Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

210 tỷ đồng thiệt hại do mưa lũ, đề xuất hỗ trợ 100 tỷ đồng khắc phục hậu quả


VĂN VIỆT
Sáng ngày 15/8, Đoàn Kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai do ông Đặng Quang Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng- Tổng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm Trưởng Đoàn làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng. 

Báo cáo với Đoàn Kiểm tra, ông Nguyễn Văn Sơn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 37 đợt mưa lớn, mưa đá, lũ quét, lốc xoáy và 5 vụ sạt lở đất, tổng thiệt hại gần 280 tỷ đồng. Trong đó riêng đợt mưa lũ từ ngày 06/8 đến ngày 09/8 thiệt hại khoảng 210 tỷ đồng.
Hậu quả làm 1 người chết và 5 người bị thương, hơn 3.400 căn nhà, gần 3.870ha cây trồng lâu năm, gần 900ha lúa, hơn 580 rau màu bị thiệt hại. Đáng kể hơn 300 tấn cá tầm, 5.060 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...  
Nguyên nhân do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, dẫn đến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mưa nhiều nơi, có nơi mưa vừa đến mưa to và mưa rất to, gây lũ lụt ở Lạc Dương, Đà Lạt. Ở các vùng nông nghiệp Di Linh, Bảo Lâm xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm 570 tấn sầu riêng bị rụng trái.
Khi lũ lụt xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND cấp huyện, Cơ quan thường trực  Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kịp thời có mặt tại vị trí thiệt hại để chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho người dân khắc phục hậu quả.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2019, các hiện tượng thời tiết cục đoan như mưa lớn cục bộ kèm theo mưa đá và lốc xoáy có thể xảy ra nhiều hơn và khốc liệt hơn. Để chủ động phòng, chống hiệu quả, Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã; chuẩn bị các phương án ứng phó các loại hình thiên tai như huy động lực lượng vật tư, phương tiện, tổ chức sơ tán dân, bảo vệ hồ đập, các công trình xung yếu; thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân…
Để sớm khắc phục hậu quả lũ lụt gây ra từ ngày 06/8 đến ngày 09/8 nêu trên, Lâm Đồng đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Và với 24 hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, Lâm Đồng đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 453 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa.
Quyền Vụ trưởng Đặng Quang Minh chia sẻ những hậu quả thiên tai nói chung, lũ lụt nói riêng xảy ra ở Lâm Đồng trong thời gian qua. Đồng thời gọi ý Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác dự báo, vận động doanh nghiệp, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa hình, từng thời điểm khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro khi thiên tai ập đến. Đối với những vùng đã xảy ra thiệt hại lớn cần bổ sung vào bản đồ rủi ro thiên tai để cảnh báo, khuyến cáo các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi thích ứng và chủ động các phương án ứng phó, phòng chống đạt hiệu quả cao nhất. Riêng đề xuất các khoản hỗ trợ kinh phí nói trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ghi nhận và sẽ lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ chung trong cả nước để trình cơ quan thẩm quyền Trung ương quyết định trong thời gian sớm nhất./.
THÁNG 8/2019