VĂN VIỆT
Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó
khăn (Chương trình 135) giai đoạn 2016- 2019 với những tác động tích cực, đúc kết
nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn tiếp tục triển khai giai đoạn 2020- 2025 trên
địa bàn Lâm Đồng.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng,
trong 4 năm qua, Chương trình 135 đã thực hiện gần 41 tỷ đồng các nguồn vốn
Trung ương, địa phương và nguồn vốn đối ứng, hỗ trợ khoảng 7.120 hộ dân ở xã,
thôn đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh
xã hội.
Trong đó nguồn vốn triển khai nhiều nhất trong năm 2016 (gần
14 tỷ đồng), năm 2017 (gần 12 tỷ đồng); còn lại 2 năm 2018, 2019 giải ngân tổng
cộng gần 15 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn này, nông dân các xã đặc biệt khó
khăn được hỗ trợ giống cây điều ghép, bắp cao sản, cây lương thực; các loại giống
vật nuôi gồm heo, dê, bò, gà; phân bón, vật tư nông nghiệp; máy móc, thiết bị
phục vụ sản xuất nông nghiệp…Đáng kể, nguồn vốn 135 còn tổ chức tập huấn, chuyển
giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả
kinh tế cao ở những vùng đặc biệt khó khăn này.
Kết quả nổi bật mà Chương trình 135 mang lại trên địa bàn Lâm
Đồng là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,9%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc
thiểu số xuống dưới 4,8%...
Và điều quan trọng thêm nữa là qua Chương trình 135 đã tác động
tích cực đến nhận thức của người nông dân về chính sách giảm nghèo bền vững của
nhà nước, đồng thời thay đổi tư duy canh tác từ phương pháp truyền thống hiệu
quả thấp sang phương pháp canh tác công nghệ cao, chủ động lựa chọn vật nuôi,
cây trồng phù hợp với quy mô phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với liên kết
tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giá trị cao, từ đó tăng vượt trội thu nhập và nhanh
chóng thoát nghèo...
Kinh nghiệm đúc kết qua Chương trình 135 giai đoạn năm 2016-
2019 ở Lâm Đồng như: tăng cường tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, vươn
lên, tích cực tham gia phát triển kinh tế của hộ nghèo; tạo sinh kế đa dạng, giúp hộ nghèo
tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn
khác về xây dựng nông thôn mới; tổ chức xét chọn hỗ trợ từng hộ dân một cách dân
chủ, công khai…Đây là những bài học thiết thực, hy vọng áp dụng thành công hơn
nữa trong Chương trình 135 giai đoạn 2020- 2025 trên địa bàn Lâm Đồng với tổng nguồn
vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 37 tỷ đồng…/.
THÁNG 8/2019