Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Đi qua vùng đất chết

Phóng sự VĂN VIỆT 
( Giải Ba – Giải Báo chí tỉnh Lâm Đồng năm 2009) 
Cho đến bây giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước vẫn thường bắt gặp những dòng tin phá rừng YaHoa - rừng giáp ranh giữa huyện Ninh Sơn của tỉnh Ninh Thuận và huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Đi qua vùng “đất chết” YaHoa càng cảm thấu tận cùng cái giá của rừng.

 CỦA RỪNG..RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT
 Trở lại rừng YaHoa lần nào tôi cũng bị ám ảnh bởi “con đường chết” từ ngã ba Ma Nới của tỉnh Ninh Thuận dẫn vào rừng Lâm Đồng đến hơn 40km. Vào hè nên đồng đất nơi đây khô cháy đến bốc khói. Gần trưa chừng vài trăm mét lại gặp đôi, ba cộ bò chở gỗ căm xe, bằng lăng, sến…từ rừng Lâm Đồng lắc lư đi ra. Không ít lần xe u oát của Huyện đội, Ban Quản lý rừng và Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, Lâm Đồng qua đây bị trúng đá của những lâm tặc “giấu tay”, buộc xe phải “trả số ngược” chạy đường vòng thoát hiểm. Gỗ lâm tặc chở về bán cho các xưởng mộc, cơ sở chế biến đũa, tăm …trên địa bàn huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Bị bắt thu giữ phương tiện hôm nay; hôm sau lâm tặc lại tìm cách đột nhập vào rừng “gỡ lại”. Có người vừa ra tù chưa ấm chân, đã thấy có mặt trong rừng vung rìu đốn hạ gỗ. Rồi nhiều người bị rừng thiêng cướp đi mạng sống, nhưng không ai xem hiểm họa đó để tự răn đe mình. 
Cách đây ba năm, tôi đã vào xã Quảng Sơn, Ninh Thuận với bao chuyện nghe như xé lòng. Hôm ấy làng Hạnh Trí của xã vừa đưa đám tang xong xuôi một người rồi kéo nhau trở lại ngay vào rừng. Người chết ấy là “thợ rừng” Trần Huynh, bị trúng một viên đạn từ bả vai xuyên qua quả tim, không kịp đưa đi bệnh viện. Có lẽ viên đạn phát hỏa từ các chốt giữ rừng của Lâm Đồng trong lúc phòng vệ với số đông lâm tặc tấn công. Nhưng đây không phải lần đầu gia đình này có “thợ rừng” chết. Trước đó chừng hai năm - người anh kế của Trần Huynh là Trần Hòa cũng bị trúng đạn chết tại rừng Yahoa của Lâm Đồng. Hai năm chết hai người con trai trụ cột kiếm tiền, bà Sự rưng rưng : “ Chiếc cộ bò giá trị hàng chục triệu đồng là tài sản lớn của tôi và chồng tôi khi còn sống tích cóp; nay đã bị tịch thu mất rồi. Vào rừng, đứa con trai lớn chết chưa mãn tang ba năm thì đến lượt đưa đám cho đứa con trai kế tiếp. Tôi biết sống ra sao bây giờ ?!” Những cái chết của “thợ rừng” sao mà đơn giản quá. Chuyện kể chưa lâu, một lâm tặc đã bị khúc gỗ đập lên đầu chết khi chiếc xe máy tự chế chở gỗ lật ngửa trên đường. 
Những lâm tặc còn sống vội lập một chiếc am thờ ngày nào cũng nồng nặc khói thuốc nhang. Và trươc đó nữa, một lâm tặc bị thiệt mạng do dùng hung khí nguy hiểm “áp sát” lực lượng giữ rừng. Cả trăm lâm tặc đang trong rừng hú gọi đưa xác lâm tặc chết đến một trạm bảo vệ rừng vây ráp náo loạn, buộc những nhân viên đang trực ở đây phải tạm “rút quân” vào rừng. Cùng thời điểm bị trúng đạn như Trần Hòa là “thợ rừng” Trần Xuân Thái, ở thôn Thạch Hà của xã Quảng Sơn. Sau một cuộc “chạm trán” với lâm tặc giữa rừng Yahoa, viên đạn từ lực lượng bảo vệ rừng Lâm Đồng bay trúng vào vùng xương sườn làm Thái ngã lăn tại chỗ. Rất may, Thái vẫn kịp cứu sống khi đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng cái giá phá rừng mà Thái phải gánh hàng chục triệu đồng tiền thuốc thang nằm viện hơn nửa tháng trời. Mấy sào đất; căn nhà ván hăm mấy mét vuông; mấy chục con bò, con dê… còn lại của cha mẹ già đắp hết vào vết thương của Thái. Rồi phương tiện xe máy bị tịch thu. Rồi một cơ thể chịu tật nguyền suốt đời. Hôm tôi đến không gặp Thái ở nhà. Phải chăng Thái đang quay lại rừng bất chấp lần nữa tính mạng của mình…
Người đàn ông bạo gan Hà Văn Dũng
 CHÂN DUNG “NGƯỜI BẠO GAN” 
Lẫn trong đám lâm tặc hàng ngày ra vào “con đường chết” nói trên là một người đàn ông Đà Lạt có tuổi đang chạm ngưỡng “ngũ thập”. Hơn hai năm đối diện với hiểm nguy và khổ nhọc trên đất lâm tặc YaHoa, ông không hề nản chí mà luôn tìm hướng hóa giải nó để vượt qua. Bởi vậy ai chỉ lần đầu vào YaHoa cũng cảm phục ông quả là… “người bạo gan”. Ấy là ông Hà Văn Dũng, cư ngụ tại đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt. Sinh ra giữa thành phố trong rừng và rừng trong thành phố, ông Dũng đã sớm ấp ủ một khát vọng xanh cho cơ nghiệp của mình. Khi tích lũy được nguồn vốn tương đối qua nhiều ngành nghề kinh doanh, ông Dũng quyết định chuyển hướng lên rừng YaHoa. Người thân, bè bạn có ít nhất năm lần, bảy lượt bàn ra nhưng ông Dũng luôn có niềm tin nội tâm rằng : “Lâm tặc YaHoa cũng là con người, lẽ nào họ cứ liều lĩnh mãi hay sao ?!” Rồi không tính toán thiệt hơn thêm nữa, ông Dũng đặt bút ký nhanh hợp đồng thuê lại nhà nước 200 ha đất rừng nghèo kiệt để phủ xanh theo thiết kế và quy hoạch lâu dài. 

 Rừng YaHoa tiềm ẩn nhiều bất trắc. Nhưng chính đây là dịp thử thách lòng kiên nhẫn và thể hiện cách làm ăn bài bản của ông Hà Văn Dũng. Khu cây tạp tái sinh thì dùng cơ giơi đào bứng hết gốc rễ trước khi gom dọn và đốt sạch tại chỗ. Xử lý đồi đất sỏi đá thì phải cày ải lên cho tơi xốp. Rồi đợi mưa xuống bón lót phân để xuống giống. Dũng trồng cây rừng mà cứ như trồng cây nông nghiệp vậy. Có khác chăng là ông Dũng huy động trên dưới 10 đầu xe cơ giới đồng loạt mở đường nội bộ; và cày, bừa, xúc, đào, ủi…trên khắp dãy đồi. Đầu xe nào cũng thuộc “hạng nặng” với giá từ vài trăm triệu đồng nên chỉ chín tháng sau khai hoang vỡ hóa, ông Dũng đã bắt đầu trồng cây cao su và cây keo lá tràm trên 160ha. 
Được nhiều kỹ thuật viên lâu năm trong nghề lâm nghiệp trong nước về cộng tác, ông Dũng đặt mỗi mầm cây xuống đất đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định: Trồng keo thì cây cách cây 1,5m; hàng cách hàng 3,5m. Trồng cao su thì cây cách cây 03m; hàng cách hàng 06m. Để trồng từng cây rừng YaHoa, việc đầu tiên ông Hà Văn Dũng nghĩ đến là ưu tiên thuê mướn lao động là những “thợ rừng” của huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Để tuyển dụng và điều hành có hiệu quả cùng lúc hàng trăm “thợ rừng”, ông Dũng đã mời gọi được các “ông quản đốc” chính gốc Ninh Sơn, Ninh Thuận, tuổi đã chạm ngưỡng sáu mươi, là người với tiếng nói được cộng đồng dân cư địa phương nể trọng. 
Như “quản đốc” Tám là người thuộc lòng từng “khuôn mặt thợ rừng” của Ninh Sơn, Ninh Thuận. Lần nọ, một nhóm “thợ rừng” bị bắt quả tang đang đào trộm khoai liền lớn tiếng dọa chém “quản đốc Tám”. Ông Tám nhẹ nhàng: “ Tụi bay với tao không phải là người lạ. Nếu chém tao được thì tụi bay cứ việc chém đi…” “Thợ rừng” nghe như động tới tâm can nên đã cúi mặt ra về mà không lần nào quay lại nữa. Với “quản đốc Năm” thì luôn nhờ người của các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, phối hợp gặp gỡ gia đình người “thợ rừng” để giáo dục, tìm kiếm việc làm mới. Kết quả năm đầu tiên, ông Hà Văn Dũng thu hút trên dưới 150 lao động có việc làm thường xuyên. 
Đến nay chỉ còn phần việc làm cỏ, bón phân cây rừng; trồng cây nông nghiệp ngắn ngày nên số lao động xuống con số ổn định 50 người. Làm việc mỗi ngày 8 tiếng đạt yêu cầu lao động phổ thông được hưởng lương mỗi người mỗi tháng từ 02 triệu đồng trở lên. Chiều thứ bảy là ngày vui nhất của lao động. Họ được trả lương cả tuần công và rôm rả bàn chuyện ở nhà ngày chủ nhật trong từng gia đình. “Có việc làm như thế này, chúng tôi đâu phải lao thân đi vào rừng kiếm gỗ lậu nữa…”- Hai vợ chồng lao động ở đây nói. 


 MỘT CHÚT HY VỌNG 
Bây giờ khu đồi đất lâm tặc YaHoa của ông Hà Văn Dũng đã thẳng tắp những hàng cây cao su, cây keo lá tràm đâm cành nẩy lá. Có những hàng cây đã vươn cao từ hai mét đến hơn ba, bốn mét. Bên dưới vòm cây xanh, ông Dũng đã trồng và thu hoạch liên tục mấy lứa khoai mì, khoai lang, bán thu vào khoản trả tiền công lao động. Và còn có cả ngàn mét vuông ao thả cá, đàn bò đến trăm con…đang khép kín mô hình vườn rừng- ao – chuồng với hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn. 
Tiếp xúc với phóng viên mới đây, ông Huỳnh Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Ka Đô, Đơn Dương đã đánh giá : “Dự án 200 ha của ông Hà Văn Dũng trồng cao su, keo lá tràm, khoanh nuôi bảo vệ rừng trên tiểu khu 329, thuộc lâm phần xã Ka Đô đã triển khai theo đúng quy hoạch, đúng tiến độ, đạt kết quả đáng kể. Dự án đã tạo việc làm và cùng xây dựng ý thức quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng đối với người dân quanh vùng…” 
Còn “người bạo gan” Hà Văn Dũng thì khoác vai tôi tâm sự : “Mình đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng trên khu đồi đất YaHoa. Năm, bảy năm nữa, keo lá tràm sẽ thu hoạch gỗ, cao su sẽ cho mủ. Khi đó mình sẽ bắt đầu thu hồi lại vốn; và sẽ khoán mới việc làm quanh năm cho hàng trăm lao động trên đất Ninh Sơn, Ninh Thuận này…” Cũng mới một chút lạc quan đi qua vùng “đất chết” thôi, “người bạo gan” Hà Văn Dũng đã hé mở trước mắt tôi một vùng sáng mới…./. Tháng 7/2009