Thứ Năm, 22 tháng 8, 2019

Quy chuẩn cho trà atiso


VŨ VĂN 
Số liệu tập hợp của phóng viên cho biết, tổng diện tích trồng cây atsio ở Đà Lạt và các vùng phụ cận hiện nay gần 92ha, đạt tổng sản lượng gần 4.454 tấn/năm. Trên địa bàn có khoảng 18 doanh nghiệp và 24 cơ sở hoạt động chế biến trà atiso với tổng công suất hàng năm khoảng 2.444 tấn nguyên liệu.

Tuy nhiên do chưa có một quy chuẩn kỹ thuật chung cho tất cả các sản phẩm trà atiso đặc thù chế biến gắn thương hiệu Đà Lạt, nên khó có thể phát huy hết năng lực cạnh tranh, dẫn đến giá trị sản phẩm trên thương trường doanh thu và lợi nhuận mang lại còn khá khiêm tốn …
Thực tế cây atiso là một loại rau dược liệu đặc thù của Đà Lạt và một vài vùng phụ cận, từ trước đến nay vẫn được người nông dân sản xuất và thu hoạch đưa vào sơ chế, chế biến theo các phương pháp truyền thống, chủ yếu phơi khô ngoài trời rồi tích trữ vào bao, đóng gói đưa ra thị trường trong nước hoặc cung ứng các cơ sở chế biến trà atiso địa phương với hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp chế biến trà atiso Đà Lạt vận hành theo các “quy chuẩn tương đương” – mặc dù đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á…phần lớn vẫn chỉ theo đường tiểu ngạch gián tiếp với sản lượng ở mức hạn chế so với tiềm năng, thế mạnh…
Cũng do atiso là cây đặc thù của Đà Lạt và một vài vùng phụ cận nên theo quy định pháp luật thì thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật chế biến atiso nói chung, sản phẩm trà atiso nói riêng thuộc về chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng. Căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, hơn  2 năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã lập Dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm Trà atiso Lâm Đồng”. Qua nhiều lần bổ sung trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng, Dự thảo tiếp tục triển khai các bước hoàn chỉnh cuối cùng trước khi trình UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành.
“Quy chuẩn kỹ thuật địa phương: Cơ sở chế biến Trà atiso Lâm Đồng- Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm” chính thức áp dụng, làm căn cứ thống nhất trong công tác quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trà atiso, nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng địa phương Lâm Đồng đạt chất lượng cao, tuyệt đối đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, …”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
THÁNG 8/2019