Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Hiện trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh


Bài 3/ Giải pháp 400ha nông nghiệp thông minh trong năm tới
VĂN VIỆT
Mục tiêu trong năm tới- năm 2020, Lâm Đồng chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng lợi thế và vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu để thực hành đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển 400ha nông nghiệp thông minh, tăng hơn 2 lần so với tổng diện tích cùng kỳ…

Cụ thể hóa Nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng
Tính đến giữa tháng 8/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 195ha diện tích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh với những giải pháp ứng dụng hệ thống cảm biến kế nối computer, smartphone quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng…để tăng năng suất và giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Đây là điểm xuất phát mới góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại đến năm 2020, định hướng năm 2025. Qua đó thể hiện rõ nét chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh của UBND tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Đó là hỗ trợ tỷ lệ 3% lãi suất đầu tư trong thời gian 36 tháng; 50% áp dụng khoa học công nghệ mới và tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…
Tuy nhiên, nông nghiệp thông minh Lâm Đồng cũng đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Những mùa hạn hán gay gắt và những mùa lũ quét, lũ ống bên cạnh dịch bệnh thường xuyên ập đến trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn cần những giải pháp về cơ cấu mùa vụ, quy hoạch chi tiết, nguồn giống vật nuôi, cây trồng cùng những biện pháp kỹ thuật phù hợp, hiệu quả và thiết thực hơn. Hiện tại, ngành nông nghiệp Lâm Đồng phấn lớn ứng dụng công nghệ thông minh trên cây trồng, vật nuôi thông qua các công đoạn công nghệ cảm biến theo dõi mùa màng và sức khỏe vật nuôi; công nghệ kỹ thuật mở rộng quy mô sản xuất; công nghệ thực phẩm mang lại những thành tựu về nguồn gene; còn công nghệ người máy siêu nhỏ hoặc người máy kích thước lớn để giám sát gieo trồng, hỗ trợ chăn nuôi phấn đấu thực hành mô hình trong năm tới.
Thực hành phương châm “đi ngay, đi nhanh và đi chính xác…”
Bởi vậy với mục tiêu phấn đấu tăng diện tích nông nghiệp thông minh từ 195ha hiện nay lên 400ha vào năm 2020, Lâm Đồng xác định “không nóng vội chạy theo phong trào, quá trình triển khai cần theo phương châm đi ngay, đi nhanh và đi chính xác các cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ phù hợp, mục tiêu lấy hiệu quả làm chính…” Theo đó, trên 12 huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển 12 mô hình ứng dụng đồng bộ IoT trong quản lý trang trại, sản xuất, bán hàng, kho hàng, tài chính, truy xuất nguồn gốc…Cụ thể, Lâm Đồng chọn những mô hình ứng dụng công nghệ thông minh chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong năm tới như: kết nối thiết bị cảm biến trong hầu hết trang trại nông nghiệp để điều khiển tự động, cải thiện và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nhà kính; sử dụng đồng bộ công nghệ đèn LED để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của cây trồng; nâng cao hiệu quả khai thác năng lượng điện mặt trời; ứng dụng công nghệ robot; công nghệ quản lý tài chính; thiết bị bay không người lái để thu thập, phân tích dữ liệu và khuyến nghị các biện pháp phòng, chống dịch hại…
Để nhân rộng mô hình công nghệ thông minh trên 400ha diện tích sản xuất nông nghiệp trong năm tới- năm 2020 nêu trên, giải pháp trước hết của Lâm Đồng là tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh đến năm 2020” với nền tảng nông nghiệp hiện đại và đồng bộ về công nghệ; Đề án “Xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, giai đoạn năm 2019- 2025”. Trong đó đến năm 2020, huyện Đơn Dương đạt chỉ tiêu ứng dụng công nghệ thông minh ít nhất 5 mô hình doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp.
Tiếp theo với giải pháp khoa học công nghệ, Lâm Đồng triển khai hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện Đề tài “Nông nghiệp thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo và robot cho thực phẩm an toàn” phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, xây dựng cổng thông tin dự tính, dự báo dựa trên bản đồ xác định dịch bệnh cây trồng, vật nuôi đến từng cánh đồng, trang trại. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng hệ thống cảm biến điều chỉnh cường độ ánh sáng, ẩm độ không khí, đất, qua đó cân đối lượng nước tưới, bón phân, phun thuốc phù hợp. Và giải pháp đầu tư thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI. Riêng nông dân đầu tư nông nghiệp thông minh được tiếp tục thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Hai giải pháp sau cùng để phát triển nông nghiệp thông minh Lâm Đồng trong năm tới phải thực hiện thường xuyên và liên tục là xây dựng thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm chủ lực gắn với chỉ dẫn địa lý như: Lúa gạo Cát Tiên, Trà B’Lao, Cà phê Di Linh…, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đặt ra, đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn ứng dụng nông nghiệp thông minh theo nhu cầu thực tế sản xuất ở địa phương./.
THÁNG 8/2019