VĂN VIỆT
Đến nay, Lâm Đồng
đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cùng với gần một
vạn rưỡi nông hộ tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp
thông minh theo chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Thành tựu và thách thức vẫn
đồng hành và đối diện ở phía trước, Lâm Đồng đánh giá toàn bộ hiện trạng, làm
cơ sở thực hành những giải pháp đột phá hơn nữa để sớm trở thành vùng nông
nghiệp giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á.
Bài
1/ Nông nghiệp
thông minh với ba lĩnh vực
Với 3 lĩnh vực trồng
trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản được áp dụng công nghệ thông minh trong
vài năm gần đây ở Lâm Đồng đã tạo ra những bước khởi đầu quan trọng tiếp tục
xây dựng cơ sở dữ liệu để nhân rộng trên nhiều đối tượng, vật nuôi khác trên
địa bàn.
Đồng
bộ hệ thống cảm biến kết nối với computer, smartphone để canh tác
Theo số liệu tập hợp của phóng viên, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng
có gần 54.500ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng
18,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó bao gồm các diện tích
nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, tưới tự động, thủy canh….Riêng diện
tích ứng dụng công nghệ thông minh tự động quản lý dinh dưỡng, đo nhiệt độ, độ
ẩm…để áp dụng các giải pháp canh tác tương ứng trên tổng diện tích gần 195ha
như: cây hoa (hơn 178ha), cây chè (10ha) và cây rau (gần 7ha).
Qua khảo sát của ngành nông nghiệp Lâm Đồng cho thấy ngày càng
xuất hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng đồng bộ hệ thống cảm biến kết
nối với computer, smartphone để canh tác các loại rau, hoa đạt chất lượng và
giá trị kinh tế vượt trội trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận. Điển hình ở
Công ty Dalat Hasfarm, Công ty cổ phần PAN Saladbowl với công nghệ Hortimax Hà
Lan sản xuất các loại hoa với diện tích lần lượt 167ha và 5ha; Công ty Dịch vụ
Thương mại Trường Hoàng canh tác 6ha hoa lan hồ điệp theo công nghệ Italia, Đài
Loan; Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Đà Lạt (Tập đoàn Lộc Trời) với
công nghệ Israel sản xuất 1.000m2 rau; Công ty Công nghệ sinh học
Rừng Hoa Đà Lạt với giải pháp TMS, Pháp sản xuất giống hoa cấy mô; các doanh
nghiệp Ecom, Mimozatek…tiếp tục cải tiến, chuyển giao công nghệ cảm biến tích
hợp điều khiển tự động cho các tổ chức kinh tế tập thể và hộ nông dân địa
phương.
“Thông qua hệ thống cảm biến, người sản xuất tiếp nhận các thông
tin chính xác và kịp thời nhất để giám sát, điều khiển tưới tiêu, châm phân,
lưới cắt nắng, mở mái nhà kính…, đảm bảo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng
tối ưu, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, giảm nhân
công lao động, tăng giá trị gia tăng trên từng sản phẩm thu hoạch…”, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định.
Công
nghệ điện tử chăm sóc vật nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ở lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ thông minh đang chứng tỏ hiệu
quả vượt trội khi gắn chip điện tử kết nối với computer và smartphone đối với từng
con bò sữa trong tỉnh Lâm Đồng, số lượng cụ thể 1.500 con ở Trang trại Vinamilk
Đà Lạt; 600 con ở Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt. Đây là các mô hình chăn nuôi quy
mô tập trung, hàng ngày qua công nghệ chip điện tử, từng con bò sữa được theo
dõi biểu đồ sức khỏe ăn uống, nghỉ ngơi, nghe nhạc, massage tự động…để điều
khiển các “lệnh” chăm sóc phù hợp và hiệu quả, kích thích tăng năng suất và
chất lượng sản phẩm sữa thu hoạch. Tương tự với đàn heo, gà trên địa bàn Lâm
Đồng cũng đã và đang được Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam mở rộng “công nghệ
chuồng lạnh” trên hơn 110 trang trại với gần 900.000con. Theo đó công nghệ hoạt
động ở mỗi trang trại tự động tăng- giảm nhiệt độ thích nghi theo thời điểm
sinh trưởng của đàn heo, gà, đồng thời khử được mùi hôi, bảo vệ môi trường,
nâng cao sản lượng và chất lượng thịt, trứng sản xuất mỗi ngày.
Với nông sản sơ chế, chế biến qua dây chuyền công nghệ thông
minh, công nghệ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, thống kê toàn tỉnh Lâm Đồng có
khoảng 880 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng.
Trong đó tính riêng các sản phẩm chè, trái cây, lúa, rau, cà phê, mắc ca, dược
liệu…ở Lâm Đồng đã phát hành hơn 1,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc. Kết quả
được ngành nông nghiệp Lâm Đồng vừa xác định: “ Việc sử dụng tem truy xuất
nguồn gốc nông sản Lâm Đồng đã tăng lợi nhuận từ 15- 20% so lúc chưa sử dụng.
Qua đó từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ, lẻ
sang sản xuất liên kết tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, giải quyết tình
trạng làm giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng. Đặc biệt đã kết nối mở rộng thị
trường tiêu thụ nông sản Lâm Đồng đến hệ thống các siêu thị Coo-op mart, Big C,
Aeon, Lotte mart, Vinmar…”
Trong kết quả chung về sản xuất, chăn
nuôi và chế biến, truy xuất nông sản theo công nghệ thông minh trong những năm
gần đây, Lâm Đồng ghi nhận nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tích cực tham gia đầu
tư liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và nông hộ địa
phương để phát triển công nghệ thông minh, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra
lợi thế mới thúc đẩy tăng trưởng chung trên địa bàn./. BÀI 2/ Nông nghiệp hội nhập- bước thay đổi lớn
THÁNG 8/2019