Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Triệt xóa cây cần sa

VĂN VIỆT
 Số liệu tâp hợp mới đây cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện gần 10 trường hợp trồng hơn 160 cây có chứa chất ma túy (cây cần sa) trái phép trên địa bàn.


Trong đó số lượng cần sa trồng nhiều nhất ở huyện Lâm Hà (126 cây), còn lại khoảng 34 cây trồng ở các địa bàn Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc. Cơ quan chức năng Lâm Đồng đã áp dụng biện pháp xử lý hành chính và tổ chức kiểm điểm trước dân đối với gần 10 trường hợp vi phạm. Trong trường hợp xác định tàng trữ cây cần sa trái phép sẽ tiếp tục lập hồ sơ khởi tố hình sự. Trước đó, cơ quan chức năng Lâm Đồng đã nhổ bỏ và tiêu hủy hơn 160 cây cần sa trồng trái phép.
Cùng thời gian trên, các cơ quan chức năng Lâm Đồng đã phối hợp tuyên truyền những quy định pháp luật nghiêm cấm, xử lý hành vi về trồng và tái trồng cây có chứa ma túy (cần sa) tại trường học, cơ quan và cộng đồng dân cư  với 7.000 lượt người tham dự. Tuy nhiên do cần sa là loại cây chỉ gieo hạt sinh trưởng dễ dàng trong tự nhiên rồi thu hoạch quanh năm, nếu bán tại chỗ cho người sử dụng hút và cho chăn nuôi gia súc, gia cầm đều thu về lợi nhuận bất chính khá cao so với các loại cây trồng khác. Hệ quả dẫn đến số người cố tình vi phạm trồng cây cần sa ở Lâm Đồng vẫn còn xuất hiện. Trong khi đó, chính quyền một số phường, xã trong tỉnh Lâm Đồng vẫn còn chủ quan, buông lỏng quản lý nhà nước về lĩnh vực này.  
 Trong thời gian tới, Lâm Đồng xác định 3 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao để ổn định đời sống người dân tại các vùng có nguy cơ cao về tái trồng cây cần sa; đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy kịp thời cây cần sa trồng trái phép.
Thiết nghĩ, 3 nhóm giải pháp vừa nêu cần phải tổ chức thực thi đầy đủ, thường xuyên hơn nữa mới mong nhanh chóng triệt xóa hoàn toàn cây cần sa tái trồng trên địa bàn Lâm Đồng.
THÁNG 8/2019