Phóng sự VĂN
VIỆT
Chưa tới 20 km
qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan từ Lạng Sơn, Việt Nam là đặt chân đến thị trấn Bằng
Tường thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Không nhiều thời gian dạo gót nhưng thị
trấn Bằng Tường đã cho tôi cảm nhận những điều bất ngờ thú vị.
NGOẠN CẢNH TRÊN
XE BIỂN SỐ XANH
Bắt gặp những giây phút “khởi đầu nan” với tôi khi bước qua
đất Trung Quốc là nụ cười chào đón của cô gái hướng dẫn viên Ninh Kiếm Linh. Là
người Quảng Tây, Trung Quốc, Linh lại nói được tiếng Việt có âm giọng giống như
người Lạng Sơn của Việt Nam. Linh dẫn đoàn nhà báo chúng tôi lên chiếc xe ô tô
20 chỗ ngồi mang biển số xanh chờ sẵn. Chợt nhủ thầm, đi du lịch trên đất Trung
Quốc mà lên xe biển số xanh kể cũng thật “oai”. Ở trong nước Việt Nam, cánh nhà
báo chúng tôi rất “quan tâm” những chiếc xe biển số xanh khi trông thấy trên
đường tour du lịch, hoặc khi xe đậu đỗ trong giờ hành chính, ngày nghỉ ở các
khu vực nhà hàng, khách sạn sang trọng; các điểm vui chơi giải trí; nơi chiêm
bái cầu may cầu tài…Bên trong “xe xanh” trông thấy không ai khác là các cán bộ
của ngành này ngành nọ; các quý bà, cậu ấm, cô chiêu; các “đối tác” thân quen
với “sếp” …Xe nhà nước, xăng nhà nước, thời gian nhà nước; tiền công tác phí
nhà nước…tha hồ phung phí không mảy may tiếc rẻ. Bất ngờ khi tiếp cận với sự
kiện này thì quả là “quá hay” đối với nhà báo chúng tôi. “Chộp” được mấy tấm
ảnh, lân la hỏi chuyện ghi âm được mấy lời người đi trên “xe xanh” là có thể
triển khai một đề tài “độc”. Đăng lên báo thế nào cũng được tòa soạn khen, trả
tỉ lệ thưởng nhuận bút kha khá hơn so với những đề tài thông thường khác…
Đang “tư duy” đề tài
biển xe số xanh du lịch thì cô hướng dẫn viên Ninh Kiếm Linh “phỏng vấn ngược”
đoàn nhà báo. Rằng đoàn có nhớ chiếc xe đạp nhãn hiệu Phượng Hoàng sản xuất từ
Trung Quốc một thời sử dụng ở Việt Nam?
Nhớ chứ. Rất nhớ nữa là đằng khác. Ay là cái thời khắc chuyển đổi giữa
kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường, hộ gia đình nào ở Việt Nam mà sở hữu
được chiếc xe Phượng Hoàng là sở hữu cả một tài sản lớn. Thì đây làng nghề sản
xuất xe đạp Phượng Hoàng đang hiện hữu chính trên đất Bằng Tường này. Họ là
những người nông dân vừa học vừa làm nghề sản xuất và lắp ráp xe đạp Phượng
Hoàng nên đời sống phát triển khá nhanh. Qua khung cửa kính chiếc xe biển số
xanh, những ngôi làng Bằng Tường lướt qua nhanh; sự thanh bình yên ả cũng đã
kịp lưu lại dấu ấn của khách phương xa chúng tôi.
Vài mươi phút vụt qua như trong thoáng chốc từ Hữu Nghị
Quan đã đến nội ô thị trấn Bằng Tường. Mới hay bác tài xế xe biển số xanh không
giám chạy chậm vì lo sợ cảnh sát sẽ “hỏi thăm”. Bởi đây là đường cao tốc giành
riêng cho xe ô tô, nhưng nếu chạy dưới 80km/giờ là lập tức lọt vào “thẻ nhớ”
của chiếc súng bắn tốc độ. Còn xe gắn máy hai bánh, xe đạp thì không ai đủ “can
đảm” đi trên đường cao tốc, không chừng sẽ bị phạt hành chính rất nặng, đồng
thời nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Và những khu dân cư cũng phải cách biệt
một khoảng cách an toàn khá xa cung đường cao tốc.
Xe biển xanh dừng chân đầu tiên tại khu nhà thuốc Hoa Nhân
Đường (biển hiệu ghi hai chữ viết Việt- Trung). Lại thêm nhiều xe ô tô biển số
xanh ra vào nhà thuốc. Lúc này cô hướng dẫn viên Ninh Kiếm Linh mới tranh thủ
“bật mí” với cánh nhà báo chúng tôi. Đó là với Trung Quốc quy định xe ô tô biển
số xanh là xe dưới 20 chỗ ngồi; trên 20 chỗ ngồi là xe biển số màu vàng; xe của
quân đội, công an và cơ quan nhà nước là biển màu trắng. Xe đăng ký tại tỉnh,
thành nào thì ghi tên tỉnh, thành đó trên biển số xe….Thì ra cái “tư duy” đề tài xe biển số xanh đi du
ngoạn đã vỡ lẽ. Cánh nhà báo chúng tôi được thêm hiểu biết về biện pháp quản lý
các phương tiện giao thông của Trung Quốc.
THỊ TRẤN NHÀ CAO
TẦNG
Mới chạm cửa nội ô thị trấn Bằng Tường là chạm đến cảm giác
ngạc nhiên bởi không gian thị trấn quá rộng lớn, vượt ngoài rất xa những hình dung
khi mới vừa đến đây. Cô hướng dẫn viên Ninh Kiếm Linh thuộc nằm lòng những con
số : Diện tích thị trấn Bằng Tường rộng khoảng 650 ki lô mét vuông; dân số hơn
12 vạn người; là thị trấn thuộc khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung
Quốc. Còn cả tỉnh Quảng Tây thì có đến 14 thành phố, thị trấn, dân số lên đến
gần 50 triệu người. Trung Quốc chỉ cấp sở hữu nhà ở cho người dân không quá 70
năm. Những con số về một tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc quá “rộng lớn” như vậy luôn
là sự cuốn hút của du khách phương xa. Nhưng trước mắt tôi giờ đây là những dãy
phố cao tầng của thị trấn Bằng Tường. Bên dưới những điểm nhấn kiến trúc này là
những đảo giao thông cũng thật rộng lớn, đặc biệt ở khu trung tâm với nhiều
đường phố giao nhau. Không có tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Không có nhà công sở nhà nước ở khu trung tâm thị trấn; mà được quy hoạch ở khu
vực ven đô. Rảo bộ vào khu thương mại Bằng Tường có thể chọn lựa nhiều mặt hàng
khác nhau để mua. Mua bằng đồng tiền Việt Nam hoặc quy đổi tại các quày hàng
tại chỗ từ đồng tiền Việt Nam sang đồng tiền Trung Quốc. Với tiếng Việt được sử
dụng trong giao tiếp khá phổ biến giữa người bán và người mua.
Buổi trưa dùng cơm ở thị trấn Bằng Tường trong nhà hàng
tầng lầu có thang máy với tám món ăn mà giá chỉ bằng những quán cơm “hạng
thường thường” ở Việt Nam. Ngồi ăn cơm bên chiếc bàn xoay tròn sáng loáng;
thưởng thức các món vịt quay Trung Quốc thơm lừng; món đậu nành non sốt cà
chua; tô cơm trắng tinh bốc hơi nóng hổi; ly rượu Mao Đài sóng sánh nước trong;
những chàng trai trẻ trong đồng phục màu đỏ đậm, lúc nào cũng cười tươi, phục
vụ nhanh nhẹn theo yêu cầu của thực khách. Bữa cơm phần nào giúp thực khách cảm
nhận được khái niệm với câu thành ngữ “ăn cơm Tàu…” ở thị trấn Bằng Tường.
Trên đường tour du lịch Bằng Tường, đoàn nhà báo chúng tôi
được viếng miếu thờ vị dũng tướng Quan Vũ thời Tam Quốc loạn lạc. Ấy là thời
phân tranh giữa ba nước Thục- Ngô- Ngụy ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ II đến
cuối thế kỷ thứ III sau công nguyên. Câu chuyện kết nghĩa anh em giữa Lưu Bị,
Quan Vũ và Trương Phi tại vườn hoa đào đang nở rộ với lời thề nguyện cùng trời
đất: “Ba chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi tuy khác họ nhưng kết làm anh
em, quyết đồng tâm hiệp lực, cứu khổ phò nguy, trên báo đáp quốc gia, dưới giúp
yên bá tánh…” Bỗng dưng câu chuyện từ thời xa xưa ấy đeo đằng trong tôi trên
đường về Việt Nam sau một ngày dạo gót trên đất láng giềng anh em Bằng
Tường./.
Bằng Tường- Đà Lạt tháng 5. 2009