VĂN VIỆT
Hợp tác xã Liên kết mắc
ca xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đang đẩy nhanh tiến độ thu mua, chế biến để đạt
tổng khối lượng 2.000kg hạt mắc ca thành phẩm xuất khẩu sang Úc và Hàn Quốc
theo hợp đồng. Đây là đơn hàng thứ 2 với khối lượng tăng gấp 10 lần so với đơn
hàng đầu tiên thâm nhập vào thị trường 2 quốc gia này…
Một
năm hai mùa mắc ca
Phóng viên đặt chân vào vườn mắc ca của ông Lê Văn Trường, Giám
đốc Hợp tác xã Liên kết Mắc ca Di Linh ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh vào một sáng
đầu thu năm 2019 qua quãng đường xa ướt mưa hơn bảy mươi cây số từ Đà Lạt. Khu
vườn tọa lạc bên đường nhựa lớn đối diện với khu nhà của Giám đốc Trường (tọa
lạc số 119, thôn Tân Lạc 1) với bên trong bố trí dây chuyền máy móc thiết bị
chế biến mắc ca khép kín hoạt động đều đặn mỗi ngày. Đang lúc chuẩn bị xuống
thăm vườn thì có hộ thành viên đến cung cấp khoảng 100kg trái mắc ca vừa thu
hoạch. Cân xong, Giám đốc Trường thanh toán ngay bằng tiền mặt với giá cao hơn
giá thị trường từ 10% trở lên. “Hàng năm trong 3 tháng 7,8 và 9, mắc ca chỉ thu
hoạch mùa phụ, sản lượng chỉ bằng 1/3 mùa chính. Mùa chính thu hoạch từ tháng 3
đến tháng 5…”, đại diện một hộ gia đình thành viên HTX Liên kết mắc ca Di Linh
chia sẻ.
Cùng bước qua đường nhựa lớn phía đối diện, Giám đốc Trường nói
rằng dù trời mưa cũng không ảnh hưởng đến tiến độ chế biến mắc ca tại HTX của
mình. Bởi hệ thống hong khô trái mắc ca chủ yếu thực hành trong nhà kính, sau
đó chuyển sang hệ thống sấy khô, tách vỏ, hút chân không, đóng gói… đưa ra thị
trường đều bằng hệ thống tự động với
nguồn năng lượng điện lưới quốc gia. Công suất trong mấy tháng mùa mưa năm nay
đều đạt hơn 200kg thành phẩm mỗi ngày. Tất cả nguyên liệu mắc ca được HTX bao
tiêu từ 85ha trồng thuần và trồng xen với cây cà phê ở xã Đinh Lạc cùng các xã
khác trong huyện Di Linh và ở huyện Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc, mật độ trên mỗi
hecta lần lượt là 200 cây và 125 cây. Khu vườn Giám đốc Trường có 750 cây trồng
mắc ca từ 5- 10 năm tuổi với hơn 10 loại giống, sinh trưởng xen canh trên 4ha
cà phê. Giữa thời điểm tháng 8 mùa mưa, Giám đốc Trường vẫn hàng ngày tranh thủ
ra vườn thu hoạch trái mắc ca tự rụng xuống gốc cây bên cạnh những công nhân
thu cắt từng chùm trái đang “độ chín” trên cành. Nắm trên tay những hạt mắc ca
căng tròn, Giám đốc Trường cho biết: “ Khu vườn 4ha mắc ca xen canh cà phê của
hộ gia đình chúng tôi đang thu hoạch trung bình 15kg/cây/năm. Cá biệt có 10 cây
đạt năng suất đến 70kg/cây/năm. Những năm trước đây, hộ gia đình chúng tôi nói
riêng, hộ gia đình trồng mắc ca trong và ngoài xã Đinh Lạc, huyện Di Linh nói
chung rất bấp bênh về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận chỉ ở giới hạn nhất định.
Từ 2 năm trở lại đây khi HTX Liên kết mắc ca Di Linh được thành lập và đi vào
hoạt động, sản lượng mắc ca thu hoạch của nông dân xã Đinh Lạc đều được bao
tiêu với số lượng không hạn chế…”
Triển
vọng mắc ca xuất ngoại
Theo đó, trong 2 vụ mùa chính và phụ năm 2019, HTX Liên kết mắc
ca Di Linh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 33 hộ thành viên theo hình thức ấn
định giá để cân đối trước lợi nhuận trong cả năm. Cụ thể giá thu mua trái mắc
ca loại 1, loại 2 và loại 3 tại HTX lần lượng mỗi ký là 90.000 đồng, 80.000
đồng và 45.000 đồng. Kết quả đến nay, so với với giá thị trường cùng thời điểm,
HTX Liên kết mắc ca Di Linh đều thu mua cao hơn 10% như đã nêu trên.
“Ước tính trong năm 2019, trên diện tích 1ha trồng mắc ca xen
với cà phê đạt tổng lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng. Trong đó lợi nhuận từ mắc
ca là 200 triệu đồng và lợi nhuận từ cà phê là 70 triệu đồng… ”, đại diện một
hộ gia đình thành viên HTX Liên kết mắc ca Di Linh nói thêm.
Những hợp đồng bao tiêu sản phẩm mắc ca của hộ thành viên vừa
nêu đều căn cứ trên các đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước ký kết với
HTX. Bởi vậy lượng cung- cầu đảm bảo thông suốt, tạo động lực để HTX tiếp tục
vươn lên nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mắc ca vùng xa Di
Linh.
Nếu như toàn bộ sản phẩm mắc ca chế biến của HTX Liên kết mắc ca Di Linh trong
năm 2018 với 100% tiêu thụ trong nước thì năm 2019 bắt đầu thâm nhập, khẳng
định chất lượng trên thị trường Hàn Quốc, Úc với khối lượng ban đầu chỉ 200kg
vào tháng 7 tăng lên 2.000 kg vào tháng 9. Dự kiến trong năm 2020, khối lượng
mắc ca chế biến, xuất khẩu từ xã vùng xa Đinh Lạc, huyện Di Linh sẽ còn tăng
đột biến hơn nữa trên nhiều quốc gia khác nhau…
Như vậy triển vọng lớn về
một vùng nguyên liệu mắc ca lợi nhuận cao từ vùng quê xa Đinh Lạc, Di Linh của
Lâm Đồng đang hiện lên rõ nét ở tương lai gần.../.
THÁNG 8/2019