Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

BÀI 2/ Đương quy lặng lẽ đến và vội vàng đi


Ghi chép VĂN VIỆT
Giữa cánh đồng đương quy trên đường nối dài mênh mang, tít tắp từ đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng chạm bước dần dần qua các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk của đất Bắc Tây Nguyên, Giám đốc Lê Văn Biết hiện lên hình ảnh như một cội cây đương quy lặng lẽ gọi mời thu hút, tập hợp những nhà nông chịu thương, chịu khó xung quanh mình để chung vai thực hành từng bước chuyển đổi cây trồng, chủ động tạo ra những nấc thang đột phá thu nhập làm giàu…

Nhưng số phận không ai ngờ rằng ngày ra đi khỏi chốn dương trần của Giám đốc Lê Văn Biết lại vô cùng vội vàng quá, trong khi chưa kịp chạm tuổi 60, tuổi hoa giáp lục thập của đời người cùng với những kế hoạch, dự định chiến lược khả thi, phát lộ nhiều triển vọng đang trong giai đoạn mới vừa điều hành khởi động…  
Mấy chục năm ấp ủ với đương quy
Đến thời điểm diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, nhìn lại quãng thời gian để ra đời chiếc lò sấy đương quy hoạt động ngày đêm bên cạnh khu nhà làm lạnh bảo quản sau thu hoạch ổn định, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu trên 15ha đương quy của HTX Dược liệu Biết Lộc Thành giai đoạn đầu tiên là “kết tinh” đến mấy chục năm nông gia Lê Văn Biết gắn mọi đam mê của mình với đời sống cây dược liệu nói chung, cây đương quy Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên nói riêng.
Khởi duyên từ năm 80 của thế kỷ trước nhận công tác ở một vùng rừng núi Tây Bắc và được bà con dân tộc bản địa hướng dẫn lên các vách núi đá nhận biết, thu hái cây thuốc, đưa về bào chế tỏa lên mùi hương tự nhiên, chứa đựng bên trong những dược chất đồng hành cùng sức khỏe con người, bỗng nhiên có sức cuốn hút rất lớn đối với thanh niên Lê Văn Biết bấy giờ. Đến với vùng rừng núi Lâm Đồng và cả vùng Tây Nguyên trong suốt gần 20 năm (1995-2014), mỗi tháng ông Biết lại lặng lẽ giành thời gian cùng với một vài nông gia địa phương đam mê kiếm tìm cây thuốc mọc hoang dại một, hai lần từ sáng sớm đến tối không thấy mặt người mới trở ra khỏi bìa rừng, mỗi lần thu hái nhặt nhạnh từng đọt cây, nhánh cây thuốc  thâm thấp dưới mặt đất hoặc leo quấn bấu víu trên thân cây tạp giữa rừng, gom về sao vàng hạ thổ năm, ba ký đến vài chục ký tươi gồm hơn 10 loại cây thuốc quảng bá cho những người thân, bạn bè trong nước sử dụng. Cơ hội vận may qua các mối quan hệ quen biết này, ông Biết được giới thiệu “thọ giáo” quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến cây dược liệu đương quy trực tiếp từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành của một đơn vị nghiên cứu dược liệu phương Nam, sau đó lựa chọn độc quyền cung cấp hạt giống đưa về Lâm Đồng nhân rộng đại trà. Khi tiếp nhận tương đối đầy đủ các quy trình từ chăm sóc đương quy dưới đồng đất đến sấy khô, bảo quản trong căn nhà chế biến, ông Biết quyết định đắp đất lên luống trồng 1.000m2 từ diện tích cà phê phá bỏ để chuyển đổi tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà vào đầu năm 2014
“Vụ mùa đầu tiên sau 16 tháng gieo trồng tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, sản lượng củ sâm đương quy mới đạt khoảng hơn 1,5 tấn/1.000m2, chỉ vừa đủ bán ra thu hồi số vốn đầu tư. Coi như bỏ công lao động gia đình để đổi lấy bài học kinh nghiệm trồng mới đương quy trên vùng đất cà phê lâu năm của hộ gia đình tôi nói riêng, của vùng đất tỉnh Lâm Đồng và đất Tây Nguyên nói chung…”, ông Biết nhớ lại. Và nhờ đó, sang vụ mùa đương quy thứ 2 vào đầu năm 2016, ông Biết mở rộng diện tích đất thành 1ha (mạnh dạn thay thế diện tích cà phê vừa thu hoạch 3 tấn nhân/ha) với phương pháp làm đất, tưới nước, bón phân được điều chỉnh theo công thức canh tác phù hợp, chuẩn xác hơn vụ mùa đầu tay trước đó. Kết quả năng suất đã tăng vượt trội lên hơn 30 tấn/ha, tương đương năng suất các tỉnh phía Bắc trồng chuyên canh đương quy hàng chục năm trước. Thị trường bao tiêu sản phẩm ở bên đơn vị nghiên cứu dược liệu cung ứng giống đương quy đã ký kết hợp đồng ngay lúc xuống hạt giống ươm trồng, nên khi ông Biết thu hoạch vào nhà rửa sạch giữ tươi là có người đến thực hiện hợp đồng cân ký, giao tiền và nhận hàng chở đi khá thuận tiện và nhanh chóng. Hoặc cũng có thể theo thỏa thuận, bên đối tác gửi tiền vào trước rồi ông Biết mới gửi đủ hàng đương quy chế biến đến sau.
Ra đi giữa đồng đương quy rộng mở
Tín hiệu mới cho vùng nguyên liệu đương quy phát triển ở Lâm Đồng, nông gia Lê Văn Biết vận động khoảng 5 hộ nông dân vùng Đông Thanh, Lâm Hà và Đạ Ròn, Đơn Dương thành lập Tổ Hợp tác Dược liệu Biết Lộc Thành ngay sau thời điểm đúc kết kinh nghiệm vụ mùa sản xuất “đầu tay” vào đầu năm 2016. Với 3ha đương quy khởi nghiệp đến tháng 9/2017, Tổ Hợp tác này đã vươn lên quy mô thành HTX Dược liệu Biết Lộc Thành với gần 25 hộ thành viên sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ lâu dài trên 15ha đương quy, ước tổng sản lượng trung bình 450 tấn tươi/năm, đạt lãi ròng khoảng 400- 500 triệu đồng/ha/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cà phê trên cùng một đơn vị diện tích. “ Nông dân trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Bắc Tây Nguyên đến trực tiếp HTX Dược liệu Biết Lộc Thành hoặc thông qua liên lạc điện thoại, chúng tôi đều rất vui được chia sẻ kỹ thuật trồng đương quy, đồng thời luôn mong muốn hợp tác sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ công đoạn tạo giống gieo trồng đến chăm sóc thu hoạch, chế biến và phân phối đến người sử dụng… ”, ông Biết vừa chia sẻ với tôi một đoạn câu chuyện lại phải gián đoạn để tư vấn một hộ gia đình chuẩn bị ký hợp đồng liên kết với HTX Biết Lộc Thành trồng mới 1.000m2 đương quy ở tỉnh Đắk Lắk: “ Vùng đất nông nghiệp Đắk Lắk có khí hậu và thổ nhưỡng gần giống với vùng đất Lâm Hà, Lâm Đồng. Bởi vậy nông dân cần tham khảo áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng VietGAP như cải tạo đất tơi xốp từ một đến hai tháng; cứ 1.000m2  bón lót 500kg vôi xử lý đất và 6- 8m3 phân chuồng trước khi gieo trồng. Trong giai đoạn 10 ngày sau gieo ươm, cây đương quy bắt đầu nẩy mầm phát triển từng cặp lá phải tưới nước 2 ngày 1 lần, mỗi lần tưới tối đa 10 phút. Giai đoạn cây trưởng thành từ 7- 9 tháng sau phải bón thêm phân hữu cơ vi sinh cho đủ dinh dưỡng, đồng thời phải tưới đủ lượng nước giữ độ ẩm cho cây và cho đất vào buổi sáng hàng ngày trong thời gian từ 8 giờ đến 9 giờ….”
Kết thúc năm kế hoạch 2017, Giám đốc Biết báo tôi tin vui bằng các giải pháp kỹ thuật của HTX Biết Lộc Thành tổng kết từ thực tế canh tác trên đồng đất các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng đã tăng suất trồng đương quy lên hơn 40 tấn/ha/măm. Phấn đấu đến cuối năm 2018, HTX mở rộng thêm ít nhất 5ha đương quy nữa. Đáng quan tâm hơn, vào ngày 12/12/2017, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã kiểm tra, cấp Chứng nhận cơ sở sản xuất, chế biến đương quy của HTX Biết Lộc Thành đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Dự kiến đến đầu năm 2019, HTX Biết Lộc Thành chúng tôi sẽ đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng lắp đặt mới dây chuyền chế biến trà túi lọc đương quy…”, Giám đốc Biết thông báo dự định với tôi tại Hội chợ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, nhưng không ai có thể ngờ rằng đây lại lời ước nguyện cuối cùng của ông trước khi từ giã cõi trần.
Đó là một trong hai ngày cuối cùng năm 2017- ngày 30/12/2017, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành báo tin bàng hoàng đến mọi người và từng thành viên HTX rằng Giám đốc Lê Văn Biết đột ngột qua đời trong buổi chiều muộn điều khiển chiếc máy cày cải tạo đất bị lật úp, đè chắn ngang người.  Mất mát quá lớn dẫu mọi người đều cảm nhận ông Biết đến và đi cũng đã kịp để lại di sản một cánh đồng đương quy xanh tốt đang mở hướng triển vọng phía chân trời…
THÁNG 5/2018