Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Sâm Việt nở hoa ở Đạ Sar


VĂN VIỆT
Các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc đã phối hợp trồng thành công Sâm Ngọc Linh (gọi là Sâm Việt Nam) tại vùng Đa Đum, xã Đa Sar, huyện Lạc Dương), mở hướng đột phá chuyển giao công nghệ sản xuất, tăng thu nhập vượt trội cho người dân địa phương...

Thời điểm cuối tháng 8/2019, mùa hoa Sâm Việt Nam (còn gọi là Sâm Ngọc Linh) vẫn tiếp tục bung nở, tạo hạt trên độ cao khoảng 1.400m thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây từ năm 2014, các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc đã quyết định chọn trồng thử nghiệm trồng Sâm Việt Nam bằng phương pháp gieo hạt công nghệ cao với diện tích ban đầu khoảng 300m2. Qua thời gian phân tích, bổ sung quy trình kỹ thuật tối ưu nhất, đến thời điểm tháng 8/2019, vườn Sâm Việt Nam tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương hoàn toàn chủ động sản xuất hạt giống trong quy mô diện tích khoảng 3.000m2 có mái che công nghệ cao.
Trước đó, vào tháng 10/2014, Công ty cổ phần Sâm Việt VGC chính thức được thành lập do 4 thành viên sáng lập gồm: GS.TS. Nguyễn Minh Đức (Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM năm 1979- 2015, Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm 2015- nay); GS.TS. Park Jeong Hill (Đại học Quốc gia Seoul, nguyên Chủ tịch Hội Nhân sâm Hàn Quốc); TS. Lê Thị Hồng Vân (Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) và TS. Yu Yun Hyun (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng trọt Nhân Sâm Hàn Quốc).
Kết quả nghiên cứu của Công ty cổ phần Sâm Việt VGC cho thấy: Sâm Việt Nam có hàm lượng dược chất saponin kháng ung thư, bảo vệ gan, chống lão hóa…với tỷ lệ 15- 20%, cao hơn các loài nhân sâm trên thế giới từ 11- 13%. Đến trước thời điểm Công ty cổ phần Sâm Việt VGC thành lập, việc sản xuất Sâm Việt Nam vẫn chủ yếu theo phương pháp truyền thống trồng dưới tán rừng thuộc địa giới tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam, sản lượng hàng năm chỉ vài trăm ký.  
 Tiếp xúc với phóng viên, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sâm Việt VGC cho rằng công ty của mình chọn vùng Đạ Sar, Lạc Dương, Lâm Đồng để trồng Sâm Việt Nam theo công nghệ mới bằng hạt giống mua về từ vùng rừng núi Ngọc Linh vì các lý do: độ cao trung bình trên dưới 1.400m so với mặt biển; nhiều vùng đất bằng phẳng; khí hậu mát mẻ; được sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp; nông dân Lâm Đồng quen trồng trọt theo công nghệ cao và sản xuất sản phẩm hàng hóa; hệ thống giao thông thuận lợi. “ Công ty cổ phần Sâm Việt VGC chúng tôi thống nhất chiến lược trồng Sâm Việt Nam tại Lâm Đồng trên cơ sở học tập, áp dụng sáng tạo công nghệ trồng Nhân Sâm Hàn Quốc đã có từ hàng trăm năm nay. Từ đó đưa ra công nghệ thích hợp trồng bằng hạt mua về từ vùng Ngọc Linh. Trồng trên địa hình đất bằng phẳng với thiết kế mái che nhân tạo, từng bước thiết lập quy trình trồng trọt chuẩn cho Sâm Việt Nam và áp dụng GAP, tiến tới organic và công nghệ 4.0… ”, GS.TS Nguyễn Minh Đức chia sẻ.   
Theo đó, bằng các biện pháp khoa học hiện đại xử lý hạt Sâm Việt Nam, chỉ trong vài tháng đầu tiên mua về từ vùng rừng núi Ngọc Linh, kết quả nẩy mầm và phát triển chồi lá tại vùng đất Đạ Sar, Lạc Dương, Lâm Đồng hơn 80%. Tiếp tục chăm sóc trong hệ thống mái che nhân tạo được kiểm soát tối ưu độ chiếu sáng mặt trời, lượng nước mưa…, đến năm thứ 3, từng luống cây Sâm Việt ở Lạc Dương đã lần lượt nở hoa. Và đến tháng 8/2019 là bước sang tuổi năm thứ 5, cây Sâm Việt Nam ở Lạc Dương đã và đang phát triển đạt lên đến 90% tỷ lệ cây ra hoa, kết quả, tạo hạt, tăng trưởng sinh khối và hàm lượng saponin…Hiện tại Trại Sâm VGS diện tích 3.000m2 ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đang chăm sóc hàng chục ngàn cây Sâm Việt Nam từ 1- 5 năm tuổi.
Đánh giá khoa học cho biết, Sâm Việt Nam trồng tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với mật độ chuyên canh phù hợp khoảng 200.000 cây/ha. Trồng năm thứ 5, thứ 6 sẽ bước vào thu hoạch củ tươi với trong lượng trung bình hơn 50gam/cây. Nhân với giá thị trường Sâm Việt Nam khoảng 100 triệu đồng/kg thì giá trị doanh thu trên một đơn vị hecta đất ở đây với mức đột phá ngoài cả mong đợi.
Dự kiến trong năm 2020, Công ty cổ phần Sâm Việt VGC bắt đầu cung cấp hạt và cây giống ra thị trường Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, từng bước chuyển giao công nghệ trồng Sâm Việt Nam cho người dân và doanh nghiệp để phát triển mạnh mẽ sản phẩm quốc gia hàng đầu này của đất nước.
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Khoa học và Công nghệ ký kết biên bản hợp tác nghiên cứu phát triển Sâm Việt Nam với Công ty cổ phần Sâm Việt VGC. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tiếp cận toàn bộ kết quả nghiên cứu Sâm Việt Nam, đưa vào Đề án phát triển vùng sản xuất dược liệu tỉnh Lâm Đồng giai đoạn năm 2019- 2023 để tổ chức thực hiện./.
THÁNG 8/2019