VĂN VIỆT
Trong vòng 6 năm qua, diện tích hoa Lâm
Đồng từ hơn 5.500ha tăng lên gần 8.400ha, sản lượng tương ứng đạt 1,1 tỷ cành
đến gần 3 tỷ cành. Trong đó vùng sinh thái Đà Lạt chiếm khoảng 65% diện tích và
67% sản lượng.
Do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất đồng bộ công nghệ cao và thiếu
các nguồn giống hoa bản quyền trong nước và nhập khẩu, dẫn đến sản lượng hoa
Lâm Đồng xuất khẩu mỗi năm chỉ đạt từ 10- 15%.
Mỗi hecta hoa
đầu tư 8 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng
Đầu năm 2016, phóng viên được tiếp xúc trang trại
chuyên canh hoa lily hơn 5ha nhà kính, nhà lưới công nghệ cao ở xã Xuân Thọ, Đà
Lạt. Ở đây tổ chức sản xuất theo từng phân khu đảo trộn giá thể hữu cơ vi sinh,
xuống củ giống trồng mới, chăm sóc luống cây theo từng giai đoạn sinh trưởng,
thu hoạch cắt cành, sơ chế đóng gói...nên hàng ngày đều có sản phẩm thu hoạch.
Chủ trang trại hoa lily, anh Nguyễn Hữu Trí cởi mở: “ Trung bình mỗi ngày trang
trại chúng tôi thu hoạch hoa lily nhiều loại giống Hà Lan chuyển xuống Sài Gòn
tiêu thụ khoảng 4.000 – 6.000 cành. Những dịp cao điểm lễ, tết, trang trại xuất
vườn lên đến 200.000 cành. Theo thời vụ mỗi loại hoa lily canh tác từ 75- 90
ngày, trang trại chúng tôi bố trí những phần diện tích sản xuất và thu hoạch
sản phẩm tương ứng với khả năng khai thác thị trường của mình….”
Thường trước khi bước vào mỗi thời vụ sản xuất hoa
lily, trang trại của anh Nguyễn Hữu Trí giành một thời gian cho đội ngũ nhân
viên của mình khảo sát thị trường thông qua những bạn hàng truyền thống và bạn
hàng mới kết nối thu mua hoa sỉ, đồng thời tiếp thị trực tiếp với từng đối
tượng khách hàng mua hoa lẻ về nhà trang trí. Sau khi tổng hợp kết quả này,
trang trại triển khai sản xuất hoa lily với số diện tích tương ứng với số lượng
sản phẩm cung cấp theo dự báo của thị trường. Nhờ chủ động thị trường tiêu thụ,
trang trại hoa lily của anh Nguyễn Hữu Trí đạt lợi nhuận sau 8 năm sản xuất ở
xã Xuân Thọ, Đà Lạt vừa đủ nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích từ 1,7ha tăng lên
5ha.
Nếu với giá giống hoa lily trên thị trường khoảng hơn
20.000 đồng/củ, nhân với mật độ trồng 400.000 củ/ha ở Đà Lạt, thì tổng nguồn
vốn đầu tư 8 tỷ đồng/ha mỗi vụ sản xuất. Chưa kể đầu tư nhà kính cùng các thiết
bị vận hành công nghệ cao trồng hoa lily trên giá thể với nguồn vốn tối thiểu 2
tỷ đồng/ha.
Chưa dừng lại, mức đầu tư này sẽ tăng lên trên mỗi
hecta 10 tỷ đồng và 50 tỷ đồng để sản xuất lần lượt sản phẩm hoa lan vũ nữ và
hoa lan hồ điệp công nghệ châu Âu ở Công ty TNHH Hoa Mặt Trời (xã Phú Hội, Đức
Trọng). Anh Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc công ty này thông tin: “Giữa năm 2004, khi
vừa thành lập và đi vào hoạt động, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời nhập khẩu các
giống hoa lan hồ điệp, lan vũ nữ trồng thử nghiệm tại địa bàn xã Phú Hội, Đức
Trọng. Sau 8 năm chăm sóc đối chứng với nhiều điều kiện, đối tác Nhật Bản, Đài
Loan đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng đều đạt mức cao nhất, từ đó ký hợp đồng
tiêu thụ số lượng lớn hoa lan hồ điệp và hoa lan vũ nữ với công ty chúng tôi…”
Để có đủ sản lượng hoa lan hồ điệp và vũ nữ xuất khẩu,
công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành 2 hạng mục chính gồm: phòng
nuôi cấy mô công suất 3 triệu cây giống/năm và xưởng bảo quản, đóng gói hoa thu
hoạch 1.500m² đạt công suất 7 triệu cành/năm. Đồng
thời tìm đến từng hộ nông dân trong huyện Đức Trọng vận động thành lập Tổ Hợp
tác liên kết trồng hoa với công ty. Trước khi bắt tay vào vụ đầu tiên, công ty
mời chuyên gia đến từ Đài Loan, Nhật Bản tổ chức lần lượt đến 70 khóa đào tạo,
tập huấn, chuyển giao trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật nuôi cấy mô, chăm sóc
hoa lan vũ nữ, lan hồ điệp, quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, vận
chuyển xuất khẩu…
Kết quả sản phẩm hoa lan vũ nữ và hồ
điệp của nông dân thu hoạch hàng ngày đều tập trung tại công ty để đóng gói
xuất khẩu bằng đường biển và đường hàng không chiếm tỷ lệ khoảng 70%; còn lại tỷ
lệ 30% phân phối đến thị trường các đô thị lớn trong nước. Doanh thu sau khi
trừ các chi phí công khai, còn lại thanh toán toàn bộ cho nông dân.
Tính chung giai đoạn năm 2011 – 2017,
Công ty TNHH Hoa Mặt Trời liên kết với 52 hộ nông dân Đức Trọng, đầu tư tổng
nguồn vốn 254 tỷ đồng sản xuất 30ha hoa lan vũ nữ và 2,5ha hoa lan hồ điệp công
nghệ cao. Trong đó riêng tổng sản lượng năm 2016 gần 2 triệu cành và dự kiến
năm 2017 đạt 3 triệu cành. Lợi nhuận thu về cho hộ nông dân liên kết ổn định 2
– 3 tỷ đồng/ha/năm.
Hiện tại nhiều đối tác các nước Trung
Đông, Úc, Nga, Singapore…đặt vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ hoa lan vũ nữ,
hoa lan hồ điệp trồng tại Đức Trọng với số lượng hàng triệu cành mỗi năm, nhưng
Công ty TNHH Hoa Mặt Trời và hộ nông dân trong tổ hợp tác liên kết không thể
đáp ứng vì thiếu quá lớn nguồn vốn đầu tư. “Đến nay toàn bộ tài sản của công ty
chúng tôi cùng các hộ nông dân liên kết sản xuất hoa lan vũ nữ và lan hồ điệp đều
thế chấp vay vốn đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, thiết bị, cây giống…Tuy
nhiên, khối tài sản hình thành sau vốn vay ở đây đều không được thế chấp để
tiếp tục vay vốn mở rộng đầu tư sản xuất… ”, giám đốc Huỳnh Tấn Sơn phản ánh
thêm.
90% giống hoa Đà Lạt có
nguồn gốc nhập khẩu
Cuối năm 2016, phóng viên đến Nông
trại hoa Việt Lạc (xã Đạ Sar, Lạc Dương) được chủ nhân anh Vương Việt Nam (sinh
năm 1978) cung cấp thông tin về giống hoa cẩm chướng bản quyền từ nước Nhật đưa
về trồng. Đúng lúc đầu giờ buổi sáng, trang trại nơi đây thu hoạch những bó hoa
cẩm chướng vừa chớm nở đa sắc màu rực rỡ khỏe khoắn, cành hoa thẳng thớm, công
nhân đang đóng thùng xuất khẩu sang Nhật. “Vì sản xuất giống hoa cẩm chướng bản
quyền của Nhật nên chỉ tuân thủ theo hợp đồng xuất khẩu sang Nhật, cũng như
không được tự ý nhân giống trồng ở những khu vườn khác ngoài trang trại…”, chủ
nhân Vương Việt Nam cho hay. Và kết thúc năm 2016, trên 2ha sản xuất hoa cẩm
chướng bản quyền của Nhật đã đạt doanh thu từ 3- 3,5 tỷ đồng/ha, cao hơn gấp
nhiều lần so với sản xuất các giống hoa tự chọn tạo, nhân giống từ các cơ sở
nuôi cấy mô ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, Nông trại
Việt Lạc chuyển sáng trồng thử nghiệm thành công 10 giống hoa mẫu đơn bản quyền
từ Hà Lan. Kế hoạch cuối năm 2017, “Việt Lạc” sẽ trưng bày và chào bán đồng
loạt 30.000 chậu hoa mẫu đơn tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII. Số chậu hoa
mẫu đơn này cũng được sản xuất trên diện tích 1.000m² nhà kính, tọa lạc ở xã Đạ
Sar, huyện Lạc Dương, dự kiến đạt doanh thu ban đầu từ 4- 4,5 tỷ đồng/ha/năm.
Theo Công ty TNHH Linh Ngọc (Nguyễn
Đình Chiểu, Đà Lạt), một đơn vị có “thâm niên” mười mấy năm nhập khẩu các giống
“hoa đẹp” nhận định hơn 90% giống hoa đang sản xuất tại Đà Lạt có nguồn gốc
nhập khẩu. Qua thời gian canh tác đã lâu
năm, các giống hoa này (khoảng 400 loài) đang được thương mại hóa bởi các cơ sở
sản xuất nhân giống cấy mô, hoặc người nông dân tự ghép cải tạo. Trong khi đó,
việc chọn tạo các giống hoa mới bản quyền Đà Lạt phần lớn chỉ mới dừng lại ở
phạm vi sản xuất thử nghiệm, vẫn còn thiếu nhiều kiện để sản xuất đại trà theo
tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Do đó, chất lượng hoa Đà Lạt nói chung tiêu thụ quanh năm chủ yếu ở thị trường nội địa, giá trị lợi nhuận thu về luôn ở mức thấp so với tiềm năng, lợi thế của khí hậu, thổ nhưỡng cao nguyên Đà Lạt và vùng phụ cận có độ cao từ 800m- 1.500m so với mặt biển.
Như vậy việc trồng nguồn giống hoa
bản quyền đạt chất lượng xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới điển
hình như Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Nông trại Lạc Việt nói trên chỉ chiếm
khoảng 10- 15% tổng sản lượng hoa thương hiệu Đà Lạt. Có 2 nguyên nhân chính
dẫn đến không chỉ nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp cận hạn chế, mà còn nhiều vướng
mắc về thủ tục kiểm dịch thực vật, mức thuế quan nhập khẩu hiện mới bắt đầu
được các bộ, ngành trung ương xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách tháo
gỡ…/.
THÁNG 8/2017