Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Rừng thiệt hại gia tăng- nguyên nhân từ hai phía


VĂN VIỆT
Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đánh giá mức độ thiệt hại do phá rừng gia tăng trên địa bàn Lâm Đồng. Qua đó đã xác định hai phía nguyên nhân chủ quan và khách quan, tìm ra những giải pháp khắc phục hữu hiêu hơn.

50% số vụ vi phạm chưa xác định đối tượng
 Số liệu tập hợp 6 tháng đầu năm 2019 cho biết, lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng đã thực hiện 38 đợt tuần tra truy quét, phát hiện 324 vụ vi phạm, gây thiệt hại hơn 38,5ha rừng và gần 2.600m3 gỗ các loại, tăng lần lượt 28% và 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số 257 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã xử lý hành chính, xử lý hình sự 24 vụ, thu nộp phạt gần 2,4 tỷ đồng, tịch thu hơn 452m3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại. Toàn tỉnh Lâm Đồng đã giải tỏa hơn 6ha diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm và tái lấn chiếm trái phép. Đáng kể đã thu hồi toàn bộ 161 dự án ( gần 25.630ha) và thu hồi một phần 34 dự án (gần 4.170ha) do để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp tổ chức lực lượng ngăn chặn kịp thời.
 Những khu rừng trọng điểm xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tập trung ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm. Cụ thể cơ quan điều tra huyện Lâm Hà đã khởi tố vụ án với 5 bị can về tội hủy hoại tài sản với hành vi khoan gốc, đổ hóa chất làm chết hàng loạt cây thông ở xã Tân Thanh. Ở huyện Đam Rông đang tiếp tục khám nghiệm hiện trường, điều tra hình sự 6 vụ xâm hại rừng. Hạt Kiểm lâm Đức Trọng khởi tố 3 vụ án hình sự. Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc tịch thu gần 1m3 gỗ thông 3 lá vận chuyển trái phép, đồng thời lập thủ tục trồng lại gần 12.000m3 diện tích rừng bị phá…. 
“Thống kê 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn Lâm Đồng xảy ra 23 vụ nổi cộm vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó nhiều nhất ở huyện Đam Rông (7 vụ), huyện Đức Trọng (6 vụ). Còn lại các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Vườn Quốc gia Bidoup- Núi Bà, mỗi địa bàn xảy ra từ 1- 2 vụ.…”, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết.
Theo đó, so với cùng kỳ năm 2018, mức độ thiệt hại rừng trên địa bàn Lâm Đồng tăng 65% khối lượng lâm sản và 28% diện tích. Trong khi đó có đến 50% số vụ vi phạm chưa xác định đối tượng. Điển hình tỷ lệ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn chưa truy tìm ra thủ phạm như: Lâm Hà (81%), Đạ Huoai (70%), Đạ Tẻh ( 57%)…
Hai phía nguyên nhân và hai nhóm giải pháp trọng tâm
Nguyên nhân trước hết ở phía chủ quan dẫn đến mức độ thiệt hại rừng vừa nêu do đặc điểm địa bàn Lâm Đồng trải rộng hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, người dân sống ven rừng với đời sống còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến áp lực về sản xuất cây công nghiệp, lương thực, hoa màu trên đất lâm nghiệp gia tăng. Thủ đoạn phá rừng ngày càng tinh vi, thủ phạm hoạt động theo băng nhóm có tổ chức theo dõi và cảnh giới, thực hiện vào ban đêm và ngày nghỉ, rất khó phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Hiện tại lực lượng chuyên trách toàn tỉnh Lâm Đồng còn thiếu 50 biên chế, nhiều kiểm lâm viên phải vừa làm văn phòng vừa thực hành nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn, nên hiệu quả bảo vệ rừng không cao.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, về phía nguyên nhân chủ quan dẫn đến mức độ thiệt hại rừng gia tăng do thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt trong phối hợp bảo vệ rừng giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương cấp xã. Trong đó các doanh nghiệp đầu tư thuê đất, thuê rừng chưa tổ chức lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ triệt để những hành vi xâm hại trên lâm phần của mình.
Nhận diện hai phía nguyên nhân thiệt hại rừng gia tăng, Lâm Đồng chọn hai nhóm giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu giảm 20% cả 3 tỷ lệ số vụ vi phạm, diện tích rừng bị phá và khối lượng lâm sản thiệt hại. Thứ nhất, nhóm giải pháp tăng cường tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng, kết hợp với tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân vị phạm. 
Trong đó phân cấp rõ và nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp. và cả hệ thống chính trị vào cuộc bào vệ và phát triển rừng. Thứ hai, nhóm giải thúc đẩy sản xuất, mở rộng các mô hình hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất ổn định sinh kế đặc biệt cho người dân sống ven rừng. Đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững với các đề án giai đoạn năm 2019- 2020 về nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, trồng xen cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây phân tán từ nguồn vốn ngân sách và nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng…./.
THANG 8/2019