Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Huyền bí giữa rừng Lam Kinh

VĂN VIỆT
Về Lam Kinh, Thanh Hóa bên những chiến công oanh liệt của nghĩa quân Lê Lợi đánh đuổi giặc ngoại xâm gần 600 năm trước, du khách được đắm mình trong mạch nguồn huyền bí giữa rừng thiêng ngàn xanh, linh khí đất trời hội tụ.

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hơn 50km, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng khoảng 200ha tọa lạc giữa thế núi dáng sông hình rồng chầu hổ phục, uy nghiêm và trầm mặc. Qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, khu di tích được phục dựng, tu bổ lăng tẩm, đền miếu, hành cung và đặc biệt tôn tạo một khoảng không gian xanh mát quanh năm. Ngay từ lối dẫn vào ngọ môn, hai bên hàng rào xanh ngát được cắt tỉa cẩn thận, đẹp mắt, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi với thiên nhiên đối với du khách tham quan, về nguồn nơi đây. “ Quý khách vừa bước qua “ cầu Bạch mà xưa kia có tên gọi là cầu Tiên Loan Kiều được làm theo kiểu dáng thượng gia hạ kiều (tức là trên nhà, dưới cầu) bắc trên sông Ngọc. Từ cổng Ngọ môn, du khách thấy sân rồng rộng gần 4.000m2. Bên phải là cây đa thị đã có hàng trăm năm tuổi, vươn mình tỏa bóng mát ”, người nữ hướng dẫn viên Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh giới thiệu với giọng nói trong trẻo và dịu dàng của xứ Thanh.   
Theo người nữ hướng dẫn viên, cây đa thị nơi đây chứa chan trong lòng một câu chuyện tình mãnh liệt đến vô cùng. Chuyện kể rằng, hàng trăm năm trước đó, cây thị bốn mùa trĩu quả thơm lừng một góc rừng, lôi cuốn chim muông bay về tụ hội ăn những quả chín hàng ngày. Rồi như chim muông lãnh nhận một sứ mệnh nào đó đã gắp những hạt đa nơi xa về rải xuống gốc cây thị. Một trong hàng hạt đa khỏe mạnh nhất đã nẩy mầm, bám rễ mọc lên cây đa con bên gốc cây thị. Theo thời gian, cây đa lớn nhanh và ôm trọn gốc cây thị vào lòng để chở che nắng mưa, giông bão từ xa xưa ấy đến giờ. Năm 2013, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây đa thị là cây di sản quốc gia.
Hôm tôi đến vào dịp tháng 4/2018, ngước mắt nhìn lên tầng ngọn cây đa thị ước cao khoảng 25m, tán cây phủ rộng đường kính dễ gần 10m; và chắc phải đủ 10 người mới nối được một vòng tay lớn quanh gốc cây. Đặc biệt dưới thân gốc hôm đã mở ra 2 khoảng trống liên kế nhau như hai cánh cửa cao hơn 2m, rộng bằng 2 gang tay, giúp 2 cành cây thị như 2 cánh tay quen biết đưa ra vẫy chào quan khách bốn phương trời.
Rời gốc cây đa thị, hướng dẫn viên Khu Di tích Lam Kinh đưa khách đến dâng hương chính điện lăng vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) thuyết minh: “Vĩnh Lăng được chọn đặt trên một thế đất phía trước là núi Chúa, phía sau có gối tựa là núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế hổ phục long chầu. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các linh vật tạc bằng đá để giữ phong thủy hưng vượng. Trên bề mặt phần mộ đắp đất thuần chất để cỏ mọc phủ xanh tự nhiên, biểu tượng cho hai thế giới âm- dương hòa hợp…” Đoạn đưa tay về hướng bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, hướng dẫn viên giới thiệu : “ Mời quý khách đến trải nghiệm với cây ổi cười...Cây ổi đã gần trăm năm tuổi mang thế rồng chầu bốn mùa đều cho quả, khi chín thơm được người trông giữ hái dâng lên phần mộ vua Lê…
Trong lúc quan khách đang vừa háo hức vừa hiếu kỳ thì người hướng dẫn viên dùng mấy ngón tay của mình vuốt nhẹ trên thân cây bỗng nhiên cả tán cây rung lên rào rạc như một tràng cười. Làm theo lời mách chỉ của hướng dẫn viên, tôi nhắm mắt lại nắm chặt một đoạn cành cây ổi vào trong lòng bàn tay, bất giác như có một nguồn năng lượng nào đó truyền vào thớ thịt, đường gân, khẽ rung rung nhè nhẹ, đầu óc bay bổng lạ thường. Theo người dân quanh vùng, khu vực đất xây lăng mộ vua Lê Thái Tổ tụ hội nhiều linh khí tập trung trong Khu Di tích Lam Kinh, tạo ra “trạng thái” cây ổi cười tiếp xúc với con người. Còn khi chiết cành trồng nơi khác thì giống ổi này vẫn chỉ sinh trưởng tự nhiên như muôn loại thực vật thông thường.
Về nguồn gốc cây ổi cười, người dân Lam Kinh kể rằng, năm 1933, ông Trần Hưng Dẫn, thôn Hành Thiện, Nam Định đến trước lăng mộ vua Lê Thái Tổ cầu xin sinh con hiếm muộn. Cầu được ước thấy, dù tuổi đã cao nhưng vợ ông năm sau đó cũng đã hạ sinh đứa con trai kháu khỉnh nối dõi tông đường. Lòng thành tri ân, ông Dẫn dâng cúng bên mộ vua Lê Thái Tổ các tượng linh vật và 1 cây ổi. Theo thời gian, cây ổi phát triển thành hình con rồng uốn khúc, ra quả ngọt thanh. Khoảng 10 năm trước, một du khách phương xa tình cờ phát hiện cây ổi cười và thông tin cho khu di tích thông báo cho mọi người đển “xác tín” cảm giác kỳ bí này.
Trước khi tạm biệt Khu Di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh, tôi ngồi lại khá lâu bên hố gốc cây gỗ lim đã hiến thân để phỏng dựng quần thể chánh điện 9 tòa nhà cho muôn đời sau ngưỡng vọng. Chuyện kể vào giữa năm 2010 khi dự án phỏng dựng chính điện Lam Kinh được phê duyệt thì bất ngờ cây lim khoảng 600 năm tuổi rụng dần xuống đất mọi chiếc lá đang xanh tươi trên cành. Đến khoảng đầu năm 2011, cây lim chính thức “ra đi” vừa đúng lúc dự án khởi động xây dựng. Trong những cây lim cổ thụ làm lễ cưa hạ đưa về phỏng dựng các tòa nhà chính điện đều rỗng ruột; chỉ riêng cây lim cổ thụ “tự nguyện chết” khá đặc kín phần ruột. Điều huyền bí thêm nữa là cây gỗ lim đã hiến thân của mình thành 4 phần đã mặc định cho 4 vị trí vừa vặn trong khu chính điện. Theo đó, gốc cây làm cột chính, ngọn cây làm cột quân, hai nhánh cây làm cột con và cột thượng lương…
Quả thật mỗi cành cây huyền bí trên đất Lam Kinh Thanh Hóa địa linh nhân kiệt là mỗi bức thông điệp lịch sử triều đại nhà Lê với những thắng lợi rực rỡ trong cuộc chiến dấy nghĩa giải phóng dân tộc. Những điển tích nghe được và những trải nghiệm thực tế đều thấm đẫm giá trị nhân văn vững bền của dân tộc Việt khiến chúng ta rất đỗi trân trọng và tự hào !
THÁNG 5/2018