khi ba cháu mất, có một hợp đồng đối tác đơn phương đình chỉ với
nhiều lý do đưa ra khác nhau, cháu và mẹ cháu đã tìm kiếm, thay thế băng một hợp
đồng mới, đảm bảo tiêu thụ toàn bộ số lượng đương quy của hộ gia đình cháu và hộ
gia đình thành viên…”
Rất
may trước đây tân Giám đốc Lê Văn Chiến là hộ gia đình thành viên HTX Dược liệu
Biết Lộc Thành sản xuất 2.000m2 diện tích đương quy đạt chuẩn
VietGAP; đồng thời cũng là “kỹ thuật viên” sát cánh bên Giám đốc Lê Văn Biết luôn
miệt mài tìm ra các giải pháp hữu ích về chế biến sản phẩm đương quy, vì vậy khi
tiếp nhận mọi công việc thay thế ba mình, Chiến đã sớm làm quen phần lớn, chỉ
còn bỡ ngỡ ở khâu điều hành phân phối thị trường. “Cố gắng trong năm 2018, cháu
sẽ ổn định hoạt động bình thường của HTX Dược liệu Biết Lộc Thành ở Đông Thanh,
Lâm Hà. Từ đó cháu sẽ xây dựng phương án mới liên kết theo chiều ngang với HTX
Dược liệu Như Ý ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương…”, tân Giám đốc Lê Văn Chiến kỳ vọng.
Tôi
kể lại kỳ vọng của tân Giám đốc HTX Dược liệu Biết Lộc Thành Lê Văn Chiến giữa
cánh đồng đương quy Đơn Dương đang tiến xa về phía chân trời, Giám đốc HTX Dược
liệu Như Ý Đinh Thị Thi bày tỏ sự đồng thuận của mình: “Ngành nông nghiệp tỉnh
Lâm Đồng cũng vừa tổ chức cuộc họp ở huyện Đơn Dương đặt vấn đề khuyến khích
các cơ chế, chính sách ưu đãi cho HTX Dược liệu Như Ý chúng tôi đầu tư khai
thác thị trường, hợp tác với nông dân mở rộng diện tích sản xuất lên khoảng
30ha vào đầu năm 2019. Trong mục tiêu những năm tới đây khi HTX Dược liệu Biết
Lộc Thành kiện toàn có đủ mọi điều kiện ổn định về nhân lực và vật lực, HTX Dược
liệu Như Ý chúng tôi sẽ liên kết trở lại sản xuất theo quy mô những cánh đồng
đương quy rộng lớn nhiều hơn nữa… ”
“Bởi
HTX Dược liệu Biết Lộc Thành là tiền thân của HTX Dược liệu Như Ý hôm nay”,
Giám đốc Đinh Thị Thi nói thêm như nhắc nhớ lại nơi chốn khởi nghiệp trồng
đương quy của mình. Tôi dõi mắt ngưỡng vọng về phía cánh đồng đương quy xa thăm
thẳm chân trời nơi ấy, mường tượng nếu có thế giới bên kia thì cố Giám đốc Lê
Văn Biết chắc đang thanh thản và mãn nguyện vô cùng…
THÁNG 5/2018