Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Rau, hoa công nghệ cao- Nhân rộng cách nào ? Bài 4/ Giải pháp chuỗi liên kết và phát triển thương hiệu

VĂN VIỆT

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh 4 nguyên tắc đạt thành tựu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn gần 15 năm qua: “Nông dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm nòng cốt, khoa học công nghệ làm then chốt và liên kết sản xuất để phát triển bền vững”.

Chặt chẽ liên kết ngang và liên kết dọc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, một trong những chính sách thúc đẩy phát triển rau, hoa công nghệ cao ở Lâm Đồng đang được tập trung nhân rộng là tổ chức sản xuất, phát triển các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân với tổ chức khoa học, doanh nghiệp, HTX.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai quy hoạch 8 khu sản xuất rau, hoa công nghệ cao với tổng diện tích gần 2.140ha. Trong đó 3 khu nông nghiệp công nghệ cao có diện tích từ 346ha đến 500ha ở xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương và xã Tu Tra, huyện Đơn Dương; còn lại 5 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích từ 100ha đến 300ha ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng và xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng còn quy hoạch 5 vùng sản xuất 837ha rau và 3 vùng sản xuất 180ha hoa công nghệ cao ở các địa bàn Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương.
Tính trong giai đoạn 6 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư 22.757 tỷ đồng thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, gồm vốn huy động nhân dân chiếm gần 65%, vốn huy động doanh nghiệp chiếm gần 27%, còn lại vốn tín dụng hơn 7% và vốn đầu tư từ ngân sách hơn 1%. 
Đặc biệt hàng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng bố trí nguồn vốn thích hợp hỗ trợ nông hộ sản xuất đạt chuẩn VietGAP; nâng cấp nhà xưởng chế biến nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại, đóng gói sản phẩm, chứng nhận HACCAP, ISO. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng 54 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, trong đó riêng rau có 30 chuỗi với hơn 1.560 nông hộ sản xuất gần 2.600ha đạt sản lượng khoảng 272.000 tấn/năm. Và 3 chuỗi hoa với gần 118 hộ sản xuất gần 200ha, sản lượng gần 140 triệu cành/năm.
Tại một diễn đàn phát triển HTX nông nghiệp toàn quốc theo luật mới vừa qua, hoạt động của HTX Anh Đào Đà Lạt một lần nữa minh chứng tiêu biểu ở hình thức chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc cần được nhân rộng mô hình trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong nước nói chung. Giám đốc HTX Anh Đào Đà Lạt Nguyễn Công Thừa chia sẻ: “ Gần 15 năm hoạt động, HTX Anh Đào chúng tôi luôn tuân thủ hợp đồng liên kết chuỗi sản xuất các loại rau với hộ nông dân thành viên và ngoài thành viên (liên kết ngang). Đó là theo kế hoạch HTX, các nông hộ liên kết chủ động sản xuất trên diện tích đất của mình đúng quy trình VietGAP, có kỹ thuật viên giám sát. HTX cung ứng nguồn giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch của nông hộ liên kết. Mỗi sản phẩm thu hoạch của nông hộ tập kết ở kho HTX đều đánh dấu mã lô phân biệt và thuận tiện cho việc xác định nguồn gốc. Lợi nhuận HTX chia đều các hộ thành viên theo tỷ lệ vốn góp và mức sử dụng dịch vụ…Riêng nông hộ ngoài thành viên được HTX bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận trước khi sản xuất hoặc cao hơn 10% giá thị trường thời điểm thu hoạch…”  
   Đồng thời HTX Anh Đào Đà Lạt duy trì và thực hiện chặt chẽ hợp đồng liên kết dọc với hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp phân phối rau trong nước và xuất khẩu. Cơ chế thực hiện liên kết dọc ở đây ràng buộc doanh nghiệp, hệ thống siêu thị cùng tổ chức thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Về phía HTX Anh Đào Đà Lạt có trách nhiệm tăng cường mối liên kết ngang với nông hộ như vừa nêu.
Kết quả hàng năm với diện tích 270ha liên kết khoảng 300 nông hộ sản xuất theo chuỗi rau ứng dụng công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP, HTX Anh Đào Đà Lạt đã đạt 33.600 tấn (tương đương 80% sản lượng) tiêu thụ trên 52 tỉnh, thành trong nước, doanh thu 160 tỷ đồng và 8.400 tấn (tương đương 20% sản lượng) xuất khẩu sang Hàn Quốc, Singapore, Malaysia.., doanh thu 50 tỷ đồng.
Đáng kể thêm là hình thức liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và Tổ Hợp tác (THT). Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vốn, giống, kỹ thuật canh tác và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; nông dân có đất sản xuất công nghệ cao, nhân công lao động, thụ hưởng toàn bộ lợi nhuận trên diện tích đất sản xuất của mình. Như liên kết giữa doanh nghiệp Dalat Hasfarm với 100 hộ nông dân Đà Lạt sản xuất hàng năm từ 20- 25ha hoa cúc và hoa cẩm chướng công nghệ cao, đạt lợi nhuận trung bình từ 1 tỷ đồng/ha/năm trở lên.
Số liệu thu thập của phóng viên về tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng gồm 100% sản phẩm theo chuỗi an toàn thực phẩm và 60% sản lượng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhiều hơn gấp 2 lần sản lượng nông sản tiêu thụ bình quân theo hợp đồng toàn tỉnh Lâm Đồng.      
Tăng 25- 30% doanh thu rau, hoa nhãn hiệu
Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt (đường Mai Anh Đào, Đà Lạt) là 1 trong 8 doanh nghiệp ở Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời hội đủ các tiêu chí cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” từ năm 2011 đến nay. “Hơn 10 năm trước, công ty chúng tôi đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ hiện đại để nghiên cứu, sản xuất các loại hoa và cây cảnh lợi thế của vùng sinh thái Đà Lạt, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước. Hơn 10 năm sau, công ty chúng tôi tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng sản phẩm, nhất là nhân giống invitro công nghệ hiện đại với  90% sản phẩm tiêu thụ thị trường xuất khẩu và chỉ 10% tiêu thụ thị trường trong nước ”, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Nguyễn Đình Sơn cho biết.
 Như quy mô phòng lab của “Rừng Hoa Đà Lạt” tăng từ 2.000m² lên 4.000m², tương ứng năng suất cấy mô invitro mỗi năm 12 triệu tăng lên 24 triệu cây giống hoa, cây cảnh; xây mới nhà kính ươm cây con 2.000m² vận hành toàn bộ dây chuyền thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Pháp, Đan Mạch; đầu tư trang trại 10ha sản xuất hoa công nghệ cao ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương với các loại hoa cao cấp gắn nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” cung cấp thị trường trong nước như lily, hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền…
Tính đến tháng 8/2017, “Rừng Hoa Đà Lạt” là 1 trong khoảng 270 đơn vị, cá nhân được UBND thành phố Đà Lạt cấp Chứng nhận sử dụng độc quyền nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” trên tổng diện tích hơn 150ha. Và có khoảng 65 đơn vị, cá nhân sản xuất rau ở Đà Lạt và các vùng phụ cận được cấp Chứng nhận “Rau Đà Lạt” gần 760ha. Bình quân doanh thu của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh “rau, hoa Đà Lạt”  mỗi năm tăng 25- 30%. “Ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau, hoa Đà Lạt cấp nhãn hiệu chứng nhận đã nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Điển hình các mô hình chuỗi liên kết ở các HTX Xuân Hương, Anh Đào, Tân Tiến, Công ty Đà Lạt GAP, Phong Thúy… gắn tem độc quyền “Rau Đà Lạt” thâm nhập vào các siêu thị, nhà hàng, khu công nghiệp trong nước đạt khoảng 100 tấn/ngày, tăng 30% so với trước khi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này.
Tiến sĩ Phan Huy Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong một diễn đàn chuyên đề phát triển rau, hoa công nghệ cao Lâm Đồng, đã phát biểu: “Lâm Đồng đi đầu trong cả nước phát triển rau, hoa công nghệ cao với đa dạng công nghệ sản xuất, chế biến, tạo sự thay đổi tập quán trong canh tác và đột phá nâng cao giá trị thu nhập. Đây là hướng phát triển tất yếu trong thời kỳ hội nhập, nhưng vẫn còn mới mẻ, suất đầu tư cao đối với các tỉnh, thành khác trong nước, nên cần phải tổ chức những bước đi phù hợp, chặt chẽ, tránh làm theo phong trào… ” ./.
THÁNG 8/2017