Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Tô Châu không chỉ đẹp vì lụa

Phóng sự VĂN VIỆT
Hai ngàn năm trăm năm trước, vùng đất Tô Châu của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã nổi tiếng trong và ngoài đại lục với nghề trồng dâu dệt lụa thấp thoáng bóng dáng mỹ nhân. Hai ngàn năm trăm năm sau, vùng đất đẹp vì lụa này đã ghi thêm nhiều tên công trình hoa viên vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Một lần lạc lối vào Tô Châu chợt dùng dằng bước chân không muốn ra về.


Chuyện xưa kể rằng vua Càn Long sau những ngày mệt mỏi việc triều chính thường xuống Tô Châu để thư thái với vùng đất của giai nhân, của cảnh sắc thiên nhiên tuyệt trần. Ngày nay nơi “thiên đàng ở hạ giới” này vẫn giữ lại những cỗ máy, những khung cửi ươm tơ dệt lụa cổ nhất cho du khách được dịp đi ngược thời gian hàng ngàn năm trước. 
Vẫn rộn rã tiếng máy quay tơ, vẫn hôi hổi làn khói bốc lên từ những vạt nước kén đun sôi. Đưa tay lướt lên những sợi tơ óng mịn mới hay người Tô Châu thuở xưa đã biết chiết ghép tạo ra những giống dâu lá to rộng và mỡ màng bằng đôi bàn tay làm thức ăn khoái khẩu cho tằm. Bất chợt hình ảnh những thiếu nữ Tô Châu thướt tha ra đồng hái dâu, dịu dàng bên vòng quay tơ từ những câu chuyện ngày xửa ngày xưa như bước ra thoáng hiện đâu đây ở xưởng dệt cổ này. Có lẽ vì vậy mà danh xưng Tô Châu, thành phố của “kinh đô tơ lụa” Trung Hoa hiện đang là niềm mơ ước một lần đến của lữ khách muôn nơi. Đến để nghe, để nhìn, để chạm tay, để cảm nhận…để rồi từ đó lữ khách trở về thực tại, thỏa sức chọn lựa mua những mặt hàng tơ lụa phong phú, đa dạng, đẹp mắt ở một khu thương mại lớn của miền đất hạ lưu sông Dương Tử này.
Đến “kinh đô tơ lụa” Tô Châu của tỉnh Giang Tô, Trung Hoa câu truyền khẩu  “Ăn Quảng Châu, chơi Hàng Châu, ở Tô Châu…” ngay xứ đại lục không chỉ gợi cho du khách cảm giác nôn nao khám phá vùng đất của mỹ nhân, của nghệ thuật ươm tơ dệt lụa mà đó còn là khám phá nghệ thuật kiến trúc độc đáo của nhân loại. Trên đường từ thành phố Vô Tích về Tô Châu hôm ấy với những người làm báo chúng tôi gần như mọi sự hình dung, mường tượng trước khi đặt chân đến đều không dễ sánh được với nét đẹp trầm tích hàng ngàn năm hiện ra. Cuối xuân đưa mắt qua hình vuông khung kính xe, những hàng cây ngô đồng trút lá lại thoáng rõ hơn những đường nét cổ xưa của phố xá Tô Châu. Không có những khối nhà xếp tầng cao vút như thành phố thương mại Thượng Hải, không có những cung đường giao thông cuồn cuộn thành năm, bảy tầng xoắn ốc như phố thị cửa ngõ Bắc Kinh. Tô Châu đặc trưng với dãy phố thấp, mái nhà cong cong hình thân rồng, lợp ngói hình vảy rồng theo cách điệu âm dương giao hòa. Dọc theo những con phố dài sát kề bên nhau là những hàng hoa mộc lan nở trắng muốt giữa sương xuân bồng bềnh. Bất chợt phố lại men theo một đường kênh đào miên man chảy về xuôi. Trên kênh mềm mại những chiếc cầu cánh cung, những nếp nhà nghiêng nghiêng bên thân liễu rũ nhẹ lay trong gió, đẹp đến nao lòng. 
Sử cũ chép lại, Tô Châu là đất mà thời Tam Quốc trước khi chết, Chu Du đã kêu đến chín tầng trời không thấu:  “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”. Đế thời thi sĩ Bạch Cư Dị khi nhậm chức tri phủ Tô Châu vào thế kỷ thứ chín đã cho dân công cật lực hoàn thành phần kênh đào từ Bắc Kinh về đây cũng chỉ để tao nhân, mặc khách khắp bốn phương trời dừng bước ngao du, ngâm vịnh. Nhưng có lẽ từ tình yêu thiên nhiên đến mê đắm của thi sĩ Bạch Cư Dị đã khởi nguyên cho những ý tưởng lập thành cả trăm hoa viên mang giá trị di sản của Trung Hoa đại lục và di sản của thế giới sau này. Trong đó hầu hết những chủ nhân của hoa viên đều thuộc hàng quan lại của những triều đại phong kiến Trung Hoa khi cáo lui về làm ẩn sĩ, ngày ngày gắn mình với mai, trúc, cần câu, thưởng hoa vọng nguyệt..mà trong lòng đâu dễ hết canh cánh những tháng ngày mũ cao áo dài ở chốn kinh kỳ. 
    Di  sản Hoa viên “Sư tử lâm”  là một trong cả trăm điểm du lịch hấp dẫn theo phong cách kiến trúc nhà ở giành cho bậc quyền quý xưa của Tô Châu. Chúng tôi chạm bước vào sân hoa viên “Sư tử lâm” chỉ phút đầu tiên là lạc vào một khoảng không gian xưa lắm của bậc đại thần từ cung đình Trung Hoa sơn son thiếp vàng trở về “vạn đại”. “Đây là tác phẩm điêu khắc của đá tự nhiên ở Tô Châu thành hình 3 con sư tử tượng trưng cho quyền uy của chủ nhân. Và đây là tảng đá mang hình những làn mây lượn bay trên trời cao, biểu thị người có quyền cao chức trọng, là người cai quản thiên hạ. Còn đây là cánh cửa ra vào có chiều cao vượt mức bình thường bấy giờ. Quan cao thì cửa phải cao…”- Cô gái trẻ là hướng dẫn viên du lịch người chính gốc Trung Hoa thuyết minh. Bao quát một cái nhìn, vườn “Sư tử lâm” gần như nguyên vẹn một quần thể kiến trúc cổ với hệ thống hành lang khép kín nối liền những căn phòng trong căn nhà. Phòng ở  với bàn ghế, giường tủ… chạm trổ hình rồng là dành riêng cho đấng nam nhi. Phòng ở với bàn ghế, giường, tủ…chạm hình chim phượng là dành cho phận nữ nhi. Dạo ngắm trên hành lang uốn lượn quanh hoa viên, nhìn xuống hồ nước trong veo, không khó để thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng. Và thỏa thích nhìn những hàng hoa lá rực rỡ, xanh tươi bao bọc, những cây cổ thụ với bộ rễ gân guốc nhô lên mặt đất hàng trăm năm. Rồi bỗng nhiên được vào sâu dưới những vòm đá, hang đá như còn hoang sơ giữa đại ngàn. Kỳ thú nhất là đặt được bàn tay vào đôi cây bạch quả- một loài cây chỉ có thể thụ phấn ra trái khi được trồng sát cạnh bên nhau. Chỉ vài ba cặp cây bạch quả ở hoa viên “Sư tử lâm” mà hàng ngày, hàng giờ luôn thu hút đông đặc người quây quần xung quanh, cầu mong được cây truyền cho cuộc sống hạnh phúc viên mãn về mình. 
Từ những quần thể kiến trúc khác biệt ở hoa viên “Sư tử lâm” Tô Châu,  đã được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc xét công nhận là di sản văn hóa thế giới cách đây mười năm. Cùng với những dấu tích “kinh đô tơ lụa” hàng ngàn năm luôn được bảo tồn, gìn giữ cẩn trọng đến ngày nay, đất Tô Châu, Trung Hoa đã và đang có sức quyến rũ đặc biệt đối với du khách trong nước, ngoài nước để ngành công nghiệp du lịch địa phương không ngừng tận dụng mọi điều kiện và cơ hội đầu tư nâng cấp và phát triển làm giàu. Tô Châu- Đà Lạt tháng 5. 2010