Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Mầm sống mới trên đảo Trường Sa


           Ghi chép VĂN VIỆT
Mang tên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, đến tháng 8/2011, đứa bé gái 27 tháng tuổi đã biết líu lo trò chuyện, hồn nhiên lớn lên như mầm sống mới của cây phong ba ngày đêm tỏa rễ sâu vào lòng biển cát quê hương.   





TÊN CỦA NƠI CHÔN NHAU CẮT RỐN

Đứa bé gái tên là Hồ Song Tất Minh, sinh ngày 16/5/2009 tại xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Vào lúc gần chín tháng tuổi, bé Hồ Song Tất Minh được ba mẹ đưa lên chuyến tàu của hải quân vùng 4 về thăm ngoại ở làng đảo Bình Ba - làng đảo gần bờ thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đúng dịp này, tôi được công tác ra đảo Bình Ba và được bế bé Hồ Song Tất Minh, trông bé rất khỏe khoắn và hiếu động, dù vừa trải qua hải trình mấy ngày đêm sóng biển; được nghe ba mẹ bé kể về cuộc sống muôn trùng khó khăn mà ngập đầy hạnh phúc của một gia đình nhỏ giữa khơi xa.
Vào chuyện, anh Hồ Dương, ba của bé Hồ Song Tất Minh chân tình : Bé Hồ Song Tất Minh được anh Dương và vợ là chị Trương Thị Liên đặt tên gọi trìu mến ở nhà là Bé Tư. Lúc Bé Tư mới mấy ngày tuổi, có một đoàn công tác của bác sĩ, y sĩ từ Hà Nội ra khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho xã đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa. Trưởng đoàn là bác sĩ Đỗ Tất Cương, Phó Giám đốc bệnh viện quân đội ở Hà Nội, ngỏ ý muốn đặt tên cho Bé Tư là Hồ Song Tất Minh và được vợ chồng anh Dương, chị Liên vui mừng đón nhận đây là dòng tên chính thức ghi trong bản khai sinh của con mình. Với tình cảm đặc biệt riêng mình đối với Bé Tư, một công dân mới được sinh ra vuông tròn ở Trường Sa, bác sĩ Đỗ Tất Cương giảng nghĩa tên khai sinh Hồ Song Tất Minh là:  Họ Hồ là mang tên họ người ba. Tên kế tiếp chữ Song là tên chữ đầu của đảo nơi Bé Tư sinh ra- đảo Song Tử Tây. Hai chữ cuối cùng Tất Minh lấy tên xuôi theo dòng tên của bác sĩ Tất Cương; xem Tất Minh như một đứa bé ruột thịt của bác sĩ Tất Cương. 
VƯỢT CẠN CÓ ĐÔI
Chị Trương Thị Liên, mẹ của bé Hồ Song Tất Minh nhớ lại ngày hạnh phúc khi vượt cạn giữa bốn bế là biển cả mênh mông, vợ chồng chị luôn có đôi không rời. Cũng phải đến hơn một tuần chị Liên chuẩn bị tinh thần và sức khỏe tốt nhất để bước vào giờ vượt cạn. Bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng ngày 16/5/2009, chị Liên báo với chồng mình- anh Hồ Dương rằng, chị đang có biểu hiện chuyển dạ. Anh Dương động viên chị Liên hãy ráng sức chịu đựng những cơn đau rồi đưa chị lên ngay trạm xá xã đảo Song Tử Tây cách nhà ở vài trăm mét. Đến nơi vừa ngả lưng xuống giường thì những cơn đau bụng liên tục kéo dài đến năm, mười phút rồi dứt dần đến mười lăm, hai mươi phút. 
Nhưng đến hai, ba tiếng đồng hồ sau, những cơn đau bụng càng dồn dập nhanh hơn, thai nhi quấy đạp mạnh mẽ hơn. Bên cạnh chị Liên lúc này- ngoài chồng mình là anh Hồ Dương, có đến hai bác sĩ và năm y sĩ thay phiên túc trực từng phút, từng giờ; chăm sóc, theo dõi mỗi nhịp tim mạch lên xuống của thai nhi và của chị, truyền từng giọt nước cất để trợ giữ sức lực cần thiết nhất cho chị vượt cạn. Những phút hiếm hoi khi cơn đau lắng dịu xuống, các bác sĩ, y sĩ còn tìm cách tạo ra không khí trò chuyện cuốn hút, nhanh chóng giúp chị quên đi mọi sự căng thẳng, lo âu trước và trong khi lên nằm trên bàn đẻ. Nhờ vậy thời gian vượt cạn của chị Liên đã bớt đi rất nhiều sự vật vã thường thấy của sản phụ. Bỗng chốc thời gian trôi đi nhanh từ lúc nào không hay. Đến trưa cùng ngày 16/5/2009, các bác sĩ, y sĩ ở xã đảo Song Tử Tây đã đỡ đẻ thành công như mong muốn của chị Liên. Bé Tư – Hồ Song Tất Minh cất tiếng khóc chào đời cân nặng hơn 3,5 kg. Chị Liên đẻ thường, không phải đẻ mổ nên chẳng cần khâu một mũi kim nào cho vết thương.
Hỏi cảm giác lần đầu tiên sinh con ở đảo với lớp lớp sóng gió, chị Liên nói thật lòng mình vô cùng đầy đủ và vô cùng hạnh phúc. Theo chị Liên, chính vì định cư ở đảo khá xa đất liền nên dễ gắn bó tình cảm gấp bội lần bình thường giữa những người dân với người dân và giữa người dân với người lính trên quần đảo Trường Sa. Ngay từ lúc biết mang thai cho đến khi sinh con, hầu như ai cũng đến thăm và động viên chị Liên mỗi ngày. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, chị Liên được đến xã đảo Song Tử Tây để các bác sĩ, y sĩ thăm khám thai miễn phí theo chế độ chăm sóc y tế của nhà nước đối với người dân ở hải đảo xa bờ. Suốt thời kỳ hơn 9 tháng dưỡng thai, chị Liên luộn được cung cấp đầy đủ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu từ đất liền đưa ra đảo như thịt, trứng, sữa, đường…Rau xanh thì ở nhà riêng anh Dương, chị Liên cũng đã “quy hoạch” được cả trăm mét vuông trồng rau quanh năm, không chỉ thu hái dùng đủ dùng những bữa ăn tươi của gia đình mình mà còn phân phối cho những hộ gia đình lân cận khác. Rồi sau giờ sinh nở mẹ khỏe con khỏe, chị Liên được lưu trú ở trạm xá xã đảo hơn một tuần lễ, tất cả mọi khoản viện phí đều được nhà nước bao cấp hoàn toàn.
CỤC VÀNG CỦA NỘI- NGOẠI
Ba của bé, anh Hồ Dương sôi nổi kể thêm: Những ngày chính thức được nhận dòng tên của một công dân nước Việt Nam- công dân Hồ Song Tất Minh- là những tháng ngày thường xuyên nhận được điện, thư chúc mừng, quà tặng của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang…từ địa phương quần đảo Trường Sa và từ đất liền gửi ra. Đã mười mấy năm thành hôn với nhau, vợ chồng anh Dương- chị Liên chưa cảm thấy có lúc nào được nhiều niềm vui nhất như khi sinh Bé Tư- Hồ Song Tất Minh. 
Không phụ lòng yêu quý của bao người, Bé Tư- Hồ Song Tất Minh đã thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu, thời tiết nơi đảo Song Tử Tây, Trường Sa, tốt ăn, tốt ngủ, hay cười và lớn lên thấy rõ mỗi ngày. Trong dịp từ Trường Sa về thăm quê ngoại ở đảo Bình Ba, Cam Ranh, Khánh Hòa, mới gần chín tháng tuổi, Bé Tư đã cân nặng hơn 8,5 ký, không có biểu hiện gì về mệt mỏi sau chuyến dài đi biển. Bà ngoại của Bé Tư - Hồ Song Tất Minh- nay tuổi đã ở vòng cổ lai hy, không giấu nổi cảm xúc: “Mừng ơi là mừng. Hồi giờ chỉ nghe điện thoại vợ chồng Liên- Dương nói cuộc sống ở Trường Sa khá ổn định, không thiếu thốn thứ gì, tôi đã mừng rồi. Giờ vợ chồng tụi nó bồng thêm đứa con gái sinh ra ở Trường Sa về, trông bụ bẫm, ai cũng muồn nựng nịu, tôi càng mừng nhiều lắm, không kể hết. Nếu chăng có ai đó cho tôi cục vàng, tôi làm sao mừng bằng vợ chồng nó cho tôi đứa cháu ngoại Bé Tư này…  ” 
Với hơn mười ngày về đất liền, không chỉ đi- về đường biển thăm ngoại mà còn đi – về đường bộ với vài ngàn cây số thăm nội ở quê Bắc miền Trung, Bé Tư- Hồ Song Tất Minh luôn tươi tỉnh, dễ chịu. Rồi trở lại sinh sống ở quê đảo Song Tử Tây, Trường Sa, trong căn nhà xây kiên cố nằm trên diện tích đất hơn 200 mét vuông, đến đầu tháng 8/2011, Bé Tư - Hồ Song Tất Minh đã 27 tháng tuổi. Qua làn sóng điện thoại vô tuyến nối từ Trường Sa lên Đà Lạt với tôi, anh Dương mừng rỡ cho biết, Bé Tư- Hồ Song Tất Minh đã tăng cân nặng lên 14 ký, biết nói và biết hát nhiều bài hát vỡ lòng rồi; bé không mắc bất kỳ một chứng bệnh nào về nhiễm gió, nhiễm nước ở khơi xa.  Ngày ngày Bé Tư chạy nhảy vui đùa khắp đảo, ai bắt gặp cũng muốn bồng muốn bế. Ở nhà Bé Tư líu ríu bên ba và bên mẹ với công việc hợp đồng nấu cơm cho bộ đội ngày ba bữa. Những giờ tranh thủ gửi Bé Tư sang chơi với bà con láng giềng, anh Dương, chị Liên bước lên chiếc thuyền thúng bơi ra xa xa phía bờ đảo để câu con cá, con mực về cải thiện bữa ăn gia đình...Không phải vất vả xóa đói giảm nghèo, vợ chồng anh Dương, chị Liên đã và đang có việc làm ổn định thu nhập trên đảo, trong đó có phần tích lũy cho tương lai Bé Tư- Hồ Song Tất Minh lớn lên, trưởng thành nơi quê hương Trường Sa mênh mông trời biển này./.
Tháng 8/2011