VŨ VĂN
Khi làm phóng viên bạn đọc- nội chính, tôi
thường tìm về những “vùng đất nóng” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để “đối thoại”
với đất và người, góp thêm các giải pháp vãn hồi tình trạng an ninh trật tự, giải
quyết vấn nạn di cư tự do phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép…
Những năm chín mươi của thế kỷ trước, tôi chủ động về vùng
đất xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà nổi cộm một trong những địa bàn “nóng” về tình
trạng di cư tự do phá rừng làm rẫy, bất ổn về an ninh trật tự, phạm pháp hình
sự để thực hiện phóng sự. Trước đó, tôi nắm được thông tin trong một phiên tòa tỉnh
Lâm Đồng xử tội giết người xảy ra ở xã Tân Thanh, Lâm Hà mà bị cáo và bị hại
đều là người di cư tự do đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Hồi đó điện thoại
cố định sử dụng cá nhân vô cùng đắt đỏ, gọi từ Đà Lạt xuống huyện Lâm Hà thuộc
cước phí ngoại mạng, còn điện thoại di động sắm được như một tài sản lớn, thuộc
phẩm cấp xa xỉ giành phần lớn cho tầng lớp thương gia. Bởi vậy lúc phiên tòa
giải lao để hội đồng xét xử nghị án, tôi tranh thủ tiếp xúc với các lãnh đạo xã
Tân Thanh, huyện Lâm Hà hẹn trước thời gian xuống địa bàn tác nghiệp.
Bấy giờ Tân Thanh là một xã “vùng xa của vùng xa” của huyện
Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung. Hành trình “đường không ra đường”
bắt đầu từ cây cầu xã Tân Văn (tiếp nối thị trấn Đinh Văn, trung tâm huyện Lâm
Hà) kéo dài hàng chục cây số với những mô đất sống trâu chênh vênh cùng hệ
thống ổ gà, ổ voi giăng mắc lên đến con dốc 800 cao ngất, một bên nhìn xuống
vực sâu thăm thẳm. Đánh vật hết buổi chiều mới chạm chân đến trụ sở xã Tân
Thanh tọa lạc không xa một quả đồi lởm chởm gốc cây vừa bị chặt phá. Ở khu đất
cạnh bên, một trung đội dân quân tự vệ đang hoàn thành bài tập luyện cuối cùng
trong ngày, tôi tự trấn an mình: “Yên tâm ở lại đêm rồi !”
Chủ tịch xã Tân Thanh mời tôi về nhà riêng dùng cơm
tối với một vài cán bộ chủ chốt của xã. Khi chén rượu gần về khuya, các cán bộ
xã Tân Thanh đều “cam kết” bảo đảm tuyệt đối an toàn cho “nhà báo tôi” với điều
kiện lưu trú qua đêm ngay trong căn nhà này; còn một mình đi dạo ra đường tối
đen thì phải cẩn thận khi gặp người vãng lai. Tất nhiên trong nghề báo lúc này rất
muốn khám phá Tân Thanh về đêm, nhưng trước lời “cảnh giác” của cán bộ địa
phương khiến tôi không thể không làm theo.
Khi bóng đèn từ thủy điện nhỏ thắp sáng hết nguồn máy
phát trong đêm, tôi ngã lưng giữa phòng khách của căn nhà Chủ tịch xã Tân Thanh
nghe rõ mồn một tiếng gió xô vào khung cửa gỗ như có người gõ cửa. Ngoài đường đêm
thỉnh thoảng dội lại tiếng bước chân nghiêng ngả, kèm theo những lời bắt bẻ nhừa
nhựa hình như của kẻ say rượu. Rồi cũng chỉ lặp đi lặp lại những âm thanh như
vậy, nên cảm giác lo ngại dần dần xua đi
và nhờ men rượu Cát Quế Hoài Đức (xã láng giềng với xã Tân Thanh) nồng ấm ngấm
dần vào giấc ngủ chìm sâu của “nhà báo tôi”…
Sáng dậy sau bữa cơm điểm tâm với canh cua suối rau
đay, “nhà báo tôi” được bố trí đi “thị sát” những hàng cây rừng bị lâm tặc đốn
ngã trơ gốc, phỏng vấn những người dân định cư sớm nhất xã Tân Thanh về những
vụ việc xâm phạm an ninh trật tự địa phương; tiếp xúc gia đình nạn nhân trong
vụ án giết người; thu thập thông tin về cách chế tạo và sử dụng súng kíp; tìm
hiểu cuộc sống khốn khó của người dân di cư tự do…Sau đó đối chiếu với số liệu,
biên bản hiện trường và nhiều tài liệu khác được cung cấp từ chính quyền xã Tân
Thanh; trao đổi các giải pháp củng cố mạng lưới an ninh nhân dân, tăng cường phong
trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ Quốc và trật tự an toàn xã hội; đề xuất cơ
quan pháp luật của huyện Lâm Hà bố trí lực lượng cắm chốt 24/24 trên địa bàn xã
Tân Thanh…, “nhà báo tôi” đã cơ bản nhận diện các yếu tố cấu thành sự kiện
“vùng đất nóng” nơi này.
Phóng sự “Tân Thanh vùng đất không bình yên” của “nhà
báo tôi” đăng tải trên Báo Lâm Đồng đã định hướng dư luận về các mặt trái phát
sinh từ nhu cầu phát triển cây công nghiệp; về công tác quản lý người cai
nghiện tập trung tại địa phương; về xóa bỏ tập quán sản xuất súng kíp săn bắn thú
rừng của người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc du nhập đến…đều rất cần sự
chung tay của mọi cấp, mọi ngành và cộng đồng để vừa xử lý theo kỷ cương pháp
luật vừa đảm bảo ổn định môi trường đời sống xã hội địa phương.
Cũng với hình thức nhập cuộc tương tự vào cuối những
năm 2000, “nhà báo tôi” đã tìm về “làng lâm tặc” ở xã Quảng Sơn (huyện Ninh
Sơn, tỉnh Ninh Thuận) giáp ranh với khu rừng Yahoa thuộc xã Ka Đô (huyện Đơn
Dương, tỉnh Lâm Đồng) trực tiếp chuyện trò với “thợ rừng”. Với tâm thế thân
thiện và chia sẻ, “nhà báo tôi” nhanh chóng được những “thợ rừng” ở đây bày tỏ
những lời gan ruột của mình. Đó là hoàn cảnh quẫn bách, thiếu vốn và đất sản
xuất, thiếu ngành nghề thủ công cho lao động nông thôn, dẫn đến con đường liều
lĩnh vào rừng Yahoa Lâm Đồng cưa trộm cây gỗ của tài nguyên quốc gia về bán
trang trải cuộc sống - dù trong số họ có vài hộ gia đình đã phải trả giá ngay
cả tính mạng của con em mình.
Năm 2009 phóng sự “Đi qua vùng đất chết” của “nhà báo
tôi” phân tích nguyên nhân sâu xa của nạn phá rừng Yahoa Lâm Đồng được UBND
tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen “Đoạt Giải Ba báo chí tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI”…
Giờ đây 2 “vùng đất nóng” nói trên đã hoàn toàn “hạ
nhiệt”, cuộc sống đang trên đường thịnh vượng và yên bình. Nhắc nhớ lại một vài
thời điểm “tác nghiệp nóng” nhân sinh nhật Báo Lâm Đồng tuổi 40, “nhà báo tôi” càng
thôi thúc trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình trong hành trình phía
trước.
THÁNG 8/2017