VŨ VĂN
Dự báo những tháng cuối
năm 2019, xuất hiện từ 4- 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến
đất liền khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt
đới hoạt động trên biển Đông ít hơn nhiều năm, nhưng cảnh báo khả năng xuất hiện
những cơn bão mạnh với quỹ đạo phức tạp. Bởi vậy Lâm Đồng cần chuẩn bị nhiều
phương án ứng phó hữu hiệu hơn.
Thiệt hại từ 95- 280 tỷ
đồng
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm
Đồng, trong năm 2018, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 22 vụ lốc xoáy, 13 đợt mưa lớn,
1 đợt mưa đá, 2 vụ lũ lụt và 5 vụ sạt lở đất. Các địa bàn bị thiệt hại do các
loại hình thiên tai này tập trung các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức
Trọng, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh…Hậu quả làm 2 người chết. Ước tổng giá trị thiệt
hại 95 tỷ đồng. Cụ thể gồm 295 căn nhà ngập nước, tốc mái; gần 995ha cây trồng
hàng năm, cây trồng lâu năm, rau-hoa nhà kính, lúa…bị hư hại; nhiều công trình
thủy lợi, giao thông hư hỏng nặng; nhiều khu vực bờ sông, bờ suối bị sạt lở nghiêm
trọng..
Trong năm 2019- tính đến ngày 15/8/2019, các loại hình thiên
tai xuất hiện trên địa bàn Lâm Đồng như: mưa lớn (17 đợt), mưa đá (2 đợt), lũ
quét (4 đợt), lốc xoáy (14 đợt), sạt lở đất (5 đợt), làm 1 người chết và 5 người
bị thương. Thống kê thiệt hại về tài sản gần 5.355ha rau màu, lúa, cây trồng
lâu năm, nhà kính rau-hoa; hơn 5.060 con gia súc, gia cầm; hơn 3.400 căn nhà. Tổng
cộng giá trị thiệt hại gần 280 tỷ đồng. Trong đó đáng kể thiệt hại 32 tỷ đồng
do mưa giông kèm theo gió lốc từ ngày 31/7 đến ngày 3/8/2019; cùng 210 tỷ đồng
do mưa lũ từ ngày 6/8 đến ngày 9/8/2019.
“Trong các thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2019, trên địa
bàn tỉnh Lâm Đồng chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, dẫn đến
nhiều nơi có mưa vừa đến mưa to, cá biệt có nơi mưa rất to, lượng mưa từ 107 đến
475mm. Hậu quả gây lũ và ngập lụt ở nhiều địa phương, trong đó có doanh nghiệp ở
huyện Lạc Dương nuôi cá tầm bị cuốn trôi 300 tấn, thiệt hại đến 52 tỷ đồng. Ở
các huyện Di Linh, Bảo Lâm, mưa lớn kèm theo lốc xoáy trong ngày 31/7 đã làm
cây sầu riêng bị rụng trái với tổng khối lượng đến 570 tấn, thiệt hại hơn 28 tỷ
đồng… ”, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng nhận định.
Chủ động nhiều phương
án phòng chống và khắc phục
Khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và cơ quan
thường trực phòng chống thiên tai các cấp kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ
đạo hỗ trợ khẩn cấp cho người dân khắc phục hậu quả. Như trong năm 2018, Lâm Đồng
đã phân bổ gần 110 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách
tỉnh cho các huyện bị thiên tai. Riêng gần 2,6 tỷ đồng trích từ Quỹ Phòng, chống
thiên tai tỉnh Lâm Đồng phân bổ các huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng (hỗ trợ
người dân thiệt hại cây trồng, sửa chữa trường mẫu giáo), huyện Cát Tiên (nạo
vét hồ chứa nước). Ngoài ra trong giai đoạn năm 2016- 2018, Lâm Đồng trích ngân
sách hơn 22 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng để đào hơn 4,4 triệu
mét khối với 1.727 ao, hồ nhỏ, tăng thêm 6.600ha diện tích đảm bảo nước tưới
tiêu trong mùa hạn. Đáng kể đến nay, 2 huyện Lâm Hà, Lạc Dương đã di dời gần
120 hộ dân ra khỏi các vùng thường xuyên xảy lũ quét, sạt lở đất…
Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đang kiến nghị ngân sách Trung
ương hỗ trợ hơn 453 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa 24 hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp,
cùng 100 tỷ đồng khắc phục thiệt hại mưa lũ xảy ra trên địa bàn từ ngày
6-9/8/2019.
Hiện tại, Lâm Đồng đã thông qua nhiều phương án phòng, chống
thiên tai những tháng cuối năm 2019 với phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn
sàng”. Trong đó có phương án huy động khoảng 5.650 người thuộc lực lượng Quân sự,
Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Đoàn Thanh niên, Thanh niên xung phong,
Y tế, Chữ thập đỏ…trong tỉnh để di dời 5.510 hộ dân (khoảng 24.500 người) tại
121 khu vực xung yếu thuộc hạ lưu sông Đa Nhim (Đơn Dương) và sông Đồng Nai
(Cát Tiên) đến 105 vị trí an toàn.
Bên cạnh đó, phương án bảo vệ hồ đập, công trình xung yếu và
phòng, chống lụt bão khu vực hạ du các hồ chứa những tháng cuối năm 2019 cũng
đã chuẩn bị sẵn sàng. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Lâm Đồng (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và
Tìm kiếm cứu nạn) chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc cùng các
sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá quy
trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, cảnh báo sớm cho người dân ở hạ du khi xả
lũ; cập nhật lên trang thông tin của Tổng cục Thủy lợi về quy trình vận hành 3
lần/ngày đối với hồ chứa thủy lợi lớn khi có mưa lũ, 1 lần/ngày và 15 phút/lần
đối với hồ chứa và liên hồ chứa; kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân không
thực hiện đầy đủ quy trình pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi…/.
THÁNG 8/2019