Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Phát huy lợi thế so sánh của vật nuôi, cây trồng

VĂN VIỆT
Trong 4 năm tới, giá trị sản xuất nông nghiệp ở huyện Lâm Hà tăng bình quân mỗi năm 5- 6%; trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt tỷ lệ từ 25-30% và chiếm 50- 60% tổng giá trị sản phẩm. Đạt được mục tiêu này, huyện Lâm Hà xác định từng loại vật nuôi, cây trồng có lợi thế so sánh để đầu tư chuyên canh thích hợp theo từng vùng quy hoạch.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất
Theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp vừa được phê duyệt, đến năm 2020, huyện Lâm Hà cơ cấu 7 loại cây trồng chủ lực theo hướng ổn định và bền vững.
Trước hết, với cây cà phê Lâm Hà được quy hoạch ổn định trên diện tích 40.000ha, trong đó có 15.000ha đạt các tiêu chuẩn 4C, UTZ, VietGAP, năng suất bình quân 3 tấn/ha/năm trở lên.
Tiếp theo cây chè tập trung nâng cao chất lượng cây giống chuyển đổi, tăng dần diện tích chè cành cao sản và các giống chè chất lượng cao lên 300ha, áp dụng cơ giới trong khâu thu hái sản lượng hàng năm khoảng 5.320tấn. Cây lúa canh tác 2 vụ ổn định 1.000ha (có 600ha lúa chất lượng cao), tập trung các vùng chuyên canh ở thị trấn Đinh Văn, xã Tân Văn và xã Đạ Đờn, tổng sản lượng mỗi năm gần 10.640tấn. Cây dâu tằm cơ cấu khoảng 2.200 ha thì có 1.700 ha dâu giống mới năng suất bình quân mỗi năm 2,5 tấn/ha và nuôi tằm đạt sản lượng 3.300 tấn kén. Trong đó quy hoạch sản xuất cây dâu chủ yếu trên các vùng đất ven sông, suối không bị ngập lụt hoặc chuyển đổi từ các diện tích đất lúa 1 vụ và đất trồng các loại cây khác kém hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt 2 cây trồng đột phá là rau và hoa ôn đới chất lượng cao, huyện Lâm Hà đặt mục tiêu phát triển 300ha, doanh thu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần so với sản xuất truyền thống. Và cuối cùng cây mắc ca được cơ cấu trồng xen với 1.000ha cà phê và trồng thuần 300ha, đạt năng suất 2,5 tấn/ha/năm.
Trong cơ cấu chăn nuôi, UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh: “Huyện Lâm Hà tiếp tục thu hút đầu tư chăn nuôi công nghiệp tại các điểm quy hoạch tập trung, từ đó hình thành các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, các trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 22% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm chăn nuôi tập trung chiếm 60% tổng giá trị ngành chăn nuôi…” Theo đó, Lâm Hà phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 như: 5.000 con bò sữa, 5.000 con bò lai cao sản; 16.000 con heo và 1 triệu con gia cầm; 1.500ha diện tích gieo trồng thủy sản, đạt sản lượng khoảng 4.000 tấn ( gồm 200 tấn cá nước lạnh và cá lồng bè).   
Gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ
Định hướng phát triển nông nghiệp ổn định và bền vững, huyện Lâm Hà gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Tại khu công nghiệp thị trấn Đinh Văn và khu vực xã Mê Linh, Phúc Thọ tập trung đổi mới trang thiết bị, hiện đại hóa các cơ sở chế biến chè, cà phê hiện có, đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư chế biến sản phẩm cà phê nhân và chè cao cấp để mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu. Với chế biến kén tằm chuyển từng bước từ ươm tơ thủ công sang ươm tơ cơ khí và tự động, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tơ đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ…
Về sản phẩm hoa thu hoạch được khuyến khích phát triển cơ sở đầu tư công nghệ bảo quản lạnh, ướp hoa tươi, đóng gói theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt công nghệ chế biến rau, huyện Lâm Hà triển khai các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư máy móc sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Về lâu dài thu hút đầu tư chế biến cấp đông, sấy khô, đóng hộp rau, củ, quả theo chất lượng ISO, đạt công suất 15.000 tấn/năm tại khu công nghiệp thị trấn Đinh Văn.
Ở cả 3 cụm công nghiệp Nam Ban, Đinh Văn và Tân Hà, huyện Lâm Hà thu hút đầu tư xây dựng các hạng mục như:  3 trạm thu mua sữa bò quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại;  3 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới hình thành các nhà máy bao tiêu và chế biến các sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng cao trên thị trường.
Để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ ổn định, huyện Lâm Hà xác định: “ Đổi mới quan hệ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường các hình thức hợp tác theo chuỗi giá trị. Cụ thể đến năm 2020, huyện Lâm Hà phát triển khoảng 1.000 trang trại, 400 tổ hợp tác, 150 hợp tác xã với 40% số hộ nông dân tham gia. Trong đó mỗi xã, thị trấn hình thành lập ít nhất 1 mô hình điểm hợp tác xã tổ chức sản xuất theo hợp đồng, qua đó tích cực nhân rộng trên địa bàn…. ”/.
THÁNG 8/2017