Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Gọi chim yến về B’Lao

Phóng sự VĂN VIỆT
Có thể sau nhiều cơn sóng to bão lớn, những đàn chim yến từ các vùng biển miền Trung xao xác bay lên trú ngụ giữa rừng trà, rừng cà phê của cao nguyên B’Lao. Và từ đồi xanh, đồng rộng nơi đây- điều tưởng chừng như không thể đã trở thành có thể- khi người B’Lao đã gọi mời từng đàn, từng đàn chim yến bay về kết tổ, cho ra những đường nước “bọt vàng” trong mái nhà xây bằng xi măng, sắt thép của hộ gia đình.  


Nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trọng tọa lạc ở một khu vực gần trung tâm thành phố Bảo Lộc, ngày ngày rộn rã tiếng hót chim yến đi về, nhưng vẫn còn rất ít người nghe biết đến. Có lẽ vì “lý do an toàn kỹ thuật” của nghề dẫn dụ chim yến lần đầu của ông Trọng nên với tôi phải mất gần 2 tháng trời thường xuyên liên lạc mới được nhận lời hẹn gặp. Hôm nay, một chiều mưa dày hạt từ cao nguyên Đà Lạt cao 1.500m, tôi hạ thấp độ cao xuống còn chưa tới 1.000m xuôi về cao nguyên Bảo Lộc,  ngước nhìn từng đôi chim yến lượn vòng bay trên mái nhà lô nhô của anh Trọng. Xung quanh là những căn nhà sân vườn cây xanh khoáng đãng cho đàn yến tha hồ vỗ cánh ngụp lặn với khí trời. Tôi đưa tay lên trên từng áng mây trắng, đếm từng chục, từng chục đôi chim yến chấp chới bay vào ra quanh cửa nhà, ông Trọng bảo chim yến chỉ chen nhau về tổ ấm khi mặt trời bắt đầu để lại những vầng nắng cuối cùng trong ngày, và ngược lại bay ra lũ lượt khỏi tổ ấm khi trời vừa rạng sáng. Nếu trời không mưa thì cả thảy đàn yến rong chơi bên trời cao nguyên đều bay trở về tổ ấm trong ngày. Nếu bất chợt gặp cơn mưa lớn khi trời vừa sập tối thì một vài đàn yến lại “ở trọ” đâu đó giữa đồi nương B’Lao xanh thẳm, đợi đến đêm hôm sau lại đoàn tụ trong mái nhà chung của anh Trọng, đông đúc bầy đàn.
“Bây giờ đàn yến đã bay quần cư về hàng ngày trong căn nhà nuôi của gia đình chúng tôi ước được năm, sáu trăm con. Số chim yến tăng đàn hàng tháng gồm tăng đàn theo tự nhiên và tăng đàn theo cơ học…”- ông Trọng nói rồi diễn giải thêm rằng, số đàn yến tăng tự nhiên từ sinh đẻ trứng ấp nở, nhân đàn trong nhà ông chiếm từ  80- 90%; số phần trăm còn lại tăng cơ học là đàn yến từ miền biển bay lên độ cao đến cả ngàn mét; hoặc đàn yến “lỡ đường” trước đó “nghỉ chân” ở cao nguyên B’Lao này, rồi nghe tiếng gọi sinh tồn từ bầy đàn kéo nhau về làm tổ trong nhà nuôi của ông Trọng. Ấy là căn nhà rộng trên dưới 120 mét vuông, được xây dựng vào giữa năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành phần tô 4 mặt tường bên ngoài vì chờ…đàn yến có thực sự chọn làm nhà ở xây tổ ổn định hay chưa.

“Cho đến nay, tôi vẫn còn cái  cảm giác như là mơ ước viển vông khi quyết định đầu tư cả trăm triệu đồng vào nuôi yến…”- ông Trọng nhớ lại. Bởi yến là một lời chim trời hoang dã, chỉ đặt máy phát ra loa tiếng chim yến đã thu thanh từ trước rồi mời gọi về; chứ đâu thấy, đâu chạm tay được vào hình dáng từng con chim yến giống ra sao. Nhưng nói viển vông mà ông Trọng vẫn xây nhà nuôi yến là vì tất cả đặt niềm tin vào kiến thức sách vở và kiến thức thực tiễn nuôi yến từ người con trai của ông làm kỹ sư xây dựng ở các tỉnh, thành phương Nam. Tại đây, người kỹ sư này đã trực tiếp tổ chức, thiết kế xây dựng nhiều căn nhà nuôi yến cho người dân, và tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế từ tổ yến mang lại, trực tiếp trao đổi, thực hành kinh nghiệm nuôi yến với nhiều hộ gia đình khác nhau… Trở về Bảo Lộc, người kỹ sư đứng ra xây dựng mới toàn bộ căn nhà nuôi yến bằng vật liệu kiên cố, đồng thời dẫn theo một người thợ quen chuyên lắp đặt dây chuyền thiết bị để dẫn dụ yến về nuôi gồm: hệ thống tăng âm; hệ thống loa với hàng chục chiếc lớn nhỏ, truyền âm thanh tiếng hót chim yến phát đi từ xung quanh căn nhà gia đình; hệ thống điều hòa nhiệt độ; hệ thống phun nước mát quanh cửa bay ra vào của nhà yến khi vào thòi tiết khô hanh; lắp đặt hàng chục chiếc ô ván ốp lên trần nhà cho chim yến làm tổ, mỗi ô tổ có diện tích từ 0,5 mét vuông đến 01 mét vuông.
Người vợ ông Trọng góp chuyện: “ Đặt phát máy dẫn dụ chim yến vừa truyền thanh lên hệ thống loa là vợ chồng chúng tôi bắt đầu lo âu, chở đợi. Hết ngày rồi lại hết đêm. Hết tuần đầu rồi lại tháng đầu, chỉ lác đác có một vài cặp chim yến bay về rồi lại bay đi. Mãi hơn đến một năm sau, giấc mơ chim yến mới dần dần hiện ra khi hàng chục đôi chim yến cần mẫn làm tổ trong nhà nuôi yến của mình…” Ấy là vào giữa năm 2010, trông thấy từng đôi chim yến vừa đủ lông, đủ cánh bay đi, bay về, mới chắc chắn rằng nhà nuôi yến của gia đình mình đã có yến về chọn làm nơi sinh sôi nảy nở. Lại gọi thợ nuôi yến từ phương Nam lên cẩn thận bóc gỡ gần 10 chiếc tổ yến ( cân nặng gần 01 lạng) đầu tiên đã ngả vàng, tức tổ yến đã đúng vào thời điểm thu hoạch. Lúc đó cả nhà anh Trọng mới mừng vui như được ơn trời cho bắt “lộc vàng”. Đem gần 01 lạng tổ yến ra chào bán ở một cửa hàng kinh doanh yến sào tại Bảo Lộc rất nhanh với giá gần 4 triệu đồng.
Hoàn chỉnh lại một lần nữa hoạt động các thiết bị điều hòa nhiệt độ, máy phát tiếng chim yến “hót mẫu”, bố trí ổn định hệ thống ô tổ trên trần nhà…Rồi hàng tháng dùng các dung dịch đặc biệt để khử sạch những mùi khó chịu, đồng thời phun đều những dung dịcch mùi hấp dẫn mới cho yến thích nghi. Và hàng ngày, hàng đêm, vợ chồng ông Trọng vận hành các thiết bị nuôi yến trong nhà đúng kỹ thuật, đúng thời lượng, đúng thời gian…Kết quả gần 3 năm qua - đều đặn sau 30- 45 ngày mở cửa nhà yến thu hoạch tổ một lần đạt từ 2,5- 3 lạng. Nhân với giá bán thời điểm giữa tháng 5/2012 với mỗi lạng 3,5 triệu đồng, vợ chồng ông Trọng có nguồn thu sau một tháng đến một tháng rưỡi từ gần 9 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng. Chưa kể hàng tháng làm vệ sinh nhà yến, thu thêm trên dưới 10 ký phân yến, bán được khoảng 500 ngàn đồng.

“Gọi chim yến về đã khó. Giữ chim yến ở lại môi trường nuôi sinh thái trong nhà càng khó hơn. Vợ chồng tôi cũng đã làm quen với “kỹ thuật vượt khó” này, cố gắng trong vài năm tới, sẽ nhân đàn yến từ tự nhiên và từ cơ học lên đến hàng ngàn con, đạt thu nhập từ tổ yến gấp năm, sáu lần hiện giờ…”- ông Trọng đặt nhiều hy vọng với nghề nuôi yến đã gần 3 năm tuổi của mình. Hơn nữa với mặt hàng tổ yến sào là mặt hàng luôn rất quý hiếm, nên đầu ra luôn luôn rộng mở, tiềm năng đến vô cùng, nên nuôi được yến càng nhiều, hiệu quả kinh tế theo tỷ lệ thuận đạt cao hơn...      
Tôi như nhân thêm niềm vui về kết quả mời gọi chim yến về xây tổ trong nhà, thu về cả chục triệu đồng mỗi tháng cho gia đình ông Nguyễn Văn Trọng ở cao nguyên B’Lao có độ cao hơn mặt biển từ 800 m đến 1.000 m. Trở về với độ cao hơn cao nguyên B’Lao trên dưới 500m, bỗng dưng tôi mơ về giấc mơ một ngày nào đó có thể gọi mời từng đàn chim yến từ những khoảng trời xanh nơi đâu bay về hót vang rộn ràng, ngày đêm xây nên những chiếc “tổ vàng” trên những mái nhà của cư dân cao nguyên Đà Lạt./
Đà Lạt- Bảo Lộc giữa tháng 5/2012