Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

Phòng chống thiên tai- bên cạnh những kết quả nổi bật


VĂN VIỆT
Trong năm vừa qua, thông qua sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Lâm Đồng đã đạt những kết quả nổi bật. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, nhằm chủ động giảm thiểu thiệt hại thấp nhất trong mùa hạn hán và mùa mưa bão năm 2019.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất, khắc phục thiệt hại do thiên tai
Bước vào triển khai công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2018, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Lâm Đồng được kiện toàn với 30 thành viên. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm Trưởng Ban. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng làm Phó Trưởng Ban thường trực. Tính chung trong cả năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác PCTT và TKCN trên địa bàn như: Các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập của cơn bão số 9 và phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2018- 2019; tăng cường công tác tham mưu, điều hành, ứng phó với tình hình mưa bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất; phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn hồ đập thủy lợi đến năm 2025; vận hành điều tiết các hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2018; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng chống thiên tai; tổ chức tập huấn cho cộng đồng và ban hành các cảnh báo khi có tình huống thời tiết nguy hiểm…
Kết quả thực hiện Đề án của UBND tỉnh Lâm Đồng về hỗ trợ phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ phục vụ chống hạn đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã đào 1.727 ao, hồ theo phương thức “nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy” với tổng kinh phí ngân sách hơn 22 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 19 tỷ đồng. Nhờ vậy đã tăng thêm khoảng 6.600ha diện tích cây trồng các loại được chủ động nguồn nước tưới tiêu. Riêng năm 2018 đã đào mới gần 585 ao, hồ, phục vụ chống hạn hiệu quả trên 2.800 ha diện tích cây trồng tăng thêm.
Thống kế đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Lâm Đồng đạt 54.480ha  Trong đó có hơn 44.280ha diện tích tưới tiết kiệm phun mưa, phun sương, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân đã giảm chi phí lao động, tiết kiệm 20- 50% lượng nước so với phương pháp tưới thông thường.
“Khi có thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Cơ quan thường trực PCTT và TKCN Lâm Đồng kịp thời có mặt tại nhà máy thủy điện để chỉ đạo công tác xả lũ; tại hiện trường thiệt hại do thiên tai để trực tiếp triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho người dân địa phương khắc phục thiệt hại; ban hành Công điện chỉ đạo nhanh chóng khắc phục thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn…”, báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Lâm Đồng cho biết.
Cụ thể trong năm 2018 vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Lâm Đồng đã triển khai 29 tỷ đồng nguồn vốn trung ương phân bổ và 41 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương để sửa chữa cấp bách 6 công trình thủy lợi, đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ. Đồng thời xây bờ kè chống sạt lở bờ sông Đa Nhim (Đơn Dương), các bờ suối Đạ Lây (Đạ Tẻh), Lộc Nam ( Bảo Lâm), Phú Sơn ( Lâm Hà)…Cộng chung cả năm 2018, toàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai gần 110 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Còn bất cập, lúng túng trong ứng phó tình huống
Tuy nhiên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Lâm Đồng cũng đã nhìn nhận những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai năm 2018 vừa qua là: năng lực ứng phó của lực lượng phòng PCTT và TKCN đối với một số tình huống còn bất cập, lúng túng; vẫn còn tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong chỉ huy, điều hành những tình huống đối phó với bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất…Nguyên nhân khách quan do đặc thù địa hình Nam Tây Nguyên diễn biến thời tiết ngày càng thất thường và cực đoan, gây ra lũ quét, lốc xoáy, mưa đá với những thiệt hại khó lường, nên công tác phòng chống gặp không ít khó khăn và bị động. Về nguyên nhân chủ quan trong quy hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ ở một số địa bàn trong tỉnh Lâm Đồng chưa thực sự chú trọng kết hợp với công tác PCTT triển khai đạt hiệu quả cao hơn.
Để tránh những hạn chế, tồn tại như đã xảy ra trong năm 2018, các nhiệm vụ trọng tâm PCTT và TKCN của Lâm Đồng trong năm 2019 gồm: Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN với các nhà máy thủy điện trên địa bàn để xả lũ hiệu quả; kịp thời ứng phó cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; hướng dẫn người dân chuyển dịch thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với diễn biến thời tiết, đặc biệt nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày đưa vào sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cộng đồng về quy định phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn…/.
THÁNG 5/2019