Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Qua đại lục, lần theo câu hát “biển sóng dạt dào…”

Phóng sự VĂN VIỆT
Những ngày ở đại lục Trung Hoa rộng lớn, lời “biển sóng dạt dào.. ” từ bài hát “Bến Thượng Hải” đã đưa tôi lần theo dòng sông Hoàng Phố hữu tình, dòng sông nối hai bờ Đông - Tây của thành phố Thượng Hải trầm tích hàng ngàn năm. Trong từng bước chân lữ hành của mình, tôi cảm nhận phần nào một cuộc sống vĩnh hằng của đời sông ở xứ sở phương Đông này.

Hôm tôi đến Thượng Hải, thời tiết bảng lảng một màu lam tím như làm mềm mại hơn một thành phố kiến trúc cao chất ngất lên trời xanh. Từ kinh đô tơ tằm Tô Châu của tỉnh Giang Tô, tôi đến Thượng Hải trên lộ trình hơn trăm cây số đường cao tốc nhanh êm. Cho đến khi xe bất chợt lướt xuống đường hầm lung linh ánh đèn dẫn đường thì người hướng dẫn viên mới thông báo rằng khách đang đi phía dưới lòng sông Hoàng Phố để qua phố Đông Thượng Hải. Đường hầm dưới lòng sông dài đến hơn hai cây số mà mới thoảng chốc bỗng qua mau. Âu cũng là cái cảm giác kỳ thú đi đường bộ dưới lòng sông đã nhanh hơn gấp nhiều nhiều lần so với số đếm của thời gian bằng phút, bằng giây. Công trình đường hầm qua sông Hoàng Phố là một trong điệp trùng những công trình hiện đại bậc nhất ở khu phố nối Đông với Tây Thượng Hải trong cuối thế kỷ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt. Trong đó rạng rỡ lên những bức tranh khổng lồ với hàng hàng tòa nhà cao ốc từ hàng chục tầng đến cả trăm tầng, phong phú muôn hình vẻ mà vẫn hài hòa trong không gian mở, không gian đặc trưng với phong cách kiến trúc năng động của người phương Đông trên hành tinh xanh này. Nếu ở không gian Phố Đông Thượng Hải đón chào bước chân lữ khách tôi bằng cung đường ngập đầy hoa lệ dưới lòng sông Hoàng Phố thì Bến Thượng Hải tạo ấn tượng mạnh mẽ khi lần đầu đứng bên Tháp Truyền Hình Đông Phương Minh Châu để lưu lại góc hình kỷ niệm. Được xây dựng từ năm 1991 và hoàn thành năm 1995, có độ cao 468 mét, Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu được xem là tháp cao nhất châu Á và là một trong những tháp truyền hình cao nhất thế giới. Tháp cao như ngọn bút nghiên chấm phá điểm son kiến trúc giữa khoảng bao la vô tận của trời xanh, giữa màu ngọc bích của dòng nước xanh ánh lên con sông Hoàng Phố trôi về biển cả, lững lờ cùng năm tháng.
Nghe chuyện kể thì được biết, sông Hoàng Phố có chiều dài đi qua địa phận thành phố Thượng Hải gần một trăm cây số, có chiều rộng trung bình 400 mét và độ sâu trung bình gần 10 mét. Cái tên sông Hoàng Phố có từ cuối thời Chiến Quốc, cách nay khoảng hơn hai ngàn ba trăm năm. Khởi sự từ đại thần Hoàng Yết có nhiều công lao cho nước Sở, được vua nước Sở ban cho dải đất Tô Châu của tỉnh Giang Tô và được lệnh đào sông Tùng Giang ở Thượng Hải nối với sông Tô Châu. Dòng sông Tùng Giang mới được đặt tên của đại thần là Hoàng Yết Phố ( Bến Hoàng Yết), theo thời gian về sau này được truyền khẩu gọi lượt gọn là sông Hoàng Phố. Ban đầu sông Hoàng Phố là chi lưu của sông Tô Châu; qua thời gian kiến tạo tự nhiên của dòng chảy đến nay đã nắn dòng sông Tô Châu trở thành chi lưu của sông Hoàng Phố.
Bên Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu, tôi dõi nhìn sang bờ Tây Bến Thượng Hải để thu vào tầm mắt những công trình kiến trúc đồ sộ, nhiều hình thù đan xen vào nhau, sừng sững ở lưng trời. Lại nối tiếp những phút giây sững sờ, lại đắm mình trong mênh mông kiến trúc Thượng Hải, kiến trúc phân bổ rộng khắp với những hình khối mới lạ, trải dài hai bờ phố Đông-Tây sông Hoàng Phố, dòng sông vàng của Trung Hoa đại lục. Đắm mình rồi nhìn ngược về một quãng quá khứ cận đại mới hay dù chỉ mới xuất phát điểm là một làng chài đìu hiu đến một thành phố nặng nề bao cấp, Thượng Hải đã đột phá mở rộng kinh tế thị trường để cất cánh kỳ diệu trong vòng hai thập niên qua, đã vượt xa tốc độ phát triển thành phố Thẩm Quyến và thành phố Quảng Châu, vươn lên đầu tàu tăng tốc kinh tế, trở thành thủ đô kinh tế của Trung Hoa. 
Đến nay Thượng Hải là một thành phố trực thuộc trung ương đại lục, có diện tích hơn 6.340 cây số vuông, dân số hơn 17,1 triệu người. Dân số đông đúc nhưng vào giờ làm việc trong ngày, những hàng xe bóng loáng vẫn chạy đi hối hả trên những làn đường ngay hàng, thẳng lối. Những dòng xe vun vút mà trật tự và nghiêm túc nên không thấy cảnh sát giao thông ngược xuôi, quay vòng còi xe trên đường như thường thấy ở Việt Nam. Xe dừng lại ở khu đi bộ Miếu Thành Hoàng lại có những nế nếp trật tự riêng. Tên là Miếu Thành Hoàng nhưng đây là khu phố cổ của Thượng Hải có lịch sử trên bốn trăm năm được phục dựng lại, nhà tường trắng, treo hàng lồng đèn đỏ trước cửa ra vào hoặc trên cây ngô đồng bên hè phố. Những món quà lưu niệm ở phố này với giá rẻ bất giờ như chỉ cần 10 tệ ( khoảng 30 ngàn đồng Việt Nam ) là mua được các mặt hàng như kính mát, dây chuyền hạt gỗ, hộp đựng nữ trang…   
Nhưng ẩn mình sau sự sôi động hàng ngày, Thượng Hải có một không gian thanh tịnh ở ngôi chùa Phật Ngọc nổi tiếng trong và ngoài nước. Tôi đến chùa chỉ một ngày thường mà rất đông hàng người chầm chậm, thành kính đến viếng chùa như một ngày hành lễ chính. Người hướng dẫn viên bảo rằng đây là ngôi chùa rất đã khắc ghi vào đời sống tâm linh sâu sắc của triệu triệu tín ngưỡng từ trong và ngoài đại lục. Bởi bức tượng Phật nhập niết bàn được tạc trên phiến đá ngọc bích từ Miến Điện cung thỉnh sang Thượng Hải vào năm 1881. Tượng Phật đặt trong lồng kính, phát ra xung quanh những luồng sáng long lanh, kỳ ảo từ những dây hạt kim cương. Trong khuôn viên chánh điện, những tấm bình phong, bác lư hương sơn son thiếp vàng, rực rỡ như những vầng hào quang, như những thông điệp từ cõi vô ngã, vô thường của quá khứ gửi nhắn về…    
Quá khứ ở cõi vô thường, vô ngã thì xa xưa lắm, xa từ thưở hồng hoang của con người. Quá khứ hiện về từ cửa thiền Phật Ngọc, về từ những khu phố cổ xưa, và hiện về lấp lánh trong màu áo mới hiện đại…đã hợp thành đến bây giờ một bức tranh đa sắc, đa diện và cường thịnh của Thượng Hải, thành phố của đôi bờ sông vàng Hoàng Phố. Có lẽ vậy nên khi tôi đang dạo bước bên đời sông Hoàng Phố hai ngàn ba trăm năm tuổi cứ xốn xang gợi lên từ sâu thẳm lời hát “trùng dương lớp lớp trôi đi về phương nao ?…”. Câu hỏi khiến lòng người lữ khách cứ bâng khuâng. Lẽ nào “trùng dương lớp lớp” qua Bến Thượng Hải dài chưa quá một dặm đường ( khoảng nửa cây số ) chạy dọc hai phố Đông- Tây mà ngưng đọng lại, chất chứa lại trong lòng sông không biết bao nhiêu buồn vui của thế sự, vượt cả ngoài suy tưởng của con người ? 
Và lẽ nào lòng sông cứ lặng lẽ sóng xô rồi cuốn trôi đi mãi những cuộc tình sử “thiết tha hơn ngàn trùng dương” mà không biết phương nao là bến là bờ ? Hay có lẽ như vậy mà những bất chợt ngẩn ngơ cứ luôn thôi thúc lữ khách của bốn phương trời nườm nượp đến và đi bên sông vàng Hoàng Phố để được dâng đầy cảm xúc trong ngăn hành trang du lịch của mình ? !. Trung Hoa- Việt Nam tháng 5. 2010