Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Từ thuở xung phong đi mở đất…

Phóng sVĂN VIỆT
( Giải  C-Giải báo chí toàn quốc viết về 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội)
Bây giờ đi qua thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng được ngắm nhìn cung đường nối dài giữa Quốc lộ hai mươi bảy và thành phố du lịch Đà Lạt. Ba mươi bốn năm trước, những người Hà Nội xung phong vào đây mở đường, mở đất, đặt những viên gạch làm nền móng cho diện mạo sầm uất, phát đạt của thị trấn này. Ký ức người Hà Nội từ thuở nhọc nhằn mà nhiều khát vọng trên vùng núi Nam Ban hoang vắng vẫn tươi nguyên như mới vừa hôm qua.    

Chủ tịch thị trấn Nam Ban, anh Thái Văn Mai là người Hà Nội theo gia đình định cư vùng kinh tế mới Nam Ban từ thuở tuổi mới lên chín. Kỷ niệm tuổi thơ của Thái Văn Mai gắn liền sau những giờ tan trường theo mẹ cha khai phá đất mới. Đất rộng người thưa, rừng núi âm u với chim kêu vượn hú ngày đêm bên hiên nhà. Mai lớn lên hồn nhiên bên cây rừng, con suối, học hết cấp hai ở cấp xã, lên cấp ba lấy bằng tú tài ở cấp huyện và xuất sắc bước vào giảng đường Đại học Nông- Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Khi vừa tốt nghiệp đại học, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh mời gọi làm việc với mức lương khá hấp dẫn, nhưng Mai quyết định trở về quê mới Nam Ban để…làm nông nghiệp. “Trong lúc tôi nghĩ về một trang trại nông – lâm kết hợp cho gia đình mình ở phía trước thì các bác, các chú lão thành cách mạng đến động viên nhận công tác ở chính quyền địa phương. Thế là chương trình lập thân lập nghiệp của tôi chuyển sang một hướng khác…”- Chủ tịch Mai nhớ lại. 
Công việc đầu tiên của tân cử nhân nông- lâm Thái Văn Mai là chuyên trách cùng lúc mấy lĩnh vực giao thông, kế hoạch, thủy lợi, thuế…của Ủy ban thị  trấn Nam Ban. Vào việc rồi công việc cứ cuốn hút…công việc.  Năm 2005- sau mười hai năm hòa mình với những công việc chuyên trách này, Mai được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Uy ban nhân dân thị trấn Nam Ban. Nay nhìn lại đã ba mươi ba năm trưởng thành giữa sự đổi thay muôn mặt trên đất Nam Ban, Chủ tịch Thái Văn Mai bày tỏ: “Người Hà Nội trên đất Nam Ban vượt qua nỗi nhớ bản quê bằng những việc làm xây dựng đời sống kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho gia đình và cho quê mới của mình. Sự cần mẫn, chí tiến thủ của người Hà Nội đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình làm giàu, nuôi con học hành thành đạt; đóng góp công sức và tiền bạc cùng với nhà nước và các tổ chức hỗ trợ khác từ bên ngoài, xây dựng Nam Ban mỗi ngày giàu đẹp thêm…”
Theo sự giới thiệu của Chủ tịch Thái Văn Mai, tôi tìm gặp chị Phạm Thị Nguyệt ( 51 tuổi) - một trong những thanh niên Hà Nội xung phong đầu tiên đến vùng đất Nam Ban vào tháng 10/1976. Chị Nguyệt còn khá trẻ so với tuổi ngũ thập của mình. Nhắc về một thuở háo hức vào Nam Ban mở đất, chị Nguyệt sôi nổi: “Tôi xung phong vào Nam Ban xây dựng nông trường thanh niên với thời hạn ba năm. Nhưng hết thời hạn thanh niên xung phong, vùng đất sơ khai Nam Ban đã níu giữ chân tôi lại bởi những nương dâu xanh tốt, những con tằm nhả tơ óng mịn…” Mãn niên hạn thanh niên xung phong, chị Nguyệt ở lại Nam Ban đi học sơ cấp kế toán rồi được phân công làm việc tại một đơn vị dâu tằm tơ của nhà nước. Chị Nguyệt lấy chồng cũng là đồng nghiệp kế toán và là người đồng hương Hà Nội ở Nam Ban, được nhà nước cấp cho miếng đất nho nhỏ lập nên căn nhà lợp cỏ tranh, vách đan tre nứa. Quanh nhà là hai sào đất trồng bắp, khoai, ngô…luân canh cho “vấn đề lương thực hàng đầu” nuôi cuộc sống hàng ngày. Nhận việc chính thức ở cơ quan dâu tằm tơ, vợ chồng chị được giao thêm cho năm sào đất trồng dâu nuôi tằm nữa. 
Bên cạnh công việc ở cơ quan là công việc lặn lội trên từng luống dâu, nương khoai không kể ngày nghỉ, không kể sớm hôm khuya tối của hai vợ chồng chị Nguyệt. Thời hoàng kim của dâu tằm tơ là đầu những năm chín mươi. Nắm bắt thời cơ, vợ chồng chị Nguyệt khởi nghiệp bằng quy mô ươm tơ gia đình làm điểm xuất phát để mở rộng thành cơ sở ươm tơ từ hai chục cần tơ đến ba dây chuyền máy móc thiết bị tân tiến và năm, bảy công nhân vận hành. “Khi ấy trừ hết mọi cho phí, vợ chồng tôi thu lãi trung bình đến hai chỉ vàng mỗi ngày…”- Chị Nguyệt không quên. Những năm về sau, chị Nguyệt mở mang tiếp đại lý thu mua kén và cung cấp giống tằm. Sự biến động của thị trường và điều kiện riêng của mình, những năm cuối thập niên chín mươi, vợ chồng chị Nguyệt mở đại lý kinh doanh lương thực, phân bón và đến nay là một doanh nghiệp kinh doanh vật tư xây dựng thành đạt ở quê mới Nam Ban.Với cơ ngơi đất đai, nhà cửa, xe vận tải… giá trị nhiều tỷ đồng tọa lạc khu trung tâm thị trấn Nam Ban, vợ chồng chị Nguyệt đang có một mức sống thu nhập khá giả sau khi đã…cưới vợ và dựng xây nhà cửa riêng cho con trai đầu. Người con gái thứ hai ( gái út) của chị Nguyệt đang học năm cuối của Trường Đại học Đà Lạt. 
Cũng quãng thời gian ba mươi bốn năm trước của chị Nguyệt, lúc đặt chân đến đất mới Nam Ban, vợ chồng ông Trần Đình Tải - bà Nguyễn Thị Sáu đang tuổi chưa tới tam thập nhi lập. Chồng làm công an, vợ làm giáo viên nên cả hai đều tận dụng mọi thời gian để làm vườn, chăn nuôi, gom mua từng bao trái cây, bắp, đậu…từ Nam Ban đón xe lam ra Đức Trọng bán lấy tiền nuôi sống gia đình với năm người con cả trai lẫn gái đều đặn đến trường. Sự nỗ lực của vợ chồng ông Tải- bà Sáu đã được cả năm người con báo đáp xứng đáng với lần lượt tốt nghiệp những tấm bằng cử nhân và thạc sĩ. Bây giờ, các con đều lập gia đình ở riêng, vợ chồng ông Tải - bà Sáu đã về hưu vui thú điền viên ở khu phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban với: 5 sào cà phê kinh doanh, duy trì quanh năm đàn heo 40 con, đàn gà 100 con, 3 sào mặt nước ao cá…“Ra đi công tác từ Hà Nội, vùng đất thủ đô đã cho chúng tôi những động lực chịu thương, chịu khó trên đất mới Nam Ban để phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con học hành lên cao…”- ông Tải - bà Sáu hài lòng nói và dẫn tôi tản bộ một vòng vườn- ao- chuồng. Đang nắng ban trưa càng ánh lên màu thăm thẳm của cà phê, ánh lên mặt gương hồ phẳng lặng, trong xanh…Không gian thư thái đến không ngờ. 
Không gian điền viên của ông Tải- bà Sáu như kết nối với một khu đồi  phía tây cách nhau chừng mươi phút xe máy. Biết khách nhà báo mong muốn nghe chuyện, trong khi cho đàn hươu ăn, cựu chiến binh Lê Minh Đầm (64 tuổi), người chủ vườn- ao- chuồng ở đây, kể vắn tắt về mình: “…Vào đầu thập niên tám mươi, chính quyền thủ đô Hà Nội tiếp tục tổ chức đợt xây dựng kinh tế mới Nam Ban, Lâm Hà. Với hy vọng tạo lập cuộc sống mới có nhiều đất vườn, tôi xung phong đưa vợ con của mình từ thủ đô vào khu phố Từ Liêm, thị trấn Nam Ban định cư. Đến nay đất Nam Ban đã không phụ công cho gia đình tôi có tích lũy để xây dựng một trang trại quy mô gồm 5 sào cà phê ( 2 tấn nhân/năm), 1 ha ao cá ( 7 tấn- 8 tấn cá thịt/năm), 11 con hươu (thu 70 triệu đồng tiền nhung hươu/năm), xuất bán trên dưới 1,2 tấn heo thịt/năm và cả ngàn con gà vườn/năm…”
“Đất  mới Nam Ban ngày nào um tùm cỏ tranh, lau lách nay đã thành vùng đất lợi thế của  chuyên canh cây công nghiệp và chăn nuôi quy mô trang trại !”- Chủ tịch Thái Văn Mai khẳng định. Điều này càng minh chứng rõ thêm khi tỉ lệ hộ nghèo là những người Hà Nội xung phong mở đất ở Nam Ban hiện tại gần như không còn. Đất cho người những nguồn lợi trù phú. Người có nguồn lợi tích trữ từ đất đã nhiệt thành quyên góp xây dựng quê mới Nam Ban ngày một văn minh và hiện đại hơn lên. Đến thời điểm tháng tám năm nay, những công trình hướng về kỷ niệm ngàn năm Thăng Long- Hà Nội đang dần hoàn thiện. Như với kinh phí được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ và một phần đóng góp của người Hà Nội ở Nam Ban cùng với cư dân các tỉnh, thành khác trong nước, công trình đáng kể trước hết là Nhà Văn hóa thể thao Nam Ban với tổng kinh phí 21 tỷ đồng. 
Đây là công trình phối cảnh trên diện tích 1.200 mét vuông, gồm nhiều phòng thi đấu đa năng, dự kiến hoàn thành đúng vào ngày 10/10/2010. Tiếp theo  là những công trình sẽ hoàn thành trong tháng 8 và tháng 9/2010 gồm: xây mơi 10 phòng học trường mẫu giáo với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng, xây mới 8 phòng học trường mầm non với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Ở khu dân cư, người Hà Nội ở các khu phố Đông Anh 1, Đông Anh 2 và Đông Anh 3, đã đóng góp trên dưới 300 triệu đồng cùng với nhà nước địa phương xây dựng 3 công trình giao thông nông thôn, mỗi công trình với chiều dài khoảng 1,5km, kết cấu đường đá cấp phối. Ngoài ra ở các khu phố khác trong thị trấn Nam Ban cũng đã và đang thiết thực hướng về kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm bằng những công trình đang sắp sửa khánh thành như hội trường văn hóa, đường liên khu phố…ở Khu phố Ba Đình, khu phố Trưng Vương…
Về Nam Ban, Lâm Hà vào những ngày Tháng Tám năm nay được cảm nhận không khí rạo rực cùng với cả nước hướng về đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Ấy là những công trình khởi công và khánh thành mới chuyển tiếp với những công trình của các thế hệ người Hà Nội sau ba mươi bốn năm định cư mở đất, tạo nên vóc dáng mới đổi thay từng ngày của Nam Ban như lời thơ ngợi ca của hội viên Trương Thị Tươi thuộc Câu lạc bộ thơ Việt Nam - Chi nhánh Nam Ban : “Nam Ban vươn lên, Nam Ban đổi đời. Xứng gái sắc- trai tài Hà Nội. Ơi những người con Tràng An mở cõi. Chung tay xây dựng nơi này…” ( Trích trong tập thơ Nam Ban yêu thương – Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam)  . /.  Nam Ban- Đà Lạt tháng 8.2010