Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Keo lên nương

(Giải Ba Cuộc thi Phóng sự Báo Lâm Đồng năm 2010)
Phóng sự VĂN VIỆT

Trên chiếc u oát băng qua đường đất gập ghềnh, anh Đỗ Văn Thủy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đưa tôi tiếp cận vào trong khu rừng trọng điểm ở thôn 8, xã Tân Thanh. Nói  trọng điểm bởi nơi đây là vùng đất của dân di cư tự do ngoài tỉnh Lâm Đồng vào phát rừng làm nương rẫy thường gặp từ những thập niên chín mươi. Và bây giờ chính những người phát rừng ấy đang tìm thấy cơ hội chuộc lỗi  bằng việc ươm trồng mới hàng trăm ngàn mầm sống cây keo lá tràm trên nương rẫy của mình. 

KEO THẾ CHÂN “CÀ”
Từ trung tâm xã Tân Thanh vào trung tâm thôn 8 dài đến bảy, tám cây số đường đất đỏ bết dính, len lỏi giữa những tán cà phê đang mùa quả bám chặt trên cành. Hat trưởng Thủy cho biết mấy tháng nay cứ mỗi tuần anh đều trực tiếp dẫn quân kiểm lâm vào đây để thị sát rừng. Nếu như thời gian lùi xa về trước nữa, mỗi khi thấy có sắc xanh kiểm lâm thường những người chủ nương rẫy tìm cách lẩn tránh trong rừng sâu; hoặc bất đắc dĩ phải gặp mặt thì cố tìm những lời lẽ loanh quanh hoặc thái độ đối phó với sự kiểm tra. 
Còn nay thì cứ thấy kiểm lâm thì họ đến gần hồ hởi khoe từng hàng cây keo tràm sau một đêm nẩy nở. “Hạt đã biệt phái 2 kiểm lâm viên vào đây cắm chốt với cán bộ lâm nghiệp xã Tân Thanh để ở bên cạnh dân, cầm tay chỉ cho dân từ lúc đưa cây giống về nuôi dưỡng trong vườn nhà đến lúc đưa cây giống lên nương lấp đất trồng. Trông xong thì tiếp tục thị sát hướng dẫn cho dân chăm sóc cây sao cho đạt khả năng sinh trưởng đạt nhất…”- 

Hạt trưởng Thủy đang chuyện trò với tôi trên đường lội bộ thì bỗng gặp được một người chủ rẫy ở đầu thôn vồn vã mời lên đồi xem keo bén rễ. Đó là một thanh niên nhanh nhẹn và xốc vác với cây rựa dài vừa phát cỏ trên nương, thấy kiểm lâm vô nên vội chạy xuống đón chào. Người thanh niên tâm sự: “ Em tên Đàm Hồng Luân, năm nay hai mươi sáu tuổi. Từ quê miền núi phía Bắc, em theo gia đình vào thôn 8, Tân Thanh lập nghiệp từ năm mới lên tám tuổi. Bây giờ em đã có vợ, có con, có cà phê và mới xuống giống keo lá tràm xong với hơn 2,3 ha.. ” 
Khi hỏi thêm diện tích keo này có được từ khi nào thì Luân thật thà nói là do gia đình Luân tự “khai phá”. Gọi là “khai phá’ nhưng thực chất gia đình Luân đã lấn chiếm đất rừng trái phép rồi khoanh thành nương rẫy từ những năm đầu thập niên chín mươi để trồng các loại cây ngắn ngày. Cho đến gần về cuối năm 2010, trong lúc gia đình Luân cặm cụi ken dày hố đào chuẩn bị xuống giống cây cà phê “mo” thì cán bộ kiểm lâm trên huyện cùng với cán bộ chính quyền và các đoàn thể xã, thôn xuống vận động trồng mới rừng keo. “Ban đầu gia đình cứ nghi ngại việc trồng keo là sẽ bị nhà nước thu hồi lại đất. Dần dần được cán bộ từ thôn, xã đến huyện phân tích trong cái lợi chung của nhà nước có cái lợi dành riêng của người trồng rừng nên đã hiểu ra… ”- Luân tâm sự.

Cùng Luân sải chân lên một quả đồi xô nghiêng, dưới từng bước chân là những hàng cây keo bám rễ kết đoạn trên từng hàng hố cà phê. Cây trồng cách cây từ một mét đến một mét rưỡi, sau hơn hai tháng trồng, cây đã bén rễ vươn cao hơn nửa mét, cũng có vài hàng cây đua nhau lớn cao nhanh hơn một mét. Ước gia đình Luân đã trồng tất cả khoảng trên dưới 4.000 cây keo rừng mà chỉ tốn công chứ toàn bộ nguồn vốn đầu tư đều do nhà nước hỗ trợ. Rồi mai này thu hoạch keo rừng cũng được nhà nước cho người trồng hưởng trọn một trăm phần trâm sản phẩm gỗ nữa.
Cách quả đồi keo của Luân nửa giờ băng bộ ở phía bên kia là quả đồi keo của chủ nhân tên là Phạm Văn Định. Theo lời Định, đầu năm 2010, từ miệt đồng bằng phía Bắc, Định đèo bòng vợ con vào thôn 8, xã Tân Thanh tìm mua đất để trồng “cà” sinh sống lâu dài. Kết quả đã mua bằng giấy tay hơn 8 sào đất rừng trống với giá hơn 45 triệu đồng. 
Mới trồng thu được hai lứa bắp, đậu, dự tính cuốc đào hố hết thảy trên 8 sào đất để gieo giống “cà” thì gặp cán bộ kiểm lâm địa bàn đến bảo  phải trồng lại rừng. Nghe bất ngờ quá nên người cứ như lửa đốt: Phải chăng đất mình mua không có đóng dấu tròn đỏ của nhà nước nên bị thu hồi không điều kiện hay sao ? Liệu mình có đòi lại được 45 triệu đồng đã đổi phải đất nương rẫy từ rừng hay không ? Hết trằn trọc suy nghĩ đến trằn trọc lo âu thì cũng kịp lúc được cán bộ xã, huyện đến tận nhà giải thích thấu đáo: “ Người có đất nương rẫy được tiếp tục sử dụng để trồng rừng. Có thể trồng thuần cây rừng hoặc trồng xen với các loại hoa màu khác. Một trăm phần trăm nguồn tiền mua cây giống đều do nhà nước chu cấp không hoàn lại. Đây là rừng sản xuất, người chủ nương rẫy chăm sóc tốt đến năm năm sau có thể bắt đầu thu hoạch gỗ từ tỉa thưa cây rừng, rồi đến khi thu toàn bộ sản phẩm gỗ khai thác theo từng chu kỳ, theo khoảnh rừng bán lấy tiền mà không phải nộp cho nhà nước một khoản nào…. ” 
Nghe như sáng ra cái hướng làm ăn chuyển đổi cây trồng mới hết sức khả quan của mình, hai vợ chồng Định (đều hơn ba mươi tuổi) như không còn nhớ hết mệt nhọc khi trồng hoàn thành hơn 4.000 cây keo liên tục hơn hai tháng qua. Định bộc bạch: “ Vợ chồng em thực lòng rất mừng vui khi vừa định cư trên đất mới Tân Thanh là được trồng giống keo lá tràm do nhà nước cấp cho. Em sẽ cố gắng chăm sóc rừng phủ thật xanh tốt cho thôn, cho xã để sau này mình hưởng được hiệu quả kinh tế từ sản phẩm gỗ nhiều hơn….  ”  
MỘT VÙNG ĐỆM XANH
“Vợ chồng người thanh niên Phạm Văn Định là người định cư Tân Thanh mới đây nhưng đang sử dụng nương rẫy nên vẫn được hưởng miễn phí nguồn cây giống trồng keo rừng như những hộ dân đến ở trước đó…”- Người thanh niên Nguyễn Hải Quân, Phó Chủ tịch xã Tân Thanh cho biết. Thực tế chương trình cho phép người chủ nương rẫy tự tay trồng lại rừng đã được cấp ủy, chính quyền xã Tân Thanh trăn trở bao năm. Vì lẽ rằng với địa bàn chưa hết phức tạp về lấn chiếm rừng, khi cho phép người dân vừa là người trồng rừng, vừa là người chủ rừng thì ý thức nuôi dưỡng, bảo vệ rừng chắc hẳn ngày càng được nâng cao hơn. Từ đó việc khôi phục lại vùng rừng đệm xanh sẽ khả thi hơn. 
Kết quả khảo sát, xã Tân Thanh quyết định chọn thôn 8 lên phương án làm điểm cho hơn 100 hộ gia đình trồng phủ xanh rừng đồng loạt trên 110 ha nương rẫy hiện có. Phương án được trình lên cơ quan kiểm lâm và nhanh chóng sau đó tham mưu cho UBND huyện Lâm Hà phê duyệt thông qua. Đi vào triển khai chính thức cách đây chừng ba tháng, lãnh đạo xã Tân Thanh chỉ đạo các tổ công tác xuống địa bàn thống nhất với dân về từng ngày, tháng, cách thức xuống giống trồng rừng keo. Mỗi cán bộ trong tổ công tác có trách nhiệm giáo dục, thuyết phục trên dưới 5 hộ dân đồng tình hưởng ứng phương án. Khi tư tưởng, nhận thức đả được thông suốt rồi, mỗi người dân ký vào cam kết với chính quyền và cơ quan kiểm lâm địa phương với các nội dung trồng đúng chủng loại cây rừng, đảm bảo tiến độ, quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng có hiệu quả. Nếu hộ gia đình nào không đạt các yêu cầu này thì nhà nước sẽ thu hồi hết diện tích đất nương rẫy để giao lại cho hộ gia đình khác sử dụng trồng và chăm sóc rừng sản xuất theo phương án. Thực hiện đồng bộ quy trình này, đến cuối tháng 11/2010, xã Tân Thanh đã xuống giống keo hoàn tất trên 92ha/110 ha diện tích nương rẫy của thôn 8. Số diện tích còn lại sẽ tiếp tục phủ xanh toàn bộ keo trước khi bước vào năm 2011, Ước tính tổng kinh phí trước mắt của huyện Lâm Hà cấp giống cây keo cho người dân trồng khoảng hơn 150 triệu đồng

  “Bước vào năm 2011, xã chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá kết quả phủ xanh keo lá tràm ở thôn 8, qua đó rút kinh nghiệm tổ chức trồng mới 300 ha nương rẫy tiếp theo ở thôn 6 và thôn 10. ”- Phó Chủ tịch xã Tân Thanh, Nguyễn Hải Quân nói thêm. Tôi nâng lên máy ảnh và chiếc sổ tay nho nhỏ của mình để ghi nhận từng vạt rừng, dãy núi vùng đệm xanh đang nẩy lộc, đâm chồi khởi đầu ở thôn 8 , Tân Thanh, Lâm Đồng này ,
Tân Thanh-Đà Lạt cuối tháng 11.2010