Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Bước chuyển tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lâm Đồng

VĂN VIỆT
“Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đạt những kết quả khả quan. Đó là tăng trưởng cao gấp đôi bình quân chung cả nước; diện tích sản xuất công nghệ cao tiếp tục phát triển; tổng đàn gia súc tăng, đặc biệt có trang trại hữu cơ bò sữa và bò kobe đầu tiên của Việt Nam; hệ thống thủy lợi tưới tiêu cả năm gần 64% diện tích; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vượt kế hoạch…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá tại Hội nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới 7 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn.

Khả quan trên nhiều lĩnh vực tái cơ cấu
Hội nghị nói trên đã ghi nhận những số liệu khả quan trên nhiều lĩnh vực trọng tâm ở Lâm Đồng. Theo đó, trên lĩnh vực trồng trọt, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi gần 5.250ha đất lúa sang trồng các loại cây màu và trồng mới cây ăn quả trên diện tích hơn 1.600ha vườn tạp  nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; đồng thời tiến hành tái canh khoảng 3.100ha điều.
Kết thúc tháng 7/2017, diện tích rau, hoa đạt gần 41.000ha, tương ứng hệ số sử dụng đất tăng lên bình quân 3 lần/năm. Cây cà phê tái canh gần 41.000ha, tăng năng suất từ 2,6 tấn/ha lên gần 3 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 6- 7 tấn/ha. Diện tích chè cao sản và chè chất lượng cao chiếm 48% tổng diện tích, riêng sản lượng 7 tháng đầu năm  2017 đạt hơn 121.000 tấn. Cây dược liệu và cây đặc sản mở rộng hơn 300ha. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 54 chuỗi sản xuất, chăn nuôi an toàn gắn với thị trường tiêu thụ. Ở lĩnh vực thủy lợi với nhiều công trình trọng điểm tiếp tục đầu tư như: thủy lợi Đạ Lây, Đạ Đờn; hệ thống kênh Đạ Tẻh; nâng cấp 10 công trình có nguy cơ mất an toàn; xây mới và sửa chữa 130 công trình nước sinh hoạt tập trung.
“ Trong xây dựng và phát triển nông thôn mới, trọng tâm là phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại và tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đng nhấn mạnh.  Cụ thể đến hết tháng 7/2017, toàn tỉnh Lâm Đồng có 127 HTX nông nghiệp, tăng 12 HTX so với cùng kỳ năm 2016, vượt kế hoạch 2 HTX. Trong đó chiếm gần 30% số HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ đạt lãi khá. Và với 945 trang trại hiện có, Lâm Đồng đã tăng thêm 168 trang trại so với năm 2016. Phân loại có 155 trang trại tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, thu nhập bình quân gần 3 tỷ đồng/ha/năm. Thống kê qua 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện 4.763 tỷ đồng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay có 18 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, vượt 6 xã so với chỉ tiêu đặt ra.
Ngoài ra, Lâm Đồng đẩy nhanh thực hiện 2 dự án trọng tâm là: Hồ chứa nước Đạ Lây ( đã giải ngân hơn 15 tỷ đồng, tương đương 51% kế hoạch) và hồ chứa nước Đạ Sị (hiện đang lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu năm 2018 khởi công xây dựng). Đồng thời được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư 7 đề án gồm: phát triển bò thịt cao sản; phát triển bò sữa chất lượng cao đến năm 2020; hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; hình thành và quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, đảm bào an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm phát thải nhà kính; nâng cao chất lượng giống cấy trồng, vật nuôi; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tái canh cải tạo giống cà phê gắn với phát triển bền vững.
Chuyển dịch đúng hướng tái cơ cấu ngành
Kết quả 7 tháng đầu năm 2017, sản xuất đã chuyển dịch đúng định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những diện tích đất canh tác kém hiệu quả đã được cải thiện từng bước thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đáng kể, mức độ đầu tư sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao toàn tỉnh tiếp tục gia tăng hơn 6.000ha trong năm 2016 và gần 1.640ha trong 7 tháng đầu năm 2017. Giá trị thu nhập trong năm 2016 bình quân 150 triệu đồng/ha/, ước đạt trong năm 2017 khoảng 155- 160 triệu đồng/ha.
Bởi vậy, những tháng còn lại của năm 2017, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định 8 nhóm giải pháp trọng tâm được tiếp tục triển khai đồng bộ. Cụ thể 4 nhóm giải pháp đầu tiên là: đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng; hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án, kế hoạch đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và khẩn trương hoàn thiện các đề án còn lại; lựa chọn các hạng mục đầu tư hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hiện đại hóa khâu sản xuất rau, hoa và triển khai các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Và 4 nhóm giải pháp tiếp theo gồm: phối hợp, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp để chuyển giao giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; chỉ đạo kiểm tra, huy động lực lượng nạo vét kênh mương, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh đối với công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ; hoàn thành công tác sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng theo đúng quy định và tình hình thực tế của từng đơn vị; tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác tham mưu các nhiệm vụ cụ thể trong tái cơ cấu ngành. /.
THÁNG 8/2017