Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Bốn mùa đan áo gửi ra Trường Sa

Phóng sự VĂN VIỆT
(  Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ VI- 2011)
Xuân qua, hạ đến, thu và đông sắp về, chị Hòa vẫn chăm chú trên đôi kim đan gỗ, luồn chặt từng sợi len vào nhau nối thành từng tấm áo, từng chiếc mũ gửi ra bộ đội Trường Sa. Vượt qua trở ngại vì bại liệt một chân, trên mỗi đường len đan, chị Hòa gửi trọn tình cảm của mình từ nơi phố hoa Đà Lạt ra biển đảo Trường Sa, như mong muốn đang ở bên cạnh các anh, động viên các anh luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.  



ĐƯA ẤM ÁP RA ĐẢO XA
Chị là Vũ Thị Kim Hòa, năm 2011 đã gần 50 tuổi, hiện đảm nhiệm công việc Chủ nhiệm HTX Hữu Hòa- HTX tập hợp phần đông những người phụ nữ khuyết tật Đà Lạt, sinh sống với nghề đan len bằng máy công nghiệp và bằng tay thủ công. Tình cảnh chị Hòa bị bại liệt một chân từ nhỏ, dẫu đứng lên ngồi xuống không dễ dàng, nhưng mỗi giờ mỗi phút ngoài công việc chung của HTX, chị lại ngồi lặng lẽ từ bên chiếc bàn rồi lại bên giường, xung quanh với bốn bức tường hơn mười mét vuông ấm cúng của căn phòng riêng, cần mẫn dồn hết tâm trí đan tấm áo, chiếc mũ len gửi ra bộ đội Trường Sa để mong các anh chống được những đợt lạnh gió lùa, bão giật. Một mình, một khoảng không gian riêng tư như vậy, chị Hòa gần như quên hết những khuyết tật đang mang và thực sự cảm thấy việc làm mình thật hạnh phúc.  
Chị Hòa tâm sự:  Bắt đầu từ thời diểm giáp Xuân Tân Mão- 2011, theo dõi báo, đài ở địa phương Đà Lạt, Lâm Đồng, biết được chương trình “Đà Lạt, Lâm Đồng hướng về biển đảo Trường Sa”, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức và cộng đồng dân cư Đà Lạt, Lâm Đồng với những hành động thiết thực để tiếp thêm tinh thần, tạo thêm động lực cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vững tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương biển đảo đất nước, chị Hòa liền nghĩ đến những sản phẩm đan len mặc ấm của HTX Hữu Hòa có thể theo tàu ra biển khơi gửi tặng bộ đội Trường Sa. Vậy là một cuộc họp toàn thể xã viên HTX Hữu Hòa được tổ chức ngay sau đó, gần 100% xã viên có mặt đã hớn hở hưởng ứng chương trình đan áo len, mũ len mặc cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.  
“Thời điểm xã viên HTX Hữu Hòa chia sẻ nhau đan sản phẩm len mặc ấm cho bộ đội Trường Sa là giao mùa giữa tiết trời cuối đông và đầu xuân. Ấy là thời điểm ở đất liền liên tục hứng chịu những đợt không khí lạnh buốt tràn về. Đất liền đang mùa gió lạnh hết sức khắc nghiệt như vậy nên khi nghĩ đến các anh bộ đội Trường Sa giữa biển xanh mênh mông chắc là lạnh khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần. Bởi vậy 20 chị em thợ đn len khuyết tật trong HTX đặt chỉ tiêu cố gắng làm trong các giờ nghỉ buổi trưa và nghỉ buổi tối để hoàn thành 400 tấm áo và mũ len trong vòng 30 ngày để kịp gửi ra cho bộ đội Trường Sa mặc thêm vào người giữ ấm cho cả mùa gió đông bắc lạnh …. ” 
Lúc này cũng là lúc phải gấp rút hoàn thành hàng ngàn sản phẩm hàng len theo hợp đồng tiêu thụ cho nhiều bạn hàng ở các tình, thành phía Nam nên HTX đã bàn bạc sôi nổi, tạo ra sự thống nhất trong tất cả gần 30 xã viên của HTX là sẵn lòng làm tăng ca, tăng giờ. Trong đó bên cạnh 20 xã viên đan áo len, mũ len tăng giờ gửi ra bộ đội Trường Sa, 10 xã viên còn lại cũng đồng thời tăng thêm các phần việc sản xuất kinh doanh chung của HTX, hoàn thành đúng chỉ tiêu kế hoạch cho cả năm 2011. Bản thân Chủ nhiệm Hòa vừa lo công trách nhiệm quản lý vừa là người ghi tên đầu tiên trong HTX nhận đan tay 5 chiếc áo len cho bộ đội Trường Sa trong vòng 15 ngày. Kích cỡ của từng chiếc áo len dựa theo những chiếc áo của thanh niên Việt Nam với chiều cao trung bình 1,60m trở lên. Kiểu dáng áo mặc qua cổ hình tròn, mặc chồng một lớp bên ngoài chiếc áo trắng hải quân. Mũ len trùm từ đầu đến cổ, chỉ chừa phần cho đôi mắt tuần tra trên biển; bên trên đôi mắt có gắn chiếc vành hình lưỡi trai nằm đệm bên dưới vành mũ của bộ đội.  
Màu áo len được chọn phù hợp với màu biển cát ở khơi xa là màu vàng mỡ gà, màu muối tiêu, màu xám tro… Bất kể vào những giờ nghỉ trưa, sáng sớm hoặc đêm khuya, đan xong từng sản phẩm nào, các chị thợ khuyết tật cẩn thận đóng vào bao nilon để chống ẩm ướt trước khi gửi ra Trường Sa. Cứ vậy, tất cả 20 người thợ đan len khuyết tật của HTX Hữu Hòa-  ai nấy cũng đều khẩn trương mà chuẩn xác trên mỗi đường kim mũi chỉ, đến đầu tuần thứ 2 của tháng 2 năm 2011, đã hoàn thành 400 sản phẩm mũ len và áo len gửi ra bộ đội Trường Sa.
TẤM LÒNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Chủ nhiệm HTX Hữu Hòa cũng là người thợ khuyết tật đan áo ấm cho bộ đội Trường Sa nên đã khích lệ rất lớn tinh thần tham gia tích cực của những xã viên là thợ đan khuyết tật trong HTX. Thợ đan khuyết tật Hoàng Thị Mỹ Hạnh - mới 24 tuổi, tâm sự: "Là một nữ thanh niên trẻ, em cảm nhận phần nào sự vất vả của bộ đội Trường Sa qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Các anh luôn phải vượt qua mọi gian khổ, khó khăn của sóng gió biển khơi, chủ động trước những tình huống xảy ra để bảo vệ bình yên vùng biển đảo của Tổ Quốc. Em tình nguyện nhận đan áo ấm tặng bộ đội Trường Sa là thực tình em muốn góp phần mình động viên các anh luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…". 
Hạnh tranh thủ thời gian bắt đầu từ chiều tối đến khuya; có khi kéo dài gần sáng hôm sau với cả chục đêm liền để đan hoàn tất 3 tấm áo ấm cho bộ đội Trường Sa. Theo Hạnh, đây là lần đầu tiên trong đời, và là lần đầu tiên sau hơn 2 năm vào làm thợ đan ở HTX Hữu Hòa, Hạnh cảm thấy việc làm của có ý nghĩa nhất, bởi có chút công sức thiết thực của một người công dân đất Việt hướng về biển đảo thân thương của Tổ Quốc. Hạnh bị khuyết tật ở một bàn tay từ nhỏ do bị cuộn lại năm ngón tay không cử động được; nhưng với năm ngón tay của bàn tay còn lại, Hạnh vừa đan len tự nuôi sống mình và dành được một phần lao động nghề nghiệp, giúp thêm một món quà vật chất nho nhỏ này cho Trường Sa.
Với chị Nguyễn Ngọc Ái, 54 tuổi - Phó Chủ nhiệm HTX Hữu Hòa, không bị khuyết tật như phần đông thợ đan của HTX, được phân công chuyên lo việc tập trung hàng len thành phẩm, kiểm tra, sắp xếp thành từng lô hàng trên từng chuyến xe vận chuyển ra ngoài tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ. Rất bận rộn nhưng trông chị lúc nào cũng vui vẻ dành được khoảng thời gian ban đêm, theo mỗi đường len có khi đã lôi cuốn chị Ái không ngủ gần hết những đêm thâu để may ráp cả chục chiếc áo len ấm cho bộ đội. “Tôi có hai người con gái đã đến tuổi trưởng thành. Con gái đầu học đại học năm thứ hai, từ thành phố Hồ Chí Minh về nhà ở Đà Lạt nghỉ tết. Con gái thứ hai đang học lớp 12. Hàng đêm trông thấy tôi đem về những tấm len để kết nối từng công đoạn thành chiếc áo, chiếc mũ len hoàn chỉnh để gửi tặng cho bộ đội Trường Sa, hai con gái tôi đều tỏ ra rất đồng tình ủng hộ tôi, đồng thời tận dụng mọi thời gian để phụ giúp tôi mau chóng làm xong trên mỗi phần việc nghĩa tình đặc biệt này…”
ƯỚC CÓ NGÀY ĐẶT CHÂN LÊN ĐẢO TRƯỜNG SA
Theo Chủ nhiệm Vũ Thị Kim Hòa, với những tấm áo len, mũ len cho bộ đội Trường Sa ngày đêm tuần tra, tập luyện triển khai đội hình chiến thuật, chiến đấu cao nên phải đan may công phu hơn, len dày và bền chắc hơn so với những sản phẩm len thông thường khác trên thị trường. Với 20 người thợ vừa đan len tay và vừa vận hành 10 chiếc máy may len hoạt động thêm những giờ trưa và những giờ ban đêm, nối tiếp trong một tháng không nghỉ mới kịp gửi lên chuyến tàu của đoàn công tác quân và dân tỉnh Lâm Đồng ra thăm và tặng quà xuân Tân Mão cho bộ đội Trường Sa. Đây là những tấm áo len cho mùa đông- xuân, tất cả đều may đan dài tay, cổ dài, len dày. Tiếp theo là sản phẩm len dành cho mùa hạ và thu- đông năm 2011, tính đến giữa tháng 7/2011, Chủ nhiệm Hòa đã tiếp tục hòa mình vào tập thể 20 xã viên HTX Hữu Hòa miệt mài đan xong mới 200 tấm áo len và 300 chiếc mũ len sợi mỏng, dành gửi chuyến tàu thứ hai cho bộ đội Trường Sa mặc vào tránh nắng, gió ở biển khơi.
Nhắc lại chuyến tàu đầu tiên đưa áo len và mũ len gửi ra Trường Sa, chị Hòa nhớ mãi người sĩ quan hải quân, cấp hàm đại tá, thay mặt lãnh đạo Vùng 4- Hải quân, đã nói lời cám ơn chân thành với của những người thợ khuyết tật HTX Hữu Hòa qua đường điện thoại vô tuyến. Rằng bộ đội Trường Sa mừng vui thấy rõ khi mặc áo len, mũ len của những người thợ khuyết tật từ HTX Hữu Hòa, Đà Lạt. “Nghe từng lời giản dị mà sâu sắc, ấm nồng của người sĩ quan lãnh đạo Vùng 4- Hải quân trên chiếc điện thoại cầm tay riêng mình, tôi thực sự cảm động.
Chuyến tàu lần tới đây, HTX Hữu Hòa chúng tôi đã đóng gói chuẩn bị trước 500 sản phẩm áo len, mũ len gửi cho bộ đội Trường Sa mặc tránh nắng, che gió trong mùa cuối hạ- đầu thu năm 2011 này. Nhưng nếu được phép, tôi và năm, ba xã viên đại diện cho HTX chúng tôi được lên tàu ra biển khơi xa thăm Trường Sa, được trực tiếp trao tặng bộ đội với những sản phẩm len do chính mình đan dệt thành thì còn điều gì hân hạnh, vui sướng hơn nữa…”- chị Hòa thổ lộ tâm tình.
Đà Lạt tháng 7/2011